Ai Cập và chuyến đi ngược dòng lịch sử

 

Cairo, Cairo, Cairo
 
Chuyến bay của hãng hàng không Ai Cập từ từ hạ độ cao để lộ khoảng không gian sa mạc rộng lớn nhuốm màu vàng dang tay đón 2 kẻ lữ hànhchúng tôi. Sân bay Ai Cập khá rộng và có đến 3 terminal nằm cách xa nhau. Con đường về Cairo mang đến không khí rạo rực củathủ đô nhộn nhịp nhất Phi Châu. Hơn 1 thế kỉ thuộc địa đã tạo nên những con phố ở Garden City và Midan Tahrir mang kiến trúc Anh Quốc. Nếu không trừ màu nâu vàng thấmsắc thời gian có lẽ mọi thứ cứ ngỡ như ở Luân Đôn.
 
Thành phố 22 triệu dân đón chúng tôi bằng khói và bụi tỏa ra từ những con đường và xe cộ đông đúc.Bác tài xế taxi nhanh nhẹn lách sát vào lề để chúng tôi xuống khách sạn nằm sâu trong những con đường chật hẹp của khu Old Cairo.Phố xá nơi này vẫn còn rất nhiều những công trình mang hơi hướm kiến trúc La Mã. Người Roma đã đặt nền móng cho thành phố này khoảng thế kỉ thứ 1 Sau Công Nguyên nhưng công mở rộng và phát triển phải kể đến người Ả Rập. 2000 năm lịch sử trải dài trên những con phố khiến lòng người phơi phới nâng những bước chân nhẹ tênh.
 
Cairo ngày nay được phát triển dưới thời thực dân và mang đậm kiến trúc Châu Âu.Những tòa nhà ở khu Talaat Harblà biểu trưng cho một thời hưng thịnh của Cairo trong khi đó Zamalek, Garden City lại mang không khí kiến trúc buổi đầu thế kỉ XX từ phương Tây. Chúng tôi cứ lang thang qua những con đường bụi bặm của Cairo để đến bờ sông Nile. Hàng loạt công trình kiến trúc soi bóng trên dòng sông cùng với những cây cầu hiện đại đang bắc ngang như những cung đàn làm cho thủ đô trở nên mềm mại hơn.Nhiều con thuyền đang hối hả qua lại mang đến một khoảng lặng trong cái động. Người xưa thật tài tình khi chọn Cairo làm thủ đô với dòng sông Nile chảy về phía Đông dễ dàng quan sát và kiểm soát khu vực đồng bằng cũng như rất gần để sang phía Tây chỉ bằng một chuyến vượt sông. 
 
Những trận lụt đều đặn hàng năm chở theo phù sa màu mỡ của sông Nile, cùng với tình trạng bán cô lập do sự ngăn cách của sa mạc phía đông và phía tây, dẫn tới sự phát triển của một trong những nền văn minh vĩ đại nhất thế giới. Chúng tôi chìm vào giấc ngủ trong đêm Cairo với những mong mỏi được thấy kim tự tháp, xác ướp hay tượng nhân sư giữa sa mạc nắng gió.
 
Sáng Cairo, chúng tôi rong ruổi đến khu chợ Khan Al-Khalili, một trong những trung tâm mua bán ra đời sớm nhất trên thế giới. Ngôi chợ được lấy tên của hoàng tử Jaharkas Al- Khalili, vị hoàng tử đầy quyền năng vào thế kỉ 14.Cảm giác đầu tiên đến chợ là không khí thời trung cổ toát lên từ những nhộn nhịp của buổi tinh mơ. Chỉ cần một bước chân, chúng tôi có thể tìm thấy tất cả các món đồ lưu niệm đặc trưng Ai Cập. Ngoài các gian hàng, nhiều quán cà phê và quán bán đồ ăn nhẹ nho nhỏ cũng nằm dọc theo lòng chợ với vị cà phê kiểu Ả Rập đặc trưng và bình shisha luôn sẵn sàng phục vụ khách. 
 
