Câu chuyện về những người tí hon.

Ghibli và Yonebayashi Hiromasa
Nếu như ở Hollywood người ta thường nghe đến cái tên Pixar (hãng hoạt hình lớn chuyên sản xuất các bộ phim như Car, Toy Story…) thì ở Nhật Bản, Ghibli Studio cũng nổi tiếng như thế. Được sáng lập bởi một trong những nhân vật kỳ cựu của làng hoạt hình Nhật ông Hayao Miyazaki, Ghibli trở nên nổi tiếng với dấu ấn là bộ phim hoạt hìnhSpirited Away từng giành tượng vàng Oscar (Viện Hàn Lâm Mỹ) và Gấu Vàng (Liên hoan phim Berlin) cho tác phẩm hoạt hình hay nhất (2002). Cái tên Ghibli xuất hiện tháng 6 năm 1985 và có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập với ý nghĩa mang ngọn gió mới vào làm sóng phim hoạt hình ở Nhật. Ra đời cách đây 26 năm, Ghibli đã có trong tay 19 bộ phim hoạt hình chiếu rạp và vô số các phim ngắn phát sóng trên truyền hình.
Sinh năm 1973 ở Ishikawa, Yonebayashi Hiromasa được các đồng nghiệp biết đến với nickname Maro, là linh hồn của tác phẩm The Borrower Arrietty. Với bộ phim đầu tay trong vai trò mới, anh trở thành đạo diễn hoạt hình trẻ nhất của hãng Ghibli. Maro là gương mặt quen thuộc ở Ghibli và là chuyên gia hoạt hình rất có kinh nghiệm. Anh bắt đầu gắn bó với phim hoạt hình từ những năm 1997, 1998 bằng công việc cơ bản như lắp ghép các cảnh phim đã hoàn chỉnh trong Princess Mononoke, Jin-Roh: The Wolf Brigade. Đến những năm 2000, Yonebayashi trở thành người diễn xuất chính cho các nhân vật trong phim như Spirited Away (2001), Howl’s Moving Castle (2004), Ponyo on the Cliff by the Sea (2008). Hn 10 năm gắn bó cùng những hình ảnh hoạt họa mang đầy tính tưởng tượng, Yonebayashi bắt tay thử sức trong vai trò mới: đạo diễn. Anh cũng trực tiếp thực hiện kịch bản phân cảnh cho bộ phim của mình.
Tại sao Ghibli lại quyết định trao cơ hội cho Yonebayashi?“Anh ấy cần phải có tiếng nói riêng của mình” – Hayao Miyazakiphát biểu trong buổi họp báo ra mắt bộ phim và có lẽ cả Ghibli lẫn Miyazaki đã có những quyết định đúng đắn. Miyazaki cũng đã sát cánh cùng Yonebayashi để mang đến màn ảnh rộng câu chuyện đầy tính phiêu lưu trong không gian hẹp với nghệ thuật tạo hình nhân vật, âm thanh âm nhạc lan tỏa đến từng ngõ ngách trong lòng khán giả.
Câu chuyện về cô bé tí hon Arrietty 
Karigurashi No Arrietti  hayThe Borrower Arrietty dựa trên tác phẩm của nhà văn Mary Norton mang tên The Borrowers kể về những người tí hon chỉ cao khoảng 10cm sống ẩn nấp dưới nền nhà của một gia đình người Anh. Hãng Ghibli đã chuyển tác phẩm này trong bối cảnh những năm 1950 tại Anh về Tokyo và “pha hương vị” Nhật Bản vào đó.
Nhân vật nam chính Shou (khoảng 15 tuổi) chuyển đến nhà bà của mình thể nghỉ ngơi một thời gian vì bị bệnh. Tại đây những người tí hon (gọi là The borrowers – tạm dịch là “những người vay mượn”) đang sống một cách lặng lẽ mà không ai biết đến sự tồn tại của họ.
Trong gia đình tí hon ấy, cô bé Arrietty (14 tuổi) đang nỗ lực để chứng tỏ bản thân bằng cách giúp cha cô thu thập những chất liệu mà cả nhà cô đang cần từ nhà của Shou. Cái tên Borrower được đặt cho gia đình của Arrietty bởi họ thường xuyên vay mượn những vật dụng nhỏ hay thức ăn mà gia chủ căn nhà thường không để ý đến như cây kim băng, cục đường, khuy áo hay chiếc bánh quy...
