F1 – Môn thể thao tốc độ nhất hành tinh


Sợ lược về giải F1

Giải đua Công thức 1 được nhắc đến không chỉ bởi các luật lệ đặc biệt dành riêng cho các tay đua mà còn bao gồm cả những quy định kĩ thuật của loại phương tiện tham gia thi đấu. Một mùa giải F1 bao gồm nhiều giải Grand Prix được tổ chức trên đường đua chuyên môn hoặc có thể trên cả đường phố thành thị sau khi được khoá giao thông. Kết quả của các kì Grand Prix sẽ được tổng hợp mỗi năm nhằm tìm ra 2 giải vô địch thế giới: 1 cho tay đua kì cựu nhất và 1 giải đồng đội bao gồm cả ekip kĩ thuật. Tất cả đội đua F1 từ tay đua chính cho đến các nhân viên phục vụ giải đấu đều bắt buộc phải có giấy phép lái siêu xe Super Lisence do FIA cấp. Giải đua F1 bắt nguồn từ giải đua xe Grand Prix châu Âu xuất hiện ở những năm 20 và 30 của thế kỉ 19. Sau thế chiến thứ 2, Công thức 1 ra đời và ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1946. Nhưng đến ngày 13/5/1950 thì giải đua xe thể thức 1 mới chính thức được khởi động tại Silverstone, Anh Quốc. Nhà vô địch giải F1 đầu tiên chính là tay đua người ý Giuseppe Farina cùng chiến mã Alfa Romeo 158 của mình.

Giải đua thể thức 1 diễn ra với tốc độ rất cao có thể lên đến 360km/h. Vào thời điểm hiện tại, tất cả những động cơ tham gia giải F1 sử dụng động cơ V8 nghiêng 90 độ, cho công suất cực đại khoảng 720 mã lực (cao nhất theo sự cho phép của FIA), tốc độ vòng quay cực đại cũng nằm tại giới hạn cho phép là 19.000 vòng/phút. Vật liệu sử dụng trên động cơ hầu hết là hợp kim nhôm tổng hợp. Với động cơ này, những chiếc F1 sẽ tiêu tốn khoảng 60 lít xăng cho 100km đường đua. Một số các yêu cầu cơ bản thuộc Công thức 1 có thể kể đến là động cơ xe phải là động cơ đốt trong 4 kì gồm 8 xilanh chữ V, nghiêng 1 góc 90 độ và các vòng quay động cơ không quá 19.000 vòng/ phút. Ngoài ra, mỗi xilanh chỉ sử dụng 2 đường nạp và 2 đường thải. Hiện trên thế giới có hơn 15 đội đua xe F1. Trong đó, thi đấu xuất sắc và nổi bật nhất chính là các đội: Ferrari, Toyota, McLaren Mercedes, Renault, BMW Sauber… Giải đua xe thể thao Công thức 1 đã trở thành một thương hiệu đẳng cấp thế giới trong hơn 60 năm qua. Trong tương lai, ắt hẳn tầm vóc của nó sẽ còn được mở rộng hơn nữa nhất là trên đấu trường châu Á.

 

Những đội đua xuất sắc nhất

Ferrari

Tính đến thời điểm hiện tại, Ferrari là đội đua xuất sắc nhất với 16 lần vô địch và huyền thoại Michael Schumacher (người Đức, thuộc đội Ferrari) là tay đua nắm giữ kỉ lục vô địch với 6 lần đăng quang. Cha đẻ của hãng ôtô Ferrari bây giờ, Enzo Ferrari, sinh ra trong một gia đình làm nghề cơ khí ở thành phố nhỏ Modena của Italy. Ngay từ khi mới 10 tuổi, ông đã bắt đầu nuôi niềm đam mê ôtô cũng như môn thể thao tốc độ vốn còn rất mới mẻ lúc bấy giờ. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, trong khi lang thang làm đủ nghề liên quan đến ôtô để kiếm sống, ông cũng không ngừng theo đuổi niềm say mê: ông đua cho đội của công ty CMN, rồi chuyển qua Alfa Romeo. Sau chiến tranh, ngay khi giải F1 được tái tổ chức năm 1950, Enzo Ferrari đã lập tức tham gia với tư cách là một nhà sản xuất xe độc lập. Cùng thời gian đó, ông bắt đầu sản xuất và bán xe ôtô thông thường. Trong thập kỷ 50, cùng với thành công trên thương trường, Ferrari cũng đã trở thành một đội mạnh của giải đua F1 với 4 chức vô địch vào các năm 1952, 1953, 1956 và 1958. Trong những năm đầu thập kỷ 60, Ferrari vẫn là một đội mạnh của giải với hai chức vô địch vào năm 1961 và 1964. Những năm 1980 là một thập kỷ đen tối của Ferrari khi họ chỉ đoạt được hai danh hiệu vô địch vào năm 1982 và 1983. 