 
Những người bán hàng rất chịu khó mời mọc khách khứa những cũng khá khôn khéo đưa họ vào “thế” phải mua một món gì đó.Thú vị nhất có lẽ là những cuộc trả giá mà cả khách lẫn chủ cứ như cãi nhau khi mỗi “nấc” giá chỉ là 2LE (đơn vị tiền tệ của Ai Cập).Sau cùng tôi cũng ra về vui vẻ với một chục tượng nhân sư bé xinh làm quà và không quên thưởng thức ly trà nóng từ anh chủ hóm hỉnh.
 
Chúng tôi dành cả ngày hôm sau để ghé thăm bảo tàng cổ đại Ai Cập, công trình màu đỏ nằm ngay gần bờ sông Nile được coi là bảo tàng lưu trữ những cổ vật thời kỳ Pharaoh lớn nhất trên thế giới. Ra đời năm 1835 gần Ezbekeyah Garden, bảo tàng sau đó được chuyển về Boulaq vào năm 1858 để mở rộng diện tích. Trong bảo tàng không cho chụp hình nên chúng tôi chỉ có thể nhìn ngắm và cảm nhận, nhưng đó cũng là cơ hội thú vị để dành hết tâm trí cho việc quan sát.Tôi thích nhất là xem những “cuộn sách” làm bằng giấy papyrus và những đồng xu cổ.Cho dù đã bị hư hỏng phần nhiều qua hàng thiên niên kỉ nhưng đó chắc chắn là những báu vật của văn minh nhân loại. Rất nhiều các loại tiền xu cũng được trưng bày không chỉ của Ai Cập mà còn có cả Roma, Hy Lạp cũng như Tây Á cho thấy sự giao thoa văn hóa và kinh tế của xứ sở này đã có từ rất sớm. 
 
Cô bạn của tôi thì đắm chìm trong thế giới của các Pharaohs và một trong số đó là Pharaoh Ramses III, thiên tài về quân sự.Cũng thật khó để phân biệt các Pharaoh cũng như thời gian trị vì của họ bởi số lượng và sự phức tạp trong các thông tin.Trong khoảng 120.000 hiện vật có lẽ cảm xúc nhất với chúng tôi đó là những xác ướp.Nền văn minh vĩ đại của loài người thể hiện không chỉ qua những công trình, những hiện vật mà còn ở những quan tài bên trong chứa thân thể của các Pharaoh.Khác với vỏ ngoài hào nhoáng và uy nghi, xác ướp Pharaoh có thể làm nhiều người thất vọng bởi ngày nay chỉ là bộ xương được quấn trong lớp vải trắng dày đã ngả màu.Những xác ướp của Amenhotep II (Amenophis II) hay Amnehotep III cũng không còn được hoàn hảo bởi thời gian.Tuy nhiên giá trị xác ướp không thể đong đếm được bằng của cải bởi mỗi xác ướp ấy mang theo cả ngàn năm lịch sử và rất nhiều tinh túy trong kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập cổ. Khi chúng tôi nhìn đồng hồ thì đã về chiều, cả ngày trôi qua thật nhanh trong thế giới của 5 thiên niên kỉ khiến những kẻ lữ hành như lạc trong một túi không gian và thời gian bất định. Ngày mai sẽ là một ngày dài vì chúng tôi đã vạch sẵn lộ trình đi thăm kim tự tháp vĩ đại Giza. 
 
 
Đại kim tự tháp Giza – Khi cổ tích thành hiện thực
 
Từ Cairo chúng tôi đón xe đi Giza từ sáng sớm để có thể thỏa sức ngắm nhìn đại kim tự tháp. Kim tự tháp Giza hay còn gọi là Kim tự tháp Khufu hay Kim tự tháp Cheops là khu quần thể kim tự tháp cổ và lớn nhất trong 3 khu kim tự tháp ở El Giza. Đây cũng là kỳ quan cổ đại nhất trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại.Những nhà Ai Cập học tin rằng kim tự tháp này được xây dựng như một ngôi mộ cho triều đại Pharaoh thứ 4 Khufu (tiếng Hy Lạp là Cheops) trong khoảng 20 năm vào năm 2560 trước công nguyên. 
 
Bỏ lại con đường đầy gió bụi, chúng tôi không khỏi nghẹt thở khi mở ra trước mắt là sừng sững những công trình đá vươn thẳng lên trời cao.Đây, kim tự tháp thật 100% mà tôi lần đầu tiên được ngắm nhìn, kim tự tháp to lớn và vĩ đại nhất trong 93 kim tự tháp ở Ai Cập. Đó có lẽ là cảm giác mà những kẻ lữ hành không bao giờ quên bởi mọi thứ như hiện ra từ câu chuyện cổ tích. 
 
Công trình cao 146,5 mét này là tác phẩm do bàn tay con người tạo nên cao nhất thế giới trong vòng 3800 năm. Anh Rafael, chàng trai Ai Cập thấp bé và vui tính là người dẫn đường của chúng tôi đến Giza. Anh cho biết có rất nhiều thông tin về quy cách và vật liệu xây kim tự tháp. Nhiều chuyên gia xác định rằng người xưa đã dùng bùn sông Nile, vét và tạo nên những khối hình trụ xếp gần nhau, họ cứ làm hết lớp này đến lớp kia bằng những chiếc khuôn do đó giữa hai khối đá bùn có một khoảng cách vừa nhét được bàn tay. Chỉ có lớp đá nguyên thủy phủ bên ngoài kim tự tháp mới giống như những gì tôi được học về sự tinh vi của người Ai Cập cổ đại khi họ ghép chúng mà không hề có khe hở nào. 
 
Ai đã xây dựng nên những kim tự tháp và tại sao họ lại tạo nên những công trình kì vĩ này. Rafael nói thứ tiếng Anh nhanh và sắc lẻm nhưng rất lôi cuốn kéo chúng tôi trở lại hàng ngàn năm trước khi những Pharaoh muốn trường tồn mãi mãi.Những thầy tế đã khuyên các Pharaoh ướp xác để sau khi chết đi thì chỉ 300 năm sau họ sẽ sống lại đểcó thể tiếp tục trị vì.Từ đó các Pharaoh ra sức cho xây dựng những lăng mộ và chôn theo gia đình, người hầu kẻ hạ của cải, những mong sẽ có cuộc sống sung túc và quyền lực trường tồn sau khi băng hà. Trong hàng thế kỉ, tất cả vật chất và sức người đều được huy động để xây dựng những kim tự tháp to lớn nhằm thỏa mãn khát vọng của các Pharaoh về một sự trở lại. 
 
Quần thể kim tự tháp trên bản đồ làm chúng tôi hết sức lúng túng. Rất may Rafael luôn bên cạnh để giải thích tất cả những thắc mắc. Việc đầu tiên tôi đề nghị là ghé thăm Bảo tàng thuyền Cheop, nơi đây đặt con thuyền Mặt trời – Solar Boat hay còn được gọi là Khufu Boat. Ngay gần đại kim tự tháp Giza có thể thấy một hố sâu và dài chính là nơi con thuyền được tìm thấy. Solar Boat là con thuyền được cho là để dâng lên Khufu (vua Cheops), vị Pharaoh thứ 2 của triều đại thứ 4 thời Cựu vương quốc (khoảng 2500 năm trước CN) và sau đó được chôn cùng vị vua này khi ông qua đời. Đây được xem là con thuyền cổ đại đầu tiên của loài người.Nhắc đến thông tin này, mắt Rafael long lên một niềm tự hào của người Ai Cập, anh luôn miệng nhắc đến từ “đất nước chúng tôi” với giọng rất hùng hồn.Những năm 50 của thế kỉ 20, khi khai quật tại Giza người ta đã phát hiện ra 1 chiếc hầm lớn sâu dưới lớp cát sa mạc và các nhà khảo cổ đã bàng hoàng khi bên trong chứa chiếc thuyền mà chúng tôi đang ngắm nhìn đây. Theo những tài liệu cho thấy bằng phương pháp đo phóng xạ carbone C14 cộng với những chữ tượng hình cổ đại, người ta xác định con thuyền có cùng tuổi thọ với kim tự tháp Cheops. Cảm giác rùng mình chạy dọc sống lưng, con thuyền kia đang chở trên mình lịch sử 5000 năm nhân loại, những sợi dây chão to được đặt trang trọng trong lồng kính toát lên vẻ bí hiểm.Càng đi chúng tôi lại càng tò mò đến thổn thức về những bí mật của người Ai Cập cổ đại.Làm cách nào họ kết nối những tấm ván với nhau một cách kín kẽ đến như thế mà theo lời Rafael thì những sợi chỉ nối tấm ván thuyền với nhau có khả năng nở ra khi ở dưới nước khiến cho con thuyền không hề bị thấm ướt. Phải chăng đây là con thuyền chuyên chở những phiến đá xuôi dòng sông Nile về xây kim tự tháp. Câu hỏi vẫn chưa được giải đáp cụ thể như một mối khiêu khích đối với các nhà khoa học và để lại trong timchúng tôi biết bao tự vấn.
 
