Du lịch Sức khỏe Việt Nam trước cơ hội của dòng chảy tài chính du lịch quốc tế

Theo con số dự báo, toàn ngành ngành du lịch thế giới năm 2023 ước đạt gần 10.000 tỷ USD, đến năm 2033 dự kiến du lịch toàn cầu đạt 15.500 tỷ USD, đây thực sự là một cơ hội lớn cho các quốc gia đang có chiến lược phát triển nền kinh tế du lịch trở thành mũi nhọn khi nhu cầu chi tiêu toàn cầu dành cho du lịch đang ngày càng gia tăng.

Đứng trước những thách thức mang tính dự báo, cuối tuần qua, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và các sở, ban, ngành, tổ chức uy tín trong nước và quốc tế tổ chức chương trình “Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia” lần thứ I nhằm góp phần định hướng trong việc phát triển du lịch nước nhà, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực “Du lịch Sức khỏe” – một như cầu mới đầy tiềm năng từ thị trường quốc tế.

Mr. Yasunari Mitsui - CEO Synergy Nhật Bản, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Triễn lãm Thương Mai Việt Nam Nhật Bản ( Kỷ niệm 50 năm Việt Nhật)

Trước thềm Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia, Ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia - Chủ tịch Liên minh Phát triển Du lịch sức khoẻ Quốc tế - Phó Trưởng Ban Tổ chức chương trình đã chia sẻ những số liệu về ngành du lịch toàn cầu: “Toàn ngành du lịch thế giới năm 2023 ước đạt gần 10.000 tỷ USD, đến năm 2033 dự kiến du lịch toàn cầu đạt 15.500 tỷ USD. Tuy nhiên, dòng chảy tài chính này hiện chưa chính thức vào quốc gia nào, vì vậy, đây chính là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tham gia vào chiến lược phát triển du lịch với qui mô toàn cầu. Muốn được như thế, chúng ta cần kết nối và hợp tác quốc tế để tham gia vào mạng lưới kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tổ chức và cơ quan chính phủ để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành du lịch Việt Nam, từ đó thu hút nhiều hơn nữa đầu tư FDI vào ngành du lịch, cơ sở lưu trú hay hạ tầng giao thông là hết sức quan trọng. Để dành được thị phần, cạnh tranh trong khu vực và thế giới thì chúng ta cần tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong điều hành, quản lý và phát triển dịch vụ du lịch. Cuộc cách mạng 4.0 đã phát triển bùng nổ, những công nghệ mới, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, Big Data hay Metaverse cần được ứng dụng và khai thác tiềm năng để gia tăng trải nghiệm của khách du lịch kết nối với các điểm tham quan trước khi đến là một điểm rất quan trọng mà các doanh nghiệp, các khu du lịch cần hợp tác đầu tư, ứng dụng”.

 

Ông Nguyễn Quang Huy trả lời phỏng vấn về phát triển du lịch sức khỏe toàn cầu

Cũng tại Đại hội, các chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để giúp thúc đẩy việc hợp tác quốc tế cũng như đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch địa phương, đưa đặc trưng văn hóa trở thành thế mạnh, thu hút du khách. Ngoài ra, muốn có sự phát triển và thu hút nguồn vốn FDI thì cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất phát triển, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, sân bay và bến cảng.

 

Đại diện các quốc gia đến tham dự Diễn đàn

Ông Choi Jong Pill – TGĐ Harbor Star Global Group – Trưởng đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết: “Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam trong 30 năm qua, có nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc trong hệ sinh thái của chúng tôi đã triển khai đầu tư dự án tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã cải cách hành chính tốt hơn, tuy nhiên quá trình cấp phép cho việc đầu tư và hoạt động tại Việt Nam vẫn kéo dài, điều này cũng khiến doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc khi đầu tư tại Việt Nam khi chi phí vận hành ban đầu cũng như quản trị dự án nhiều hơn các quốc gia khác. Tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam hãy cân nhắc vì sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam hỗ trợ phần thủ tục hành chính hiệu quả hơn”

Mr Choi Jong Pill - Tổng Giám đốc Harbor Star Global Group - Trưởng Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc- Diễn đàn Hợp tác Việt - Hàn.

Rừng Vàng – Biển Bạc để làm gì?

Nhận định về tiềm năng du lịch dựa trên sự ưu ái của thiên nhiên, Ông Quang Huy cũng cho rằng: “Thượng Đế đã ban tặng cho Việt Nam Rừng Vàng, Biển Bạc, khí hậu ôn hoà, trong lành nên chúng ta có những thế mạnh để đầu tư phát triển các điểm đến du lịch, trong đó cần nâng cấp và phát triển các khu du lịch hiện hữu để khai thác một cách hiệu quả hơn, đồng thời đầu tư vào việc phát triển các điểm đến mới, bao gồm cả vùng nông thôn và miền núi, để tạo sự đa dạng, mang tính đặc trưng vùng miền, khi đó, khách du lịch trong và ngoài nước có nhiều lựa chọn hơn khi đến, tận hưởng, yêu thích và quay trở lại Việt Nam. Nếu chúng ta có thể cải thiện lượng du khách quay lại đạt trên 50% thì đã là một bước phát triển vượt bậc”.

 

BTC đi tham quan gian hàng sản vật địa phương tại Đại hội

Như vậy có thể thấy, để nâng cao chất lượng dịch vụ và trở nên hoàn hảo, phục vụ sự đa dạng, mang lại sự hài lòng của du khách thập phương thì việc đào tạo và nâng cao chất lượng nhân sự trong ngành du lịch là nhu cầu vô cùng quan trọng. Trước đại dịch Covid19 xảy ra, toàn ngành du lịch thiếu hụt khoảng 50.000 nhân sự chuyên nghiệp, sau đại dịch nhu cầu này trở nên bức thiết hơn vì nhiều nhân sự đã thay đổi nghề nghiệp, chuyển sang các ngành khác, hơn nữa, hiện tại khách quốc tế chưa phục hồi nên việc các nhân sự quay lại ngành du lịch là một thách thức rất lớn, cần tăng cường các kỹ năng ngôn ngữ và chất lượng về dịch vụ và quản lý du lịch. Việc này cần sự tham gia của Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan và các địa phương tăng cường đầu tư vào các chương trình huấn luyện đào tạo, có cơ chế chính sách phù hợp để người lao động yên tâm làm nghề, yêu nghề, gắn bó và phát triển nghề du lịch phát triển bền vững trong đó có bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên.