6 cách để trở thành người chủ động trong công việc

Chẳng ai thành công nếu làm việc kiểu “sai đâu đánh đó”. Thực chất những người càng chủ động trong công việc bao nhiêu thì khả năng thành công và thăng tiến càng lớn bấy nhiêu.

Theo chia sẻ từ Trưởng phòng Nhân sự của CareerLink - một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng và tìm kiếm việc làm, thì tiêu chí tuyển chọn nhân sự dù thay đổi theo từng loại hình công việc, nhưng tựu trung vẫn phải có yếu tố chủ động và nhiệt huyết. Bởi nếu không tự chủ thì sẽ khó tiến bộ cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, và như thế thì sự đóng góp sẽ không nhiều cũng như giảm khả năng thăng tiến. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 6 bí quyết hữu hiệu giúp bạn trở thành người chủ động trong công việc, hãy cùng tham khảo nhé! Tìm kiếm thông tin việc làm uy tín tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh
  1. Chủ động nhưng đảm bảo đúng nguyên tắc chung
Trước khi chủ động bất kì điều gì, thì bạn cần nắm rõ nguyên tắc nơi làm việc. Bởi chủ động thì không đồng nghĩa với “sao cũng được”. Không phải cấp trên nào cũng thích nhân sự chủ động “không xin phép” hoặc kiểu “cấm vẫn làm”. Do vậy trước khi bạn chủ động giải quyết vấn đề hoặc “thử” sáng tạo thì hãy xem xét cách làm của mình có phù hợp với nguyên tắc chung hay không. Tất nhiên trong một số trường hợp phải “phá luật” nhưng bạn nên cân nhắc kĩ trước khi hành động để tránh hậu quả.
  1. Tự chủ sắp xếp và sáng tạo khi làm việc
Khi bạn là nhân viên mới thì sẽ có trường hợp “cầm tay chỉ việc”, hoặc cấp trên chỉ định rõ khối lượng công việc và thời hạn hoàn thành. Nhưng về sau thì sếp sẽ không thể ở bên cạnh bạn mãi, cũng như bạn cần sự khác biệt để chứng tỏ năng lực. Bởi vậy khi đã nắm rõ quy trình, nguyên tắc làm việc, hiểu rõ năng lực đội nhóm thì bạn có thể tự đề xuất mức công việc, thời hạn hoàn thành phù hợp với năng lực. Thậm chí, bạn có thể đưa ra các sáng kiến mới để nâng cao năng suất làm việc của cá nhân hoặc đội nhóm.
  1. Chủ động tham gia vào các cuộc trò chuyện, họp hội
Một lý do khác khiến bạn trở thành người bị động đó chính là thiếu thông tin, hoặc tin tức “bị nhiễu”. Trường hợp này sẽ đôi lúc xảy ra khi bạn là nhân viên mới, vừa nghỉ phép dài ngày, hoặc đơn giản là chưa “thân thiết” với tập thể. Môi trường công sở là cộng đồng thu nhỏ, do đó bạn cũng nên tìm cách hòa đồng với mọi người. Khi  bạn có các mối quan hệ tốt thì các thông tin về công việc, chính sách, hay vui chơi “bên lề” cũng sẽ đầy đủ hơn. Và khi bạn đã hiểu rõ về mọi thứ xung quanh thì việc chủ động cũng không còn quá nhiều khó khăn nữa.
  1. Nghỉ ngơi hợp lý và luôn bồi dưỡng các suy nghĩ tích cực
Trái với trường hợp bị động do thiếu kinh nghiệm, một số người rơi vào tình trạng bị động là bởi tâm trạng không ổn định, thể chất yếu kém. Thật vậy, công việc ngày nay luôn tràn đầy căng thẳng và nếu không nghỉ ngơi hợp lý thì dễ bị quá tải, và dần dần trở thành người bị động do “sợ việc”. Bạn cần làm việc khoa học, nghỉ ngơi đầy đủ, và luôn bồi dưỡng suy nghĩ tích cực bằng cách trò chuyện với các đồng nghiệp giỏi, tham gia các câu lạc bộ thể thao lành mạnh, cũng như hội nhóm liên quan đến chuyên ngành công tác.
  1. Hành động không trì hoãn, và học cách quyết định nhanh
Có câu “việc hôm nay chớ để ngày mai” nên bạn cần hạn chế tối đa sự trì hoãn công việc bằng nhiều lý do khác nhau. Vì nếu không thì sau nhiều lần bạn sẽ có thể hình thành thói quen xấu, và điều này trở thành “vật cản ngầm” cho công việc cũng như cuộc sống của bạn. Hãy xem xét trước sau rằng liệu bản thân có nên “nán” thêm chút để hoàn tất nốt, hay là thực sự không thể giải quyết và nên để qua ngày hôm sau. Bạn cần nhớ rằng quyết định nhanh không đồng nghĩa với hấp tấp.
  1. Dự đoán các tình huống có thể xảy ra và cách giải quyết
Cuối cùng, người chủ động chính là người có thể dự đoán được một phần nào của tương lai. Tất nhiên, bạn không là “thánh nhân” nên mọi sự chỉ gói gọn trong “có thể” và không tuyệt đối chắc chắn. Nhưng ít nhất là bạn cũng dự trù được phần nào đó của diễn biến về sau. Ví dụ như bạn thường chọn đoạn đường quen thuộc từ nhà đến chỗ làm, nên bạn sẽ biết rằng mức độ lưu thông trên quãng đường này dễ bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Do đó, bạn chấp nhận dậy sớm hơn mọi ngày, hoặc chọn con đường khác “ít rủi ro” hơn để đảm bảo đúng giờ họp giao ban đầu tuần. Thế là thói quen dự đoán giúp bạn không bị rơi vào tình trạng bất khả kháng với công việc vì các yếu tố “thật bất ngờ”.

Trung Thành