 
Quả thật kim tự tháp là đỉnh cao của kiến trúc xây dựng cho đến tận hôm nay và đó là lý do hàng người rất kiên nhẫn để một lần được đặt chân vào khu lăng mộ. Giữa hàng tấn đá nâu vàng, cánh cửa vào thế giới kì bí trông nhỏ xíu nằm cheo leo trên sườn kim tự tháp. Cánh cổng mang tên Robbers’ Tunnel được Cliph al-Ma’um khám phá vào năm 830 sau Công nguyên. Con đường dẫn vào trong lòng kim tự tháp Khufunhỏ hẹp và không khí ẩm thấp nhưng không làm phiền bất cứ ai bởi mọi sự tập trung của mọi người đang hướng về những lăng mộ bên trong. Khoảng 1.300.000 tảng đá có độ nặng từ 2,5 – 15 tấn đã được xếp lên nhau và sau những cung đường phức tạp người ta cũng đã có thể đứng giữa lòng công trình khổng lồ này tuy những xác ướp đã được chuyển vể bảo tàng. 
 
Cuối ngày, Rafael đưa chúng tôi đến tượng Sphinx, công trình mà tất cả mọi người đều muốn ngắm nhìn.Pho tượng khổng lồ đã bị thời gian bào mòn nhưng vẫn toát lên vẻ linh thiêng.Nằm bên bờ tây sông Nile, bức tượng dài 73m, rộng 6m và cao 22m là một trong những pho tượng điêu khắc cổ nhất thế giới với tên cổ là Shesib Ankh hay còn gọi là “biểu tượng của sự sống”. Tượng nhân sư được cho là xây vào thời Cựu vương quốc, giai đoạn trị vì của Pharaoh Khafar (2558-2532 Trước Công Nguyên).Trước khi lên đường, dù đã nghiền ngẫm nhiều tài liệu sách vở nhưng khi thật sự đặt chân đến tôi mới cảm nhận được hết tài năng và sự kỳ công của ngườiAi Cập cổ đại. Cũng phải kể đến sự đóng góp lớn lao của những nhà khảo cổ khi đã khai quật bức tượng kỳ vĩ này từ dưới lớp cát bụi của sa mạc từ cuối thế kỉ 19. 
 
Trong ráng chiều, bóng tượng nhân sư gối đầu lên những tia mặt trời cuối cùng.Giữa ánh sáng mờ ảo, tấm biadưới hai chân Sphinx hay còn gọi là tấm bia của giấc mơ cuốn chúng tôi vào câu chuyện của hoàng triều thứ 18. Trước khi trở thành vua, Thutmosis IV đã ngủ quên dưới bức tượng nhân sư khi ấy đang bị cát phủ đến cổ. Thutmosis nằm mơ thấy Sphinx nói chuyện với ông ta và hứa rằng nếu Thutmosis giải thoát nhân sư khỏi cát vùi thì sau này Thutmosis sẽ được giúp lên làm vua Ai Cập. Tuy chỉ là một câu chuyện truyền thuyết nhưng cũng như bao câu chuyện khác chúng tôi cứ bị thôi miên, đi hết miền này đến miền kia của bể truyện bao la về mảnh đất Ai Cập. 
 
 
Đi về phía Alexandria 
 
Những ngày ở Ai Cập qua thật nhanh, chúng tôi cứ chạy đua với thời gian, không phải vì ngày về đang cận kề mà cảm giác nếu không đi thật nhiều, ngắm thật nhiều, cảm nhận thật nhiều thì sẽ hoang phí từng phút từng giây. Chúng tôi lên tàu đi Alexandria, một địa danh cho dù nếu người ta không biết nó nằm ở đâu nhưng cũng cảm thấy rất quen thuộc bởi những áng văn hay sách sửđều có nhắc đến đến Alexander Đại Đế.
 
Người ta bảo đi Alexandria sẽ có hai thái cực hoàn toàn khác nhau, một là rất yêu rất thích hoặc không thì sẽ rất nhàm chán. Nhưng Alexandria có cây đèn biển Pharos, có thự viện Alexandria và rất nhiều công trình cổ đại khác… khoác ba lô lên vai, trong lòng chúng tôi phơi phới thẳng tiến những bước chân đầu tiên trên đô thị nổi tiếng chỉ sau Cairo này. 
 
Như nhiều đô thị chúng tôi từng kinh qua ở Istanbul hay Antalya – Thổ Nhĩ Kỳ, Alexandria cũng có những đền thờ hồi giáo làm bằng đá vươn thẳng lên trời xanh, toát lên vẻ uy nghi nhưng cũng thanh thoát điểm xuyết cho thành phố. 
 
Alexander Đại Đế đã cho xây dựng thành phốvào năm 332 trước công nguyên (nhiều tài liệu viết 331) và biến nơi đây thành trung tâm thương mại, trao đổi văn hóa.Nằm dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, đô thị này xuất hiện trong lịch sử với xứ mạng làm cầu nối giữa Hy Lạp và vùng châu thổ sông Nile. Tồn tại trong lịch sử gần 1000 năm, Alexandria là một trong những thành phố cổ đại trù phú nhất trên địa cầu.Tuy không còn là thủ đô xứ Ai Cập nhưng ngày này Alexandria vẫn còn những công trình gìn giữ cái hồn cho thành phố biển lừng lẫy thời cổ đại chỉ sau La Mã.
 
Chúng tôi chọn Ngọn hải đăng Alexandria (Pharos) 1 trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại để ghé thăm.Nằm trên đảo Pharos không xa bờ, đây là công trình cao nhất thế giới ở thời điểm nó được xây dựng và được cho là có thể nhìn thấy từ hơn 30 dặm ngoài khơi xa. Ngọn hải đăng được xây dựng bởi Ptolemy Soter khoảng năm 209 sau Công Nguyên và là công trình cuối cùng của những kỳ quan cổ bị biến mất bởi trận động đất năm 1323. Các nhà khảo cổ học xác định hải đăng có 3 tầng với độ cao khoảng 130m (bằng toàn nhà 40 tầng).Đã biết rõ thông tin là thế nhưng tôi vẫn muốn một lần đặt chân lên dấu vết của kỳ quan cổ đại này bởi ngày nay đó là nơi tọa lạc Qaitbay Citadel – một thành cổ có kiến trúc rất đẹp. 
 
Qaitbay Citadel ở Alexandria được xem là đồn lũy phòng thủ quan trọng không chỉ ở Ai Cập mà còn dọc theo bờ Địa Trung Hải. Người đặt nền móng đầu tiên cho pháo đài là Sultan Al-Ashraf Abou Anasr Saif El-Din Qaitbay El-Jerkasy Alzahiry (1468-1496).Pháo đài đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thiết kế của Alexander.Công trình nằm ở cửa ngõ phía Đông của bến cảng trên bờ Đông đảo Pharos và được xây đúng ngay vị trí ngọn hải đăng Alexandria sụp đổ.Khoảng năm 1480 Sau Công Nguyên, Mameluke Sultan Al-Ashraf Qaitbay tiếp tục cho xây dựng tường thành và tháp canh để đề phòngngười Thổ khi ấy đang có ý đồ xâm lược Ai Cập. Năm 1883, Qaitbay gần như bị rơi vào quên lãng. 
 