Enzo Ferrari mất năm 1988 ở tuổi 90, không kịp nhìn thấy sự hồi sinh của Ferrari vào cuối thập kỷ 90. Thời kỳ phục hưng của Ferrari bắt đầu với sự có mặt của Jean Todt ở vị trí giám đốc thể thao. Ông chính là người sáng lập “dream team” tại Ferrari hiện nay, bao gồm ông, giám đốc kỹ thuật Ross Brawn, giám đốc phụ trách thiết kế Rory Byrne, giám đốc phụ trách động cơ Paolo Martinelli và tay đua 6 lần vô địch thế giới Michael Schumacher. Việc đầu tiên mà Jean Todt làm là đưa về tay đua tài năng Michael Schumacher vào cuối năm 1995. Sau đó ông đã cùng M. Schumacher thuyết phục được những người đứng phía sau thành công của đội đua Benetton năm 1995 là Ross Brawn và Rory Byrne chuyển về Ferrari vào cuối năm 1996. Cùng với chuyên gia thiết kế động cơ kỳ cựu Paolo Martinelli, Jean Todt đã có được tất cả những gì cần thiết cho một “công thức của chiến thắng”. Tuy nhiên thành công không đến ngay lập tức. Dường như ông trời còn muốn thử thách lòng kiên nhẫn của các fan Ferrari. Liên tiếp trong 3 năm 1997, 1998 và 1999, Ferrari để tuột mất chức vô địch cá nhân ở vòng đua cuối cùng. Năm 1997, Michael Schumacher va chạm với Jacques Villeneuve trong khi cố gắng bảo vệ vị trí dẫn đầu và phải bỏ cuộc, đành nhìn chức vô địch về tay Villeneuve. Năm 1998, chiếc xe F300 của Schumacher bị chết máy trên vạch xuất phát ở vòng đua cuối, nhường chức vô địch cho Mika Hakkinen của đội McLaren. Năm 1999, Michael bị tai nạn gãy chân tại đường đua Silverstone, người đồng đội Eddie Irvine thay Michael trong cuộc đua tới chức vô địch và lại chịu thua Mika Hakkinen tại vòng đua cuối cùng. Ferrari vớt vát lại được chức vô địch đội đua, nhưng với Ferrari, chức vô địch cá nhân mới là quan trọng nhất. Thất bại tiếp theo thất bại đã không thể làm nhụt chí đội đua Ferrari, mà chỉ làm tăng thêm quyết tâm của họ. 3 chức vô địch kép trong các năm 2000, 2001 và 2002 đã giải được cơn khát chiến thắng của Ferrari. Những chiếc xe đỏ thống trị các đường đua F1, với chiến thắng nối tiếp chiến thắng, các kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ. Mùa giải 2003 có lẽ sẽ đánh dấu kỷ lục mới cho Michael Schumacher: 6 lần vô địch thế giới, vượt qua thành tích 5 lần vô địch do anh và tay đua huyền thoại người Argentina là Juan Manuel Fangio hiện cùng giữ. Hai đối thủ chính của Ferrari như thường lệ sẽ vẫn là McLaren và Williams.

