Mộc mạc bản sắc Bali

 Chẳng biết tôi có phải là người yêu nước thái quá hay không  hoặc do không yêu biển lắm và cũng kém kiến thức về nghề nông nên khi đến biển Kuta ở Bali, tôi khó thốt lời khen tặng như lúc đứng trước biển Nha Trang; cảm giác chiêm ngưỡng ruộng bậc thang ở Bali cũng không thấy xuất sắc hơn vùng Tây Bắc nhà mình.

Nói thế không có nghĩa là Bali không hấp dẫn khi hòn đảo này từng được tạp chí  Travel and Leisure bình chọn là “đảo tốt nhất thế giới”. Trong mắt tôi có lẽ Bali phù hợp nhất với tên gọi “vùng đất của những ngôi đền” và sau khi tạm biệt hòn đảo này tôi còn giữ mãi ấn tượng khó phai về  bản sắc Bali - một bản sắc dân tộc thật mộc mạc, nền nã  nhưng rất đặc thù; tuy không rực rỡ, kiêu sa nhưng dễ nhớ, dễ gần, dễ đi vào lòng người, cứ như níu kéo bàn chân lữ khách quay trở lại...  

Đảo của đền đài

Là hòn đảo đẹp nhất Indonesia, với hình dáng hệt chú gà con hướng chiếc mỏ xinh xắn về Ấn Độ Dương, diện tích khoảng  6.000 km2, gồm 8 thị trấn, 51 quận, 700 làng lớn, nhỏ; dân số trên dưới 4 triệu người, Bali thu hút trên 4 triệu khách du lịch/năm … Mặc dù đậm dấu ấn của quốc gia Hồi giáo nhưng ở Bali đến 90%  dân số theo đạo Hindu. Điều này thể hiện rõ nét ở 12.000 ngôi đền Ấn giáo hiện diện trên đảo, chưa tính những điện thờ ở các gia đình. 

Độc đáo hơn là tuy mỗi ngôi đền mang  kiến trúc khác nhau, nhưng tất cả đều lưu giữ những nét cổ kính, rêu phong của lớp bụi thời gian chứ không sơn son thết vàng như kiểu đền đài ở Thái Lan, Trung Quốc… Có lẽ nhờ sự gìn giữ trân trọng đó mà du khách đến Bali nhìn thấy được quá khứ trong lăng kính hiện tại. Gam màu chủ đạo ở Bali mà tôi cảm nhận được rõ nét nhất là màu xám tro. 

Đa số  mái  đền đều lợp bằng cọ đen, dày hơn gang tay, có từ 3, 5, 7, 9 hoặc 11 tầng; tùy mức độ linh thiêng của ngôi đền, dưới là các ngọn tháp bằng gỗ khắc hoa văn tinh xảo. Tín ngưỡng của tín đồ Hindu ở Bali mạnh mẽ đến độ họ hào phóng dành diện tích lớn nhất, đẹp nhất trong nhà, thường là trước sân, để đặt những điện thờ thần linh, xây bằng  xi măng, cát đen hoặc núi đá lửa. Không biết có phải sợ  phá hỏng hình ảnh những đền tháp uy nghiêm trên đảo mà nhà ở Bali đều thấp, không bao giờ cao quá 3 tầng.


Đền Tanah Lot mang hình dáng con tàu hướng ra biển khơi

Điều đặc biệt dễ thấy ở Bali là phía trước các cổng làng đều thờ nhiều vị thần nhằm ngăn chặn những điều xấu vào làng và treo lủng lẳng những dạng “cây nêu”  cao cả chục thước, làm từ lá dừa, trang trí cầu kỳ, tết thành các hoa văn lạ mắt, trên đó dâng  những giỏ đồ cúng lên thánh thần. Những “cây nêu” này treo trước cổng làng hàng tháng trời, riêng đồ cúng thì thay mỗi ngày. 

Bởi lẽ người Hindu tin rằng thánh thần hiện diện ở mọi nơi, chứng kiến được lòng thành của họ nên họ dâng lễ hằng ngày để cầu nguyện bình an, sung túc... Lễ vật thường là cơm, các loại hoa, trái cây, bánh... Cũng giống như xứ sở triệu voi, hoa sứ (chămpa)  là quốc hoa của Indonesia nên nó ngào ngạt ở khắp nơi; đặc biệt là sản vật được cúng nhiều ở các đền.

Độc đáo đền cổ

Ngôi đền đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Tirta Empul, một ngôi đền đẹp và quan trọng bậc nhất ở Bali, xây dựng từ thế kỷ thứ IX. Theo quy định của người Hindu, trước khi vào đền lễ bái, du khách phải tắm sạch sẽ  để gột rửa bụi trần. Nếu mặc váy, quần ngắn, khách buộc phải quấn xà rông; còn nếu mặc quần dài thì đeo sợi dây màu ngang hông. Bước vào trong đền, chúng tôi cứ ngẩn người, ngỡ đang đứng giữa công viên tràn ngập những mảng xanh của các cây cổ thụ, của những tán lá dày đặc, của tường rêu phong. 

Có lẽ nét độc đáo của những ngôi đền Hindu ở chỗ cổng vào rất lạ, cứ như từ một khối đá hình tam giác, chạm trỗ như vảy cá, cắt làm đôi rồi đặt mỗi bên một nửa. Đặc biệt, trong đền có một  hồ lớn với 12 dòng suối linh thiêng  chảy ra từ những chiếc vòi, nước trong vắt nhìn rõ tận đáy. Theo truyền thuyết nước suối trong ngôi đền này chảy liên tục hơn 1.000 năm nay, có thể chữa bách bệnh, nên mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách hành hương  đến đây dâng lễ gồm hoa sứ, sen, lài, gạo, bánh…

 


Đền Taman Ayun huyền bí nằm giữa hồ

Chứng kiến cảnh những dòng người ngoan đạo, đủ cả nam phụ lão ấu, thành khẩn tế lạy, tắm rửa, uống nước thiêng cùng những lời cầu nguyện cho sức khỏe,  may mắn…, bất chợt một thành viên trong đoàn thốt lên: sao giống cảnh trên sông Hằng quá, khác chăng là không có chuyện quăng xác chết xuống hồ  thôi. Trong đền còn một hồ khác rất lạ, nước xanh ngắt pha lẫn rong rêu, cây lá; chẳng biết bên dưới ẩn chứa phép thuật  kỳ lạ gì mà trên mặt hồ nước sôi sùng sục, cứ như đưa du khách lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.

Cũng kiểu “đền trong công viên xanh” là khu đền thờ Hoàng gia Mengwi - đền Taman Ayun lớn và lộng lẫy nhất Bali, được  xây từ năm 1634; với nhiều thành hào vững chắc bao quanh cùng các lăng tẩm nhiều tầng và những cánh cửa gỗ chạm khắc tinh xảo. Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều háo hức  khi tận mắt chiêm ngưỡng ngôi đền được chọn in trên nhiều phương tiện quảng cáo du lịch Bali; thậm chí in trên cả tiền giấy của Indo. Chẳng hiểu cách nào đi ra tận đền nằm chơ vơ giữa hồ ngập nước gồm đền chính 11 tầng, 2 đền phụ chỉ có 1 và 3 tầng? 

 

Quả là một thách thức với những người ngoan đạo! Chúng tôi chỉ còn biết ngắm ngôi đền đầy huyền bí,  linh thiêng toàn một màu đen thẫm của mái lá cọ này từ xa. Xung quanh đền là một khuôn viên xanh với nhiều loại cây, hoa cỏ, hồ nước, rộn rã tiếng chim chóc. Trong bóng chiều tà, không gian trong đền thật lãng mạn và thanh bình với hình ảnh nhiều cụ già, trẻ em ngồi câu cá; nhiều nhóm bạn trẻ sinh hoạt  teambuilding, nhiều đôi tình nhân sóng bước thì thầm tình tự…

Mang dáng dấp giống mõm đá Đầu rồng ở Hàn Quốc là “đền Hoàng hôn” Tanah Lot với hình tựa con tàu hướng ra biển khơi, quanh năm sóng vỗ ì ầm. Đây là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng ở Bali, nằm trên một tảng đá lớn chênh vênh ngoài khơi, tách hẳn đất liền hàng trăm mét; được những tu sĩ Bà La Môn xây vào thế kỷ XVI để bày tỏ lòng thành kính  của con người trước sự che chở của biển cả qua biểu tượng những con rắn biển - loài vật bảo vệ ngôi đền. Đền đẹp nhất là vào lúc hoàng hôn dần buông, khi cả không gian bừng lên gam màu vàng cam không thể pha lẫn được.

Khi thủy triều xuống,  các tín đồ Hindu trong trang phục trắng muốt  xếp hàng dài thượt lần lượt vào dâng lễ. Còn những người ngoại đạo có lòng thành đến lễ cũng  được phết lên tóc một ít nước thánh,  đính lên trán những hạt gạo, cài lên tóc một bông sứ trắng ngào ngạt mùi hương.

Không chỉ hấp dẫn khách bằng ngôi đền giữa biển, không gian ở Tanah Lot tiêu tốn của khách bao thước phim với nhiều góc máy thật đẹp không thể  kể xiết.

Hồ trên núi

Ngoài những ngôi đền đẹp, Bali còn sở hữu những hồ nước mát xanh nằm trên những miệng núi lửa. Tuy không phải là “điểm nóng” của núi lửa nhưng dấu tích của nó vẫn còn lưu lại trên núi Batur nằm ở độ cao 1.500 m để nơi này trở thành điểm tham quan tuyệt vời cho du khách. Nhìn từ xa, từng làn mây trắng muốt như bông hòa lẫn cùng làn khói bốc lên từ miệng núi lững lờ che phủ núi Batur trông như tranh vẽ. Dưới chân núi là hồ Batur nước xanh trong veo, ấm áp.

Nằm ở độ cao hơn 1.200 m so với mặt biển, hồ Beratan cũng là miệng của một núi lửa đã tắt. Đây là hồ nước rộng thứ 2 ở  Bali, sau hồ Batur, nhưng là hồ  chính cung cấp nước cho những thửa ruộng bậc thang ở Bali. Có lẽ do quan trọng như vậy nên vua Mengwi đã xây dựng đền Ulun Danu năm 1633 để thờ nữ thần nước Dewi Danu. 

Để lên được đền, chúng tôi phải trải qua đoạn đường đèo vòng vèo uốn lượn như rắn, chỉ có 2 làn xe. Càng lên cao không khí càng  mát mẻ hơn nhiều, áp suất thay đổi nhanh khiến chúng tôi ù cả tai. Cảnh quan nơi đây nhuốm vẻ thanh bình,  y như    Đà Lạt. Nhìn từ trên cao xuống những thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngàn, chen giữa là những dãy nhà lợp tranh dạng bungalow của  khu khách sạn vườn, những hàng dừa thẳng vút vươn thẳng lên bầu trời...  bất giác khiến chúng tôi chợt chạnh lòng nhớ về quê hương Tây Bắc thân quen. Ở đó ruộng bậc thang nào kém cạnh, nhưng sao vẫn chưa nằm trong danh sách “những điểm phải đến trước khi nhắm mắt”?

Bản sắc dân tộc - dấu ấn khó quên

Những ngày ở Bali chúng tôi còn được thưởng thức vũ điệu Barong và Kris nổi tiếng - một loại hình nghệ thuật múa cùng nhiều loại nhạc cụ dân tộc, miêu tả sinh động truyền thuyết về cuộc chiến bất tận giữa cái thiện và cái ác…Thú thật tôi không dám bình luận nhiều về nội dung vở diễn, chỉ cảm nhận được sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật của các vũ công qua các điệu múa uyển chuyển từ tay, chân, mắt, mũi. Ngay trang phục cho vở diễn họ cũng cẩn thận lựa chọn đúng chất văn hóa Indonesia.

Khi đến làng nghề dệt vải Batik, chúng tôi lại thích thú trước những khung cửi, lại săm soi chọn lựa các mẫu hình đặc thù chất Indonesia được các nghệ nhân vẽ trên áo ngay tại chỗ cho khách.

Bản sắc dân tộc đó tôi còn thấy thể hiện tại sân bay với kiến trúc toàn bằng gạch đỏ, với những tượng đá đầy chất Indo được chạm khắc tinh xảo, dù người Indonesia làm du lịch rất giỏi khi họ in các thông tin du lịch bằng nhiều thứ tiếng, hải quan làm thủ tục cho khách cực nhanh, có những cửa dành riêng cho khách đoàn để tránh tình trạng ùn tắc khiến khách phải đợi chờ lâu…

Qua hàng thập kỷ phát triển thiên đường du lịch, mặc cho mọi thứ văn hóa ngoại bang lẫn khách quốc tế  đổ bộ nườm nượp đến Bali nhưng người dân trên đảo vẫn kiên cường giữ vững mọi phong tục tập quán của mình; thậm chí  phát huy nó thành một thứ bản sắc không thể hòa lẫn vào đâu được. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là dù sử dụng tiếng Anh khá  lưu loát nhưng hướng dẫn viên  đi cùng chúng tôi vẫn tự hào mặc trang phục dân tộc của họ: áo hoa bằng vải batik, quấn xà rông, đầu chít khăn rất điệu.

Hiện nay chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Bali mà phải dừng  ở Singapore nên cũng “tiêu tốn” không ít thời gian của khách. Nếu Bali cũng như Jeju, có đường bay thẳng thì chắc chắn du khách từ Việt Nam sang Bali sẽ ngày một đông hơn.

 

Theo Nguoilaodong