Giá trị của Qaitbay không chỉ dừng ở chiều dài về thời gian và lịch sử mà nó còn được xây bởi kiến trúc sư nổi tiếng Edifices Mason (Shady Al-Ama’er). Ông là người góp mặt trong các công trình ở Mecca, Medina và Jerusalem cũng như đóng góp khoảng 70 công trình như đền thờ, đài phun nước,...ở Ai Cập.Chúng tôi đặt bước chân lên Qaitbay trong tâm trạng rất háo hức. Những hành lang đá tưởng chừng lạnh lẽo đưa kẻ lữ hành chậm rãi trải nghiệm hành trình của người xưa khi xây dựng pháo đài. Rất nhiều du khách chọn nơi này để phóng tầm mắt ra Địa Trung Hải, gió, nắng, những con sóng cuộn vào lòng người.Ai có thể không thích Alexandria nhưng còn tôi đã yếu lòng trước vẻ đẹp nơi đây.
 
 
Hơn 1000 năm tồn tại như một thủ phủ của các vương triều Ai Cập đã mang đến cho Alexandria những công trình trường tồn theo thời gian trong đó có thư viện hoàng gia Alexandria hay còn gọi là Đại thư viện. Được xây dựng vào thế kỉ thứ 3 Trước Công nguyên dưới sự chỉ đạo của Ptolemy đệ nhị, thư viện từng chứa đến 700.000 quyển sách và là thư viện lớn nhất thời bấy giờ trên thế giới. Rất nhiều các nhà khoa học đã chọn nơi này học tập như nhà vật lý học nổi tiếng Archimedes.Đây là thư viện công cộng trực thuộc nhà nước đầu tiên thế giới và mở cửa cho tất cả mọi người bởi trước đó thư viện chỉ dành cho các bậc học giả, vương thất.
 
Nhiều sử gia tin rằng Julius Cesar đã từng đốt 101 con tàu khi đang neo đậu tại cảng Địa Trung Hải trước thành phố Alexandria vào năm 48 Trước Công Nguyên. Nó diễn ra sau khi Ptolemy, người em của Cleopatra dẫn quân đi đánh Cesar mà nghĩ rằng mình đang giúp Hoàng hậu chống lại ông ta. Ngọn lửa mạnh đến nỗi lantới cả thư viện và làm cháy rất nhiều sách. 
 
Cho dù có sử gia khác cho rằng người hồi giáo khi đến đây đã đốt thư viện thì ngày nay trước mặt chúng tôi đây vẫn là một công trình kiến trúc rất đặc trưng.4 tầng hầm và 6 tầng nổi trên mặt đất với hình ô-van nhìn từ bên ngoài khiến cho nhiều người lầm tưởng đây là một bảo tàng nghệ thuật. Hình dáng ô-van là biểu tượng cho sự liên tục của cuộc sống khi mặt trời mọc từ dưới đường chân trời và đến điểm cao nhất sau đó lại xuống đến điểm thấp nhất là hoàng hôn.Thư viện có một bức tường lớn làm từ đá Granite mang về từ Aswan và được viết lên trên với 120 ngôn ngữ khác nhau.
 
Khi chúng tôi đến nơi thì trời đã tối, những ánh đèn kì ảo chiếu vào thư viện Alexandria toát lên vẻ kiêu kì hấp dẫn.Bên trong thư viện, bác bảo vệ dường như đã khá quen với việc có những du khách ghé thăm nên rất niềm nở đón tiếp.Qua lớp kính, các bạn sinh viên đang chăm chú đọc và ghi chép.Nhìn họ không khác là mấy so với thời xưa về tinh thần học tập, chỉ có chút thay đổi về trang phục và đèn điện đã được thay thế cho đèn dầu và nến.
 
Đêm Alexandria thật thanh bình mặc cho tiếng người tiếng xe rộn rã qua lại. Chúng tôi đang có những ngày thật thú vị và khó quên qua những thành phố nhiều dấu ấn. Nhưng cuộc phiêu lưu của những kẻ lữ hành vẫn chưa dừng lại ở đó, ngày mai chúng tôi lại lên tàu tiếp tục lênh đênh trên những hành trình kế tiếp trên đất nước Ai Cập… 
 
An Nam – Nguyệt Thanh