Rủ nhau leo đồi thịt bằm

KHỞI HÀNH


Trời dần sáng nhưng ở Nhâm thì lạnh cóng, cuốn  mình co ro trong chiếc mền mỏng và chỉ muốn nằm ngủ mãi, nhưng cú lay người đến đổ giường của cô bạn bắt buộc tôi phải thức đúng giờ để tiến hành chinh phục Hamburger Hill như đã hẹn. Sau 15 phút khởi động chuẩn bị leo đồi, tất cả mới chợt ngớ ra vì chưa có gì bỏ bụng. Ở cái  thôn A Hưa thuộc xã Nhâm xa xôi đèo heo hút gió này người dân chủ yếu chỉ ăn cơm, sắn… đến nơi đây mới thấy gian khổ thiếu thốn mọi bề, vì có tiền cũng rất khó mua được đồ ăn thức uống. Vậy là cả đoàn phải lên xe chạy ra thị trấn cách đó gần 20km để dùng bữa sáng. Hôm đó quán phở bé bé tại chợ A Lưới chợt nhộn nhịp hẳn lên khi có một “đoàn khách lạ” kéo đến làm mọi người đều tròn mắt nhìn. Suốt bữa ăn, Ân – cậu bạn trong đoàn miệng luôn nhắc mọi người hãy cố ăn no để đủ lượng đạm dự trữ cho việc leo đồi Thịt Băm vì bữa trưa của nhóm sẽ chỉ là bánh Đoác chấm muối mè cùng nước chè của người Pakô là nước uống giải nhiệt. Do cái tính hay lo xa tôi lẳng lặng mua vài hộp sữa tươi quăng vào balô vác lên đồi vì lòng hơi lo ngại lỡ cả ngày bị đói thì không thể thực hiện  hoàn tất chuyến trekking mà mình từng ao ước.


 

CHINH PHỤC A BIA 
Hơn 8 giờ sáng, nắng chuyển dần sang gay gắt. Ở giáp vùng biên giới này tôi có cảm giác  4 mùa cùng hội tụ trong một ngày. Nơi đây sáng là mùa xuân, trưa thì gay gắt nắng hè, chiều thì dịu dàng mát mẻ như mùa thu và đêm thì lạnh cóng như mùa đông đến sớm.

Đồi Thịt Băm có tên gọi là A Bia theo cách gọi của người dân tộc nhưng trên bản đồ quân sự xưa thì ngọn đồi này được ghi chú là cao điểm 937, A Bia là một trong cụm liên hoàn của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Xưa kia chinh phục A Bia rất vất vả vì độ cao của ngọn đồi này khá dốc. Cách đây 2 năm, huyện A Lưới đã đầu tư một tuyến đường khá rộng và mở một lối lên đồi với 853 bậc thang, nhưng các bậc thang này rất cao, một bậc thang phải bước hai lần mới hết một bậc. Nhưng chúng tôi quyết định không lên đỉnh bằng đường này, mà quay trở lại Nhâm để chinh phục A Bia theo đường mòn của những người dân tộc. Về khoảng cách thì có xa và vất vả hơn nhưng được xuyên rừng lội suối cùng ngắm cảnh rừng xanh nên rất thú vị.

Người dẫn đường cho chúng tôi hôm ấy là Già làng Pa Long Ku Xe của thôn A Hưa, với vóc người nhỏ bé nhưng ông đi đứng rất nhanh nhẹn tuy tuổi đã 76, lưng đeo chiếc gùi đan bằng mây khá đẹp, tay cầm dao phát cây, ông mở đường đưa chúng tôi thăm A Bia huyền thoại, đoạn đầu tiên vượt 2km thật dễ dàng, cả nhóm băng băng đi tới trong tiếng cười đùa trêu ghẹo rôm rả và hò hát vang trời. Già làng cho biết đoạn đường mòn này xưa kia được người dân tộc bí mật cắt rừng để đội khoai sắn đến cho quân đội ta lấy sức chặn bước xâm lược. Sau hơn 41 năm từ trận chiến lịch sử các ngọn đồi này nay đã được khai quang để trở thành rẫy lúa, nương rau và cà phê xanh ngát.


 

Qua ba ngọn đồi, đoàn bắt đầu vượt hai con dốc cheo leo, nhờ sự chuẩn bị kỹ càng nên cả nhóm không ai bị lỡ chân vì đường lên dốc rất trơn trượt. Tới đây thì cả nhóm hết cười nổi vì dốc bắt đầu cao theo chiều gần như thẳng đứng, rẫy lúa cũng không còn vì chuẩn bị vào rừng già. Tôi nhìn quanh, đoàn đã rơi rụng thành 3 nhóm rời rạc, lùng bùng lỗ tai tôi cố gắng bò lên dốc vì bây giờ không đủ sức theo ai nữa nên đành cứ liệu sức mình từ từ tiến lên phía trước.

Đi sâu vào rừng già, dốc cao ngoằn ngoèo và ngày càng khó hơn, lúc đầu tôi  bò được 10m, dùng chiếc gậy do già làng trao tặng với công dụng đỡ mình không bị tuột xuống triền đồi. Cứ bò dần lên được 5m rồi lại ngồi nghỉ, cuối cùng chỉ lết lên 3m mà đã hoa cả mắt, tai ù ù và mặt đỏ như say rượu. Lúc này, tôi chỉ muốn nằm vật ra ngủ tại chỗ vì cảm giác mình không thể leo nổi nữa. Mọi người yên lặng tiến bước với cây gậy. Trên đầu tôi tiếng chim muông cùng ve rừng xao xác thành bản tình ca đặc biệt, những cậu bé dân tộc vác nước và đồ ăn cho đoàn theo tuyến đường bậc thang đã kịp xuất hiện để tiếp nước và giúp kéo chúng tôi vượt dốc an toàn.

THÀNH CÔNG


Hơn 3 giờ bò lết, cả nhóm tiến dần lên đỉnh A Bia trong tâm trạng mệt đói nhưng tinh thần vô cùng phấn khởi vì ban đầu tưởng chừng không thể lên tới đỉnh Hamburger. Lúc này mồ hôi người nào cũng đẫm lưng nhưng nụ cười đã trở lại vì biết mình đã về đích. Ngay tại đỉnh đồi tôi nhìn thấy một nhà bia tưởng niệm, không ai bảo ai mọi người cùng đến thắp nhang tưởng niệm, có bạn còn châm điếu thuốc gắn vào lư hương. Rừng xanh ngăn ngắt, hàng lá như rì rào chào đón đoàn du khảo, Lộc – một người bạn cố gắng tiến lên phía trước để tìm kiếm những dấu vết sót lại của chiến trận năm xưa, anh phát hiện trên đỉnh đồi này còn những đoạn hầm công sự nhưng cây xanh che phủ um tùm bao bọc không có lối vào được, sau một hồi bàn cãi cả nhóm quyết định những chứng tích này phải được để nguyên như vậy. Cuộc du khảo thành công như mong đợi, với bản tính lo lắng e ngại quanh nơi đây còn sót những vật cháy nổ nên Phương – trưởng đoàn đề nghị tập trung ăn trưa và quay về Hồng Bắc. Cả nhóm nằm trên các bậc thang nghỉ mệt, tranh thủ chụp hình lưu niệm và lim dim một chút để làm cuộc hạ sơn.


 

Có đi và đến mới thấu hiểu được những gian khó mà các thế hệ trước phải trải qua để giữ cho đường từng thước đất, ụ cây cho dân tộc. Đồi Thịt Băm, cái tên khiến người nghe rợn người nay đã là khu du lịch. Đó sẽ mãi là minh chứng cho tinh thần yêu quê hương đất nước của con người Việt Nam.

Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí