Trung Thành
6 điều cần biết khi đi công tác cùng sếp
Đi công tác cùng sếp là cơ hội tốt để xây dựng mối quan hệ bền vững với cấp trên và bạn cũng có nhiều cơ hội để va chạm, trải nghiệm những điều khác biệt với công việc thường ngày. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink, một trong những thương hiệu chất lượng trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm việc làm tại Việt Nam, cũng có những vấn đề bất ngờ xảy ra khiến bạn phải đau đầu để tìm ra cách giải quyết nhanh gọn và hợp tình hợp lý.
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 6 điều cần biết nhằm giúp bạn có một chuyến công tác cùng sếp thành công.
Cập nhật thông tin tuyển dụng mới nhất tại Careerlink.
“Nằm lòng” vai trò và nhiệm vụ
Trước mỗi chuyến đi, sếp sẽ luôn nói trước cho bạn về mục đích của chuyến công tác, ví dụ như thăm chi nhánh, gặp gỡ đối tác hoặc khảo sát thị trường. Vì thế, bạn cần nắm rõ để biết mình cần và nên làm gì, nếu không rõ cần phải trao đổi nhanh với sếp nhằm hạn chế các tình huống xấu như không thu thập được số liệu hoặc thông tin cần thiết... Việc hiểu rõ vai trò bản thân càng được nhấn mạnh nếu chuyến công tác có thêm các đồng nghiệp khác và mỗi người đều có nhiệm vụ riêng. Bởi điều này sẽ giúp giảm các sai lầm kiểu “giẫm chân” lên nhau rồi đùn đẩy trách nhiệm, khiến mối quan hệ với đồng nghiệp bị sứt mẻ và công việc bị đình trệ.
Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết
Sau khi đã nắm rõ nhiệm vụ bản thân, tiếp theo là bạn phải chuẩn bị tài liệu đầy đủ. Nếu có sự chuẩn bị tươm tất, khi sếp cần bạn sẽ đáp ứng được ngay: “Tôi có chuẩn bị sẵn một vài bản ở đây!” hoặc khi sếp cần sản phẩm mẫu, bạn có thể đưa ra trước ngay lập tức. Hành động này không chỉ khiến sếp đánh giá cao sự chu đáo của bạn mà còn giúp chiếm được tình cảm của khách hàng, đối tác vì thái độ làm việc chuyên nghiệp. Vì vậy, hãy lên danh sách và chuẩn bị chu đáo các tài liệu, hình ảnh cần thiết cho chuyến đi cả trên giấy và các thiết bị điện tử đề phòng trường hợp bất trắc.
Đến sớm hơn
Nếu bạn nghĩ rằng sử dụng “giờ dây thun” trong chuyến công tác cũng chẳng sao thì bạn đã lầm rồi đấy. Đối với người thành công thì câu nói “Con chim đến sớm sẽ bắt được sâu” là phương châm sống và trễ giờ là điều khó lòng được chấp nhận. Vì vậy, dù đến sân bay hoặc rời khách sạn, hãy chắc rằng bạn đến sớm 10 phút so với giờ hẹn nếu không muốn sếp phải chờ đợi và nhìn thấy cái cau mày khó chịu từ họ. Luôn đúng giờ là cách thể hiện sự tôn trọng đối với sếp và tôn trọng chính bản thân mình.
Trang phục phù hợp
Môi trường công tác thường sẽ không quá gò bó như công sở nên dễ khiến bạn “lờ” đi các quy tắc hàng ngày. Bạn nên biết rằng chuyến công tác vẫn là một phần của công việc, vậy nên những gì bạn thể hiện vẫn gắn liền với hình ảnh của công ty. Hãy chọn cho mình những bộ trang phục thích hợp, có thể đẹp hơn và thời trang hơn thường ngày một chút, nhưng tuyệt đối không nên diện những “bộ cánh” thiếu nghiêm túc như thể bạn đang đi nghỉ mát dù văn phòng làm việc bên cạnh một bờ biển xinh đẹp hay khung cảnh nên thơ đến thế nào đi nữa.
Tắt các ứng dụng mạng xã hội
Có thể sếp không để ý việc bạn đăng nhập vào mạng xã hội trong thời gian ở công ty nhưng tốt nhất là bạn nên tạm thời “xa lánh” các ứng dụng này khi đang kế cận bên sếp. Dù đang ngồi trên xe nhưng việc liên tục “cắm mặt” vào điện thoại để trả lời tin nhắn khiến sếp có cảm giác bạn lơ là nhiệm vụ. Trong khi sếp đang lo lắng làm thế nào để thuyết phục đối tác ký hợp đồng thì nhân viên lại vô tư “chat chit” thỉnh thoảng còn cười bí hiểm. Có thể sếp không nói nhưng chắc giá trị của bạn đã bị tuột dốc thê thảm trong mắt của sếp.
Ứng xử đúng mực
Khi đi công tác thì khoảng cách giữa bạn và sếp là vô cùng gần gũi, khác hẳn với sự cách biệt thường ngày ở văn phòng. Tuy nhiên, anh ấy hoặc cô ấy vẫn là cấp trên của bạn. Do đó, nên tránh “ngồi lê đôi mách” các vấn đề cá nhân của đồng nghiệp hoặc bất cứ điều gì khác có thể khiến sếp nhìn bạn với đôi mắt tiêu cực.