Trà Sư mùa nước nổi

Khởi hành từ Sài Gòn, sau khi thưởng thức tô mì Quảng nóng hổi của nhà hàng Tự Do, không gian hôm ấy mang một màu xám lẫn với tiếng rả rích của những hạt nước gói cả cái lạnh của gió bấc, nhìn trời ngắm đất, trưởng đoàn Sơn mang gương mặt hơi bị đăm chiêu vì e ngại chuyến đi này cầm chắc cả nhóm sẽ có một trận tắm mưa. Sau năm phút ngần ngừ, tất cả đều hăng hái vác balô lục tục lên xe trực chỉ An Giang thẳng tiến.


 

Mưa vẫn lất phất và trải dài trên mặt đường loang loáng lẫn những vệt bùn nâu đỏ, xe êm ả qua Long An, Tiền Giang, vượt cầu Mỹ Thuận vào Sa Đéc và ngừng tại phà Vàm Cống. Lâu lắm mới có dịp đi phà nên cả nhóm hè nhau nhảy xuống lề tà tà đi bộ ngắm mặt sông đỏ ngầu phù sa trong con nước chảy xiết, bằng con mắt nhà nghề, Thành – HDV của đoàn cho biết: “Mọi năm giờ này nước đã lé lé trên mặt đường, năm nay nước đổ về vẫn còn quá thấp vì cách lề tới gần 1m”. Lời nói của Thành khiến tôi liên tưởng do ô nhiễm môi trường, dòng sông Cửu Long sắp bị cạn kiệt vì nguồn cá của mùa nước nổi không còn như xưa nữa. Lòng chợt bàng hoàng vì hồi ức tuổi thơ của những ngày sống trong vùng nước nổi xưa kia bỗng trở lại. Ngày ấy, cá linh theo con nước về gần như đặc cả một khúc sông.

Qua phà, hành trình của đoàn ghé lại nhà hàng Đông Xuyên để nạp năng lượng, sau bữa cơm với những món đặc sản như: mắm thái cuốn thịt luộc, cá lóc nướng trui, lẩu mắm, bông điên điển xào tép. Tạm biệt Long Xuyên, cuộc hành trình hướng về Tịnh Biên nhằm rừng tràm Trà Sư mà tiến.


 

Trên con đường chạy vào Tri Tôn, xe bon bon chạy trên con đường nhỏ giữa cánh đồng mênh mang nước, nhưng nhìn chung năm nay nước lên rất chậm và vẫn chưa ào ạt như mọi năm. Dọc hai bên lộ, điên điển đơm bông vàng lấm tấm nhìn xa như đàn bướm vàng rung rinh trên mặt nước, theo tay Thành chỉ tôi nhận ra Thiên Cấm Sơn xanh xanh mờ ảo trong nắng chiều, quẹo vào một con đường nho nhỏ, Thành nheo mắt chỉ: “Đã tới rừng tràm Trà Sư”.

Muốn vào rừng chúng tôi phải đi qua một con sông nhỏ, lại lỉnh kỉnh thay phương tiện di chuyển sông nước và giờ chiếc trẹt gỗ khá mong manh nhưng có thể chứa được 30 người từ từ xuyên ngang sông đưa chúng tôi cập bến. Khi cả nhóm đã yên vị trên bờ, Thành nhanh nhảu: “Hiện tại khu rừng này ước chừng có 845ha diện tích vùng lõi và 643ha diện tích vùng đệm, rừng tràm Trà Sư nằm cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 10km và cùng tuyến liên hoàn với các khu du lịch Núi Cấm, Núi Sam và đồi Tức Dụp, ở rừng tràm Trà Sư có 62 loài chim cư trú (còn theo sách vở cũ thì có tới hơn 70 loài), trong đó có chim giang sen và cò cổ rắn là thuộc quý hiếm nằm trong sách đỏ, riêng về thực vật thì chủ yếu nơi đây là trồng tràm cùng một số bèo Nhật Bản, sen hoặc cỏ dại mọc lưa thưa trên các giồng đất cao bao bọc quanh khu rừng. Thành cho biết cây tràm khi mọc thành rừng thì hầu như không có cây nào có thể cùng chung sống cùng tràm được cả.


 

Vào thăm rừng tôi nhận thấy nước ở đây có một màu nâu sẫm như cà phê pha loãng và có chất keo dinh dính như dầu ăn, sở dĩ nước có màu như vậy là do lá tràm rụng nên tinh dầu tràm từ trong lá tiết ra đã hòa quyện vào nước tạo thành một màu rất riêng. Điểm nhấn của khu rừng này là trên mặt nước được bao phủ bởi một lớp bèo cám với màu xanh non ngan ngát. Trong khu rừng ngập nước, tầm mắt tôi trải dài qua những thân tràm kiêu hãnh vươn thân trên trời cao cùng tiếng chim xao xác gọi nhau về tổ, dưới mặt bèo, xanh, tiếng cá lóc, cá rô, trê phi quẫy ục ục lao vụt trong nước vì bị chúng tôi khuấy động sự yên bình nơi đây, cho dù tất cả đều im lặng nhẹ nhàng khua mái dầm chèo len lỏi giữa những hàng tràm xào xạc trong làn gió. Trên đầu ngọn tràm, tiếng vỗ cánh và tiếng chim ríu rít khiến cả nhóm nghểnh cổ xem tổ chim trong niềm miên man say cảnh đẹp thật khó quên của vùng sông nước.

Có tiếng đờn ca đâu dây vang vọng, hỏi thăm tôi được biết đó là khu nhà hàng chuyên bày bán các món “độc” của vùng sông nước là gỏi sầu đâu cá sặc, cá nàng hai chiên giòn, cá lóc nướng trui, cá chạch nướng, Thành cho biết vào dịp cuối tuần có khá đông du khách mọi nơi kéo về đây thăm rừng, nghe hát tài tử để giải trí và ăn uống, bên cạnh đó có một tháp cao tới 25m dành cho du khách lên ngắm chim về tổ. Vậy là sau màn chèo xuồng ngắm chim, chúng tôi tiếp tục leo lên tháp để xem toàn cảnh rừng khi hoàng hôn đổ dần bóng nắng. Trên đỉnh tháp, gió lồng lộng thổi mạnh khi trời chuyển sang mùa gió chướng, từng đàn cò trắng bay từ mọi nơi quần tụ trên đầu ngọn tràm để chuẩn bị đi ngủ tạo thành một đàn ken đặc trông thật thích mắt. Rừng dần xanh sẫm còn xa xa là đồng nước trắng xóa làm nổi bật những ngọn núi của khu vực Thất Sơn vươn lên như những hòn đảo. Thuê kính viễn vọng do một cô nhân viên quản lý, tôi ngắm rừng qua màn hình với tầm nhìn xa 25km để mong nhìn rõ hơn những cánh chim chấp chới trong rừng chiều yên ả.

Thảo Nguyên