Vui xuân phố cổ

 

 ĐỊA DANH ĐẬM NÉT NHẬT BẢN 

Chương trình du lịch tự phát đầu tiên của nhóm là viếng thăm mộ của những thương gia Nhật đã an nghỉ tại phố cổ Hội An khoảng từ 4 thế kỷ trước, chỉ sau ít phút đi xích lô chúng tôi đã đứng trước phần mộ của của thương gia Banjiro mất năm 1665 trong một vườn cây tại Trường Lệ để thắp nén nhang kính viếng, kế tiếp tất cả cùng đến viếng mộ thương gia Tani Yajirobei quê ở Hirado. Qua bản dịch được khắc trên mộ, Ryo – du khách Nhật cùng đi trong đoàn đã có 3 năm sinh sống tại Việt Nam kể lại : “Vị thương gia này có một người vợ tại Hội An và ông đã mong ước rằng khi sống hoặc chết, ông sẽ luôn nằm tại vùng đất của người mà ông yêu hơn tất cả mọi thứ trên đời”.

 

 

Buổi tối, chúng tôi thả bộ vào phố cổ để chụp ảnh và ngắm những dây đèn lồng đậm chất Hội được nhà nhà trang trí dày đặc cùng chậu hoa kiểng làm mọi người đều nôn nao khi Tết đã quẩn quanh ngay sát bên mình. Vào đêm, Hội An thật đẹp khi những con hẻm nho nhỏ ngoằn ngoèo lung linh những ánh đèn chấp chới bên bức tường u ám phủ đầy rêu phong, từng đoàn khách du lịch dạo bước và xí xố trò chuyện bằng các ngôn ngữ: Nga, Pháp, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha, Anh nghe rất vui tai… thi thoảng một chú bé chạy tới mời chúng tôi làm đẹp đôi giày bằng tiếng Anh khá chuẩn, qua tìm hiểu tôi được biết khi Hội An được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 1999 thì ngoại ngữ được ưu tiên hàng đầu với nhiệm vụ là chìa khóa trong việc giao tế, kinh doanh và quảng bá nét văn hóa Việt. Đi thăm Hội An từ tiệm may cho đến hàng quán ăn uống, lưu niệm và mọi dịch vụ hoạt động du lịch tôi nhận thấy các bạn trẻ ở đây nói tiếng Anh và tiếng Pháp khá tốt, có người thông thạo cả tiếng Nga và Tây Ban Nha.

 

 

 Các địa danh như: chùa Cầu, chùa Ông, hội quán Phúc Kiến, hội quán Ngũ Bang, quan âm thập tự Minh Hương, bảo tàng và cả những đền miếu nho nhỏ do người dân xây dựng để cúng cô hồn, âm binh vv,… đều tạo được sức hút mạnh mẽ các sinh viên Nhật Bản trong đoàn của chúng tôi. Ryo chia sẻ, với túi tiền của một sinh viên thì các bạn phải rất dè sẻn trong nhiều năm mới có được một kỳ du lịch Việt Nam. Vì vậy viếng thăm Hội An,  tất cả đều tranh thủ tận dụng mọi thời gian để nắm được nhiều thông tin từ thực tế so với sách vở mà họ đã từng tham khảo. 

 

DẠO CHƠI CÙ LAO CHÀM 

 

Hôm sau là ngày 30 Tết, chúng tôi quyết định thức dậy sớm để thăm cù lao Chàm. Chiếc thuyền du lịch bồng bềnh chạy dọc sông Thu Bồn đưa chúng tôi ra Cửa Đại, trời khá lạnh vì gió biển thổi lồng lộng, cả nhóm tranh thủ chụp ảnh những người bán hàng vội vã gánh rau, hoa, tôm cua họp chợ khi ánh đèn đường vẫn còn tù mù trong màn sương sớm…. Hơn 30 phút sau, cù lao Chàm đã ẩn hiện trong tầm mắt chúng tôi khi bình minh loang loáng ánh hồng. Đến đây tôi mới biết hơn 3000 năm trước đã có dấu tích của cư dân cổ sinh sống và cù lao này đã là nơi giao thương bằng đường biển khá quan trọng của người Chămpa với các dân tộc thuộc khu vực Trung Cận Đông, Đông Nam Á và Ấn Độ. Hạnh – cô hướng dẫn viên tại cù lao Chàm đưa chúng tôi đến thăm di tích phát triển đá xếp với mục đích khai thác nguồn nước ngọt của cư dân cổ trên cù lao này mà các nhà khảo cổ khi nghiên cứu đã phải bái đầu kính phục.

 

Kế đó, chúng tôi ghé thăm chùa Hải Tạng với lịch sử hơn 250 năm tuổi – đây là địa danh được xem là nơi để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân địa phương và cũng là điểm dừng của thương thuyền các nước ghé vào hành lễ cúng kính tín ngưỡng Phật giáo với cầu mong được phù hộ trên con đường làm ăn, buôn bán. Chùa không rộng lắm nhưng rất cổ kính và phần nội thất khá đẹp và lộng lẫy, ở đây còn lưu giữ đầy đủ các bộ hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng với tuổi đời hơn 100 năm. Các tượng Phật được chạm trổ rất vô vi huyền ảo làm ta cảm nhận không khí nơi đây thật thiêng liêng trong lời kinh trầm bổng xen lẫn tiếng chuông chùa. Kế tiếp Hạnh đưa chúng tôi tham quan các địa danh: giếng làng, lăng Ông, miếu Bà, miếu tổ nghề yến cũng nằm trên cù lao với khoảng cách không xa lắm.

 

Đến Hội An, du khách không chỉ ngỡ ngàng với những quần thể kiến trúc Á đông mà còn là sự thích thú khám phá những món ăn đặc trưng của nơi đây như: cao lầu, chí mà phù (chè mè đen), bánh hoa hồng trắng, bánh Tổ, bánh đập mắm nêm… những món ăn đều có một hương vị riêng và quyến rũ. Vào đêm trăng rằm, Hội An còn có tục lệ treo đèn, từng dãy phố với những chiếc lồng đèn đủ màu sắc lấp lánh trong đêm. Có thể nói, Hội An là điểm dừng chân thú vị cho chuyến du lịch vào xuân.

 

Dương Thủy