Cậu bé Shou một lần tình cờ nhìn thấy Arrietty đã phá vỡ luật lệ rằng người bình thường không được biết đến sự tồn tại của những người tí hon. Sau khi mối quan hệ của Arrietty và Shou ngày càng phát triển, cũng là lúc gia đình cô lâm vào tình cảnh khá nguy hiểm bởi sự tò mò của những người bình thường. Thậm chí mẹ của Arrietty còn bị bà người làm của gia đình Shou bắt nhốt. Hai người họ phải cùng nhau cố gắng bảo vệ cha mẹ Arriety. Sau cùng, cách duy nhất đảm bảo an toàn và giữ gìn quy luật nghiêm khắc của người tí hon đó là Arrietty cùng gia đình phải đi tìm một điểm cư trú mới với sự giúp đỡ của Spiller – một người tí hon hoang dã…
Thế giới tí hon hoàn hảo 
Gọi là phim hoạt hình nhưng Karigurashi No Arriettilà bộ phim có vẻ hợp với người trưởng thành hơn.Đây là phần nhiều nhận xét của hầu hết những người đam mê hoạt hình trên khắp các diễn đàn, blog…về bộ phim. Họ đã không thể ngừng thốt lên “Một tác phẩm xuất sắc và rất chi tiết” khi xem những phân cảnh đầu tiên. Nhân vật Arrietti được vẽ sinh động với tỉ lệ rất hợp lý so giữa chiều cao của cô và các đồ vật xung quanh.
Hàng ngàn giờ lao động của đội ngũ làm phim đã mang đến hình ảnh hết sức tỉ mỉ và sự khéo léo đó đã mang đến cho khán giả hơi thở phương Tây trong không khí Nhật Bản. Người ta có thể bắt gặp sự hòa quyện về văn hóa được thêu dệt bởi trí tưởng tượng phong phú của những nhà làm phim trong đó có đạo diễn Yonebayashi.
Thế giới của “những người vay mượn” nho nhỏ, xinh xinh và rất tinh tế mà chỉ có những tính cách của người Nhật mới có thể tạo ra những hình ảnh siêu cận cảnh đến như thế. Cây ghim trở thành thanh kiếm rất vừa tay của Arrietty, bông hoa tía tô li ti cao bằng cả cánh cửa nhà, chiếc bánh quy có thể là bữa tối cho cả gia đình…
Nhiều người trên khắp các diễn đàn phim hoạt hình đều ca ngợi sự tài tình của Ghibli, điều đó thể hiện rất rõ ràng qua câu chuyện và những hình vẽ không hề mang tính phái sinh. Mọi thứ thật đặc biệt, cứ như đó là thế giới thật ta đang nhìn trước mắt. Ghibli Studio đã có những chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng với gần một thập kỷ ấp ủ trước khi cho ra đời bộ phim.
Hãy để thế giới hoạt hình làm mới trí tưởng tượng của bạn 
Đó là câu nói mà đạo diễn Yonebayashi Hiromasa rất tâm đắc khi thực hiện câu chuyện về những người tí hon. Trong Arrietty, vẻ đẹp thuần khiết do những bàn tay “phù thủy” của nhóm hoạt hìnhlàm mọi thứ trở nên gần gũi. Ngày nay với công nghệ 3D hiện đại người ta có thể vẽ ra con người như thật bằng máy tính thì việc làm phim hoạt hình vẽ tay lại trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết. Các họa sỹ thổi hồn vàonhững nhân vật tí hon cũng như những đồ vật vô tri, thêu dệt một thế giới nửa thực nửa mơ tươi đẹp.
Mạch phim cùng sự hòa quyện của âm thanh và hình ảnh được thể hiện lôi cuốn một cách tự nhiên khiến cho người xem không thể rời mắt.Đồ vật trong khuôn hình diễn ra lạ mà quen, chiếc khuy áo ta thấy hàng ngày là vật trang trí trên tường của gia đình Arrietty, tuýp đựng nước tương hình con cá bán kèm với những hộp cơm trưa văn phòng ở Nhật trở thành bình đựng nước của Pod – cha Arrietty,…
Bước ngoặt của bộ phim là khi Arrietty đi “mượn” một ít đường từ nhà của Shou và làm rơi nó trên đường về. Việc được Shou mang tặng một viên đường khác đã làm cho cuộc sống của Arrietty trở nên phức tạp và câu chuyện tình cảm của họ cũng bắt đầu nảy sinh từ đó.
Những cảm xúc của nhân vật được biểu hiện qua từng ánh mắt, từng cử chỉ nhẹ nhàng, đằm thắm đúng kiểu Nhật Bản. Người xem dễ dàng cảm nhận mối quan hệ gắn bó lớn dần giữa Shou và Arrietty dù hai người khác nhau về kích thước cũng như cuộc sống thường nhật. Các nhà làm phim đã đẩy những cảm xúc lên cao trào khi hai người bạn phải nói lời chia tay có lẽ là mãi mãi. Chút gì đó rung động, chút buồn vui lẫn lộn trong cảnh kết, Arrietty ôm lấy ngón tay của Shou và khóc. Ai cũng biết Arrietty thuộc về thế giới người tí hon và đồng hành cùng cô về sau sẽ là anh bạn Spiller hoang dã còn Shou sẽ trở về nhà mình sau khi khỏi bệnh. Một cái kết để lại bao lưu luyến cho người xem…
Riêng với người viết bài này, khi xem xong bộ phim, đi xuống bếp nhà mình lại tự hỏi, dưới lớp sàn gỗ kia liệu có những người tí hon đang sinh sống giống trong phim? Và nếu có, sẽ là niềm hạnh phúc khi khám phá ra điều bí mật gì đó thú vị của cuộc sống…
AN NAM
Box: 
Bộ phim