Bà Rịa – Vũng Tàu : Điểm du lịch về nguồn thú vị

Để tìm hiểu, khám phá những điều mới lạ về vùng đất “địa linh nhân kiệt” này, chúng tôi đã làm một tour du lịch đến Bà Rịa – Vũng Tàu vào những ngày đầu tháng 9 lịch sử. Với tấm bản đồ du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu vừa được mua vội ở hiệu sách bên đường, chúng tôi quyết tâm lần này sẽ khám phá bằng được những di tích nổi tiếng. Điểm đầu tiên mà đoàn chúng tôi nhắm đến là xã đảo Long Sơn (thuộc Tp. Vũng Tàu), nơi đây có khu quần thể Nhà Lớn Long Sơn, gắn liền với đạo ông Trần – một tôn giáo đặc sắc và mang nhiều dấu ấn kỳ lạ. Xe chúng tôi theo quốc lộ 51 thẳng tiến về Long Sơn, ngồi trong xe anh bạn Nguyễn Tiến Đạt chỉ tay về phía dải xanh mờ của Núi Nứa ví Long Sơn như một con rồng xanh của thành phố biển Vũng Tàu. Đặt chân lên đảo, điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận là sự trong lành và yên bình mặc dù Long Sơn chẳng cách Vũng Tàu nhộn nhịp bao xa. Chúng tôi đã gặp và trò chuyện với cô Ba Kiềm (là cháu đời thứ 4 của ông Trần, cô đang quản lý khu nhà lớn Long Sơn). Cô Ba Kiềm cho biết: “Ông Trần tên thật là Lê Văn Hưu, gốc Hà Tiên (Kiên Giang) từng tu hành theo phái Tứ ân Hiếu Nghĩa ở núi Thất Sơn (An Giang). Năm 1900, ông dẫn 20 đệ tử đến núi Nứa (Long Sơn) định cư, khai hoang và truyền đạo. Đạo giáo ở đây không có chùa chiền, không kinh kệ, không ăn kiêng mà chủ yếu lấy tín nghĩa làm trọng”. Như để minh chứng những di sản mà ông Trần để lại, cô Ba Kiềm dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về khu nhà lớn Long Sơn – một di tích cổ xưa đồ sộ đến không ngờ. Đó là một quần thể kiến trúc cổ uy nghi với những nét chạm khắc gỗ tinh xảo gồm 3 khu: Đền thờ (Nhà Lớn), quần thể các di tích nhà Long Sơn hội với trường học, chợ, nhà mát, nhà bảo tồn ghe sấm, các dãy phố và khu lăng mộ, toàn bộ các di tích còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trên đường đi chúng tôi đã gặp những tín đồ theo đạo ông Trần ở đây vẫn ăn vận theo lối xưa: đàn ông tóc búi củ hành, đầu trần, chân đất, mặc đồ bà ba đen…


 

Rời Long Sơn, đoàn chúng tôi đến di tích địa đạo Long Phước (cách thị xã Bà Rịa 7 km). Địa đạo là minh chứng sống động cho sự sáng tạo của quân dân Long Phước trong hai thời kỳ kháng chiến, được coi như “núm sữa” nuôi dưỡng phong trào cách mạng tỉnh Bà Rịa – Long Khánh năm xưa, góp phần làm nên thắng lợi của hai cuộc đáu tranh giải phóng dân tộc. Các cụm địa đạo được nối với nhau bằng đường xương sống, với chiều dài khoảng 6km, cao từ 1,6 đến 1,8m. Địa đạo có nhiều cửa ngăn, ụ thông hơi, hầm bí mật, trạm cứu thương, kho vũ khí và lương thực. Đến nay di tích vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1990, được xem là nơi về nguồn ý nghĩa cho du khách bốn phương.