 

McLaren

Tay đua người New Zealand là Bruce McLaren lập nên đội đua này năm 1963. Xe đua của McLaren lần đầu tham dự F1 tại chặng Monte Carlo năm 1966, và hai năm sau giành được chiến thắng đầu tiên tại đường đua Spa-Franchorchamps, với chính Bruce McLaren ngồi sau tay lái. Tuy nhiên, Bruce đã tử nạn khi thử nghiệm xe mới tại đường đua Goodwood vào ngày 2/6/1970. Công việc quản lý đội đua được Teddy Mayer và Phil Kerr tiếp quản. McLaren đã giành được cú đúp (vô địch cá nhân và đội đua) lần đầu tiên vào năm 1974, với tay đua Emerson Fittipaldi. Năm 1976, tay đua James Hunt mang về cho McLaren danh hiệu vô địch cá nhân lần thứ 2. Năm 1980, dưới ảnh hưởng của nhà tài trợ Marlboro, McLaren hợp nhất với đội đua F2 là Project Four của Ron Dennis, trở thành đội McLaren International. Công việc quản lý đội được cả Teddy Mayer và Ron Dennis cùng gánh vác. Đến năm 1984, Teddy Mayer quyết định ra đi, bán lại cổ phần của mình trong đội McLaren cho nhà tư bản Ảrập Xêút Mansour Ojjeh. Mansour Ojjeh trở thành cổ đông chính của McLaren, nắm khoảng 60% cổ phần. Mặc dù chỉ có khoảng 40% cổ phần, Ron Dennis vẫn là người trực tiếp điều hành McLaren cho đến ngày nay.

Dưới sự chèo lái của Ron Dennis, McLaren làm mưa làm gió ở giải F1 vào những năm giữa thập kỷ 80, liên tiếp giành được 3 chức vô địch cá nhân trong các năm 1984 (Niki Lauda), 1985 và 1986 (Alain Prost). Năm 1987, đội đua Williams-Honda với 2 tay đua Nigel Mansell và Nelson Piquet tỏ ra chiếm ưu thế, đoạt được cả 2 chức vô địch. Lập tức, Ron Dennis thể hiện tài vận động hậu trường, “giật” được hãng Honda khỏi tay Williams, đồng thời đưa được tay đua huyền thoại Ayrton Senna về cặp cùng với Alain Prost, tạo thành một đội đua bất khả chiến bại trong năm 1988. Hai tay đua này thay nhau về nhất trong 15 trên 16 chặng đua, với Senna giành được chức vô địch cá nhân. Năm 1989, McLaren chiến thắng 10 trên 16 chặng đua, lần này đến lượt Alain Prost đoạt chức vô địch cá nhân. Kết thúc mùa giải, do xung khắc với Senna, Prost chuyển sang đội Ferrari. Senna ở lại còn giúp McLaren đoạt thêm 2 chức vô địch nữa vào năm 1990 và 1991, trước khi chuyển sang Williams.

 

Lần lượt mất đi 2 tay đua cự phách, cùng với việc hãng Honda rút khỏi giải F1 vào cuối năm 1992, McLaren bắt đầu tuột dốc. Sau một vài mùa giải đáng thất vọng, Marlboro quyết định chấm dứt hợp đồng với McLaren sau 23 năm hợp tác, chuyển sang tài trợ cho Ferrari. McLaren lập tức ký hợp đồng mới, đồng thời chuyển sang sử dụng động cơ Mercedes-Benz. McLaren dần dần trở lại là một đội mạnh. Bước ngoặt đưa đến thành công của McLaren là việc mời được chuyên gia thiết kế xe đua hàng đầu Adrian Newey về làm việc từ năm 1998. Ngay lập tức, McLaren đoạt liên tiếp 2 danh hiệu vô địch cá nhân với tay đua Mika Hakkinen vào các năm 1998 và 1999. Trong 3 năm liên tiếp 2000, 2001 và 2002, McLaren hoàn toàn bị Ferrari và Michael Schumacher che khuất. Sự thiếu ổn định về nhân sự (Adrian Newey suýt chuyển sang Jaguar, Mika Hakkinen giải nghệ), cộng với sự yếu kém cả về công suất lẫn độ bền của động cơ Mercedes đã khiến xe của McLaren dần tỏ ra sút kém các đối thủ Ferrari và Williams. McLaren biết điểm yếu của mình ở đâu, Ron Dennis cùng các cộng sự đang làm việc ngày đêm để rút ngắn lại khoảng cách với đội dẫn đầu Ferrari. Sở hữu tay đua trẻ tài năng Kimi Raikkonen, chuyên gia thiết kế sừng sỏ Adrian Newey, cùng với sự trợ giúp của Mercedes-Benz, Ron Dennis có đủ những yếu tố cần thiết dẫn tới thành công.