Nguyên sơ A Lưới

Chúng tôi khởi hành sớm để xuyên ngang dãy Trường Sơn đến A Lưới, địa danh cách thành phố Huế gần 80km nhưng nếu tính theo đường chim bay thì chưa đến 60km. Trên con đường xuyên ngang quốc lộ 49, xe có dừng lại ở Cầu Tuần (còn có tên gọi là cầu Paul, nơi ghi nhận công lao một sĩ quan người Pháp từng xây dựng cầu vào thời triều Nguyễn) để vào quốc lộ 14 – đoạn đường có độ dài thứ nhì ở Việt Nam. Tuy nhiên con đường rất nhỏ nên thông thường các xe khách 45 chỗ ngồi rất khó di chuyển trên đường này, đường đi lên dốc xuống đèo, quanh co hiểm trở.

Dõi mắt trên các dãy núi nhấp nhô tôi thấy những vạt rừng nguyên sinh lẫn rừng cây được trồng thành một tấm thảm mang các sắc màu xanh đậm nhạt trông thật thích mắt. Xe từ từ vượt qua 2 đèo có tên là Aso và Cù Mông (tên đèo này trùng với một đèo nổi tiếng ở Phú Yên) và trải qua vài cái dốc ngắn chúng tôi dừng chân tham quan A Lưới và vào chợ mua vài món đồ đi rừng như: dép râu, cạp để bó chân, nón tai bèo cùng thuốc chống vắt. A Lưới chào đón chúng tôi với sự yên ả và bình thản chi lạ. Được biết đây là vùng đất có hơn 60% dân số là người đồng bào Tà Ôih. Ngoài ra còn có người Kinh, Pa Cô và Vân Kiều cùng thanh bình chung sống nơi đây.

Nhìn chung A Lưới còn rất hoang sơ và nghèo quá, những người phụ nữ ngậm tẩu địu con mua vài món đồ lặt vặt hoặc gùi củi đem xuống chợ để bán nhìn có vẻ khắc khổ. Hỏi thăm tôi được biết, buổi tối ở A Lưới thường rất lạnh mà bà con dân tộc chỉ quen ngủ với đống lửa trong nhà để sưởi ấm chứ họ ít chịu sử dụng mền nên việc hút thuốc cho ấm bụng và đỡ buồn khi đi rừng là điều hiển nhiên.


 

Sau bữa cơm trưa có những món ăn đặc sản là canh chua cá suối măng rừng cùng thịt bò A Lưới nướng muối ớt ở nhà Gươi cộng đồng tại trung tâm huyện. Chúng tôi lên xe tham quan địa danh Ashau – xưa kia là sân bay quân sự của Quân đội Mỹ xây dựng nhằm chặn bước tấn công của quân đội Cách mạng được anh em nước bạn Lào ủng hộ và xây dựng cứ điểm sát biên giới. Dấu tích phi trường này hiện không còn nữa, xung quanh chỉ là những vạt đất phủ tím hoa sim rừng cùng những vạt cỏ tranh đế ngả nghiêng theo chiều gió như những cánh tay chào đón chúng tôi. Cách đó một khoảng không xa là con suối có cái tên rợn người: Suối Máu (theo lời kể là hơn 40 năm trước đã có một cuộc chiến ác liệt và nhiều người giã từ cuộc sống tại đây. Máu nhuộm đỏ cả con suối). Hiện tại con suối hiền hòa trong buổi trưa trong xanh nắng vàng, dưới suối chừng 7 – 8 em bé dân tộc thản nhiên tắm suối trông thật dễ thương. Mattin – một du khách Bỉ cùng vợ thổi bong bóng tặng cho các bé, mới đầu các bé có vẻ e ngại nhưng sau đó các em dạn dĩ chìa tay đón nhận món quà bé bỏng của một người tận phương Tây và vui đùa cùng bong bóng.

Xe tiếp tục đưa chúng tôi vào A Roàng thăm con suối khoáng nóng được bộ đội quân y dẫn nước vào một hồ để phục vụ cho việc ngâm chân chữa bệnh và xông hơi. Nước khá nóng và nồng gắt mùi lưu huỳnh, Phương – một cậu bạn đi cùng cho biết, nếu ngâm mình khoảng 10 phút là sẽ là bị say vì chất khoáng đậm đặc quá. Mọi người tranh thủ chụp hình bên những khóm phù dung hồng hồng xinh đẹp để lưu chút kỷ niệm về A Roàng rồi thẳng tiến đến khu biên giới để vào Nhâm. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục cần thiết, Anh bộ đội nghiêm chào và chúc cả nhóm có một đêm nghỉ ở Nhâm thật  vui, chừng hơn 10 phút sau chúng tôi lục tục xuống xe và vác đồ vào nhà Gươi của Nhâm để làm một buổi sinh hoạt với bà con người dân tộc.


 

Nhâm là xã gần như ở điểm tận cùng của biên giới nên cảnh vật khá hoang vu. Xung quanh thôn, lác đác những ngôi nhà sàn nằm vắt vẻo trên những sườn núi cao trong áng mây lơ lửng quấn quanh nhìn như bức tranh  thủy mặc. Trước cửa nhà những cụ bà, phụ nữ miệng phì phèo tẩu thuốc địu con hoặc dệt dèng (một loại thổ cẩm của dân tộc Vân Kiều, Ta Ôih hay mặc trong dịp lễ hội AzaKoonh với những khung bằng tre thật đơn giản). Có khá nhiều em bé leo nheo trong thôn vì phụ nữ ở đây tuổi tuy trẻ  nhưng đã con bồng con bế. Tôi thấy các bé rất vô tư hì hục giã gạo hoặc cầm cả con dao đi rừng thản nhiên chặt mía ăn. Đa số các em có tạng người gầy yếu, da đen, tóc cháy nắng vì thiếu dinh dưỡng. Việc cầm chày giã gạo, mò cá dưới suối hoặc đi rừng lấy củi thì các em không thua người lớn chút nào nhưng chuyện học hành dường như còn quá xa vời trong suy nghĩ của người dân.

Đêm hôm đó chúng tôi vui chơi hát múa cùng mọi người dân trong thôn sau khi ngả thịt một chú dê làm ẩm thực cho bữa tối cùng rượu Đoác (một loại cây rừng có nước trong thân được người dân tộc hứng đem về ủ lên men thành rượu). Trời chuyển lạnh rất mau, ngọn lửa trại do những người dân đốt chiêu đãi cả nhóm cũng dần tàn. Cuộn vào mền ấm, chúng tôi thiếp ngủ trong không khí đậm hương của rừng xanh núi thẳm…

Thảo Nguyên