Phnôm Pênh – Ngày trở lại

Sau chừng 25 phút di chuyển, xe dừng trước khách sạn Naga World – điểm lưu trú của cả đoàn trong chuyến famtrip, trao chìa khóa phòng nghỉ cho từng thành viên, trưởng đoàn Mai Anh thông báo buổi chiều sẽ có một chuyến tham quan hoàng cung và bảo tàng quốc gia nên cô yêu cầu chương trình city tour (du lịch nội thành) này phải có tác phong quân đội, nếu chậm trễ sẽ bị phạt tiền.

Sau bữa trưa khá ngon miệng tại nhà hàng Ý, chương trình city tour Phnôm Pênh chính thức khởi động nhưng vị trí trưởng đoàn tạm thời được giao cho Dan – hướng dẫn viên khá nổi danh trong giới hướng dẫn của đất nước Chùa Tháp. Các di tích danh lam thắng cảnh của Phnôm Pênh nằm rất gần nhau, đôi khi chỉ cách khoảng 10 phút đi bộ và cuộc viếng thăm đầu tiên trong lịch trình là cung điện Hoàng Gia có độ tuổi hơn một thế kỷ với diện tích hơn 40.000m2. Điểm đặc biệt của hoàng cung này hiện tại vẫn là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của Vương quốc Campuchia và cũng là nơi ở của Đức Vua và Hoàng tộc. Theo tay Dan chỉ tôi thấy có một cột cờ treo một lá cờ màu xanh biển, đây là dấu hiệu cho biết Vua đang ngự tại đây còn khi cột cờ trống rỗng sẽ mang ý nghĩa là Vua đang kinh lý tại một vùng khác.


 

Cách hoàng cung một bức tường là chùa Vàng Bạc nhưng với người Kh’-me, chùa có tên là Wat Preah Morakat, điểm ấn tượng của chùa là hiện tại còn lưu giữ được trên 1.650 cổ vật, trong đó có xá lợi và nhiều tượng Phật bằng vàng nguyên chất 24k đính kim cương được chế tác từ hàng trăm năm trước rất tinh xảo. Theo Dan, mọi vật dụng bằng vàng tuy xinh đẹp nhưng gộp lại vẫn không sánh bằng một tượng Phật bằng ngọc bích được đặt ở một vị trí cao nhất trong chùa. Bức tượng này để ánh sáng xuyên qua khiến tượng nhìn thật trong vắt với một màu xanh lục. Đây là một minh chứng để phân biệt giữa ngọc bích và ngọc thạch và bức tượng này được xem là bảo vật thiêng liêng của đất nước Campuchia với tất cả niềm kiêu hãnh. Trên thế giới chỉ có 6 quốc gia lưu giữ được tượng phật bằng Ngọc Bích là: Trung Quốc, Thái Lan, Myanma, Sri Lanka, Campuchia và Lào). Ngoài ra, nền của chùa được lát bằng 5.329 miếng bạc vuông vắn như viên gạch, các gạch bạc đều được làm thủ công và có trọng lượng đúng 1.125gr cho mỗi viên. Có xem tận mắt sờ tận tay ta mới hiểu được từ xa xưa dân tộc Campuchia  đã có một thời hưng thịnh rực rỡ với nền văn minh vô cùng phát triển.


 

Dạo hết hoàng cung và chùa Vàng, cả nhóm thả bộ lang thang thăm bảo tàng quốc gia và chùa bà Phnôm Pênh cũng nằm ở gần đó. Bảo tàng quốc gia còn lưu giữ nhiều bức tượng bằng đá hoặc bằng đồng từ thế kỷ thứ 7-14. Nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân Campuchia xưa thật quá tài giỏi vì cho đến hiện nay các nhà khoa học vẫn “luôn bị thử thách” trước kỳ quan Angco Wat, Angco Thom cùng vô số bayon (*) vì vẫn chưa tìm hiểu được người xưa đã làm cách nào để tạo ra những kiến trúc tuyệt đẹp.

Phnôm Pênh về đêm khá đẹp và yên tĩnh, thả bộ lòng vòng quanh phố xá, cả nhóm ghé khu phố Tây nằm sát bờ sông và thưởng thức ly Cocktail, lắng nghe giọng ca bất hủ của Michael Jackson qua bài “Heal the world”, tôi nghĩ thầm, hòa bình luôn vẫn là điều đáng quý nhất vì phải qua bao đau thương mất mát, ta mới nhận ra hạnh phúc bình an vui vẻ là điều mà con người luôn mãi phải đi tìm”.


 

Hôm sau, vừa xong bữa sáng, cả nhóm tranh thủ vi vu kết hợp mua sắm tại khu chợ Nga và chợ mới của đô thị Phnôm Pênh. Campuchia vẫn chưa có nhiều hàng hóa để trở thành thiên đường mua sắm nhưng cũng có một số sản vật địa phương khá ngon như gạo battambang, lạp xường Siemriep, đường thốt nốt và khô cá tra biển Hồ khá ngon. Sau một hồi lục lọi tôi mua được một số áo thun in hình Angco Wat và những tấm khăn choàng xinh xinh với giá khá rẻ, đi chợ xứ này rất vui vì người bán thật hiền hòa không cáu giận, tha hồ trả giá mà không sợ bị cau có.

Lần trở lại Phnôm Pênh với tôi mang nhiều ý nghĩa mới lạ, nhất là những thay đổi vượt bậc của thủ đô của đất nước chùa Tháp này trong thời gian gần đây. Sự thành lập của khách sạn năm sao Naga World là minh chứng cho sự phát triển này. Một Phnôm Pênh đang chuyển mình chào đón mọi người.

Dương Thủy