Thú chơi dân dã

 Được mệnh danh là “người mẫu” với vẻ ngoài bảnh chọe, màu sắc sặc sở, chim cảnh đang là thú chơi được rất nhiều người dân Sài thành ưa chuộng. Để được tiếng là dân chơi chim cảnh, người chơi chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn trang bị cho mình một cái lồng chim và một con chim tầm tầm là được. Thế nhưng đối với những nghệ nhân, những người chơi chim lâu năm thì việc tìm một con chim ưng ý là cả một quá trình. Thông thường, người chơi thường mua chim non nhưng với những nghệ nhân họ thường thuần dưởng chim thiên nhiên. Bởi so với chim non, chim tự nhiên hót hay và đá giỏi hơn.

Chim cảnh được xem là thú chơi dân dã bởi đối tượng tham giá khá rộng, đủ mọi thành phần từ ông già đến lớp thanh niên trẻ. Trong đó có những người mới chập chửng chơi nhưng cũng có người gắn bó với thú chơi này suốt mấy chục năm. Do là thú chơi dân dã nên đối tượng tham gia cũng đủ các thành phần từ bác sĩ, kỉ sư cho đến giới công nhân…  Theo anh Long (ngụ Q.3) cho biết: “người chơi chim cảnh không phân biệt địa vị, thu nhập…  miễn ai có niềm đam mê và yêu thích thì đều có thể chơi chim cảnh”.

Tùy vào sở thích mà những người chơi chim cảnh chọn cho mình một cách chơi phù hợp. Đối với lớp thanh niên trai trẻ, họ thường thích nuôi chim háu đá như: chích chòe lửa, chích chòe đất, họa mi… còn với những người cao tuổi thì nuôi chim hót: họa mi, sơn ca, vành khuyên…  bởi họ thích nghe tiếng hót trong lành và du dương của chúng. Chú Hùng (ngụ Q.3) cho rằng: “trưa đi làm về mệt mà được nghe tiếng “ríu” của những chú chim có thể làm cho chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng và ngủ một giấc thật ngon”.

Trong thú chơi chim cảnh, ngoài nuôi chim hót, chim đá, thì còn có chim kiểng. Dù không hót hay, đá giỏi như hai loại trên nhưng chim kiểng cũng làm cho người chơi tìm thấy niềm vui riêng của mình khi huấn luyện chúng học nói tiếng người như vẹt hay két. Tuy là thú chơi dân dã nhưng chơi chim cảnh cũng đòi hỏi người chơi cũng không ít công phu. Anh Hùng tiếp lời: “sáng sớm phải đi mua thức ăn về choc him, khi mua về phải cắt chân, rồi tắm cho chim… bên cạnh đó, còn phải mua thức ăn riêng cho từng loại chim”.

Bên cạnh việc chăm sóc, thú chơi chim cảnh cũng đòi hỏi sự am hiểu nhất định về chim của người chơi. Anh Long cho biết: “trước kia tôi có nuôi con sơn ca, nhưng suốt ngày thấy nó cứ đi qua, đi lại ở phía đáy lồng mà không hề hót. Sau thời gian tìm tòi, học hỏi thêm từ những người chơi khác, tôi mới biết, chim sơn ca khi hót thì cần phải có khoảng không. Bởi không giống như các loài khác, khi hót chim sơn ca thường bay lên rồi luyện xuống. Chúng là loài chim duy nhất vừa bay vừa hót được. Do đó, khi nuôi chim sơn ca cần phải nuôi trong những cái lồng có chiều cao tương đối lớn”.

Tuy nhiên, không phải người chơi nào cũng có thể nghe và biết được giọng chim hót hay hay dở. Theo anh Phan Văn Bờ - phó chủ tịch hiệp hội chim kiểng Thành phố Hồ Chí Minh thì một chú chim hót hay phải đáp ứng được bốn tiêu chí là: thanh, bộ, sắc, giọng. “Thanh” là tiếng hót của chim, tiếng hót đó có lớn không, “bộ” là dáng điệu, hành động của chim lúc đang hót, “sắc” là màu sắc, hình thể bên ngoài của chú chim, “giọng” là tần số của tiếng hót, chim hót ra tần số cao hay thấp.

 

 Muốn chơi một chú chim thì cần phải có lồng để nuôi, nhưng việc chọn lồng thế nào để chim phát huy hết khả năng của mình mới là điều quan trọng. Chẳng hạn như chim Sơn ca cần phải nuôi trong những chiếc lồng cao để chúng có không gian hoạt động. Lồng chim cũng được làm từ những nguyên liệu khác nhau. Thường là bằng tre nhưng đôi khi lồng cũng được làm từ đồi mồi hay ngà voi rồi chạm khắc lên trên nó. Vì vậy, mỗi chiếc lồng cũng thề hiện được đẳng cấp của người chơi và vị thế của người chơi. Nhưng điều quan trọng nhất đối với dân chơi chim điều quan trọng nhất ở chiếc lồng không phải là chất liệu làm nên nó mà chính là chiếc lồng đó có phù hợp với loại chim mình đang chơi hay không.

Dù là thú chơi dân dã, nhưng chơi chim cảnh hay bất cứ thú chơi nào khác cũng đòi hỏi ở người chơi niềm đam mê. Có đam mê thì người chơi mới tìm thấy niềm vui và sự thoải mái trong thú chơi của mình.

 Văn Toàn