Mặc dù đã quá trưa, nhưng đoàn chúng tôi vẫn khởi hành theo tỉnh lộ 44 hướng về núi Minh Đạm, đến thăm Khu Căn cứ Minh Đạm, căn cứ chiến lược của Tỉnh Bà Rịa-Long Khánh năm xưa. Khu căn cứ Minh Đạm là một dãy núi dài khoảng 10km, trong đó có 4 khu: Đá Chẻ, chùa Giếng Gạch, Đá Chồng, chùa Viên. Nơi đây đã ghi dấu bao chiến công của quân và dân ta, là chứng nhân lịch sử trong suốt hai cuộc kháng chiến gian khổ giành độc lập. Hiện nay khu di tích Minh Đạm còn có thêm khu nhà tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Gặp chúng tôi, ông Phan Khắc Hoài, một du khách của đoàn cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Ngày xưa núi rừng Minh Đạm là nơi che chở bộ đội hoạt động, mặc dù kẻ thù muốn tìm mọi cách hủy diệt màu xanh sự sống, nhưng ngày nay núi rừng Minh Đạm vẫn tươi xanh, là nơi ngăn ngừa bão lũ, là lá phổi xanh của môi trường và là thắng cảnh đẹp tự nhiên để thu hút khách du lịch”.


 

Nhìn trên tấm bản đồ, cách núi Minh Đạm không xa có ngôi mộ Dinh Cô được truyền tụng là rất linh thiêng và hoành tráng, không thể bỏ qua cơ hội này, đoàn chúng tôi đã ghé thăm Dinh Cô. Ông Thái Văn Cảnh, Trưởng ban quản lý khu di tích Dinh Cô, cho biết: “Dinh Cô được xây dựng từ thế kỷ 18 để thờ một trinh nữ bị tử nạn trong một trận bão. Theo truyền thuyết, người trinh nữ này thường hiển linh báo ứng cho dân chúng điều lành dữ, xem Cô là nữ thần thiêng liêng nên lập mộ Cô trên đồi, dựng miếu thờ bên cạnh”. Ông Cảnh cho biết thêm “Lễ hội Dinh Cô là một nét văn hóa đặc sắc của ngư dân BR – VT, hàng năm thu hút hàng chục ngàn du khách đến tham quan, chiêm bái, cầu mong sự bình an cho những chuyến ra khơi”.

Vì thời gian hạn chế nên tour của chúng tôi không thể đi hết các di tích được, nhưng các thành viên trong đoàn ai cũng cảm thấy thú vị và đầy ý nghĩa, mọi người hiểu thêm được đất và người Bà Rịa – Vũng Tàu – mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, và rất thân thiện, hiếu khách.

 

CÁC LỄ HỘI DÂN GIAN CỦA BÀ RỊA – VŨNG TÀU


– Lễ hội Dinh Cô: diễn ra hàng năm vào các ngày 10 – 11 và 12 tháng 2 (Âm lịch) tại bãi biển Long Hải, huyện Long Điềm. Đây là một lễ hội mà ngư dân Long Hải tưởng nhớ vong linh Thần Nữ nói lên khát vọng niềm tin về một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng.
–  Lễ hội Miếu Bà: diễn ra 3 ngày từ 16-18/10 (Âm lịch) tại miếu bà Ngũ Hành trên đường Hoàng Hoa Thám (Tp. Vũng Tàu). Đây là một lễ hội, do ngư dân Thắng Tam lập ra để thờ ngũ hành tức 5 yếu tố vật chất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
–  Lễ hội Nghinh Ông: vào các ngày 16-18/8 (Âm lịch), diễn ra tại đình Thắng Tam (Vũng Tàu). Lễ hội Nghinh Ông và tục thờ cá ông (cá voi) bắt nguồn từ tín ngưỡng vật tổ của cư dân vùng ven biển nước ta.
–  Lễ hội Trùng Cửu: vào ngày 9/9 (Âm lịch) hàng năm tại nhà lớn Long Sơn (Vũng Tàu). Đây là lễ cầu an cho những người theo đạo ông Trần được mạnh khỏe, an lành.
–  Lễ Vía Ông: diễn ra vào ngày 20/2 (Âm lịch) hàng năm. Đây là ngày giỗ ông Trần nhằm tưởng nhớ công đức của ông đã có công đến khẩn hoang núi Nứa Long Sơn vào thế kỉ 20.
 – Lễ hội đình thần Thắng Tam: (diễn ra trong 4 ngày từ 17 – 20/2 Âm lịch hàng năm) được xem là lễ hội cầu an, là thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá.

CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ


Theo kiểm kê, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có gần 200 dấu tích lịch sử, trong đó có 31 di tích đã được công nhận cấp quốc gia, 6 di tích được tỉnh công nhận.


(Nguồn cẩm nang du lịch BR – VT, và bảo tàng tỉnh BR – VT cung cấp)

Ngô Mạnh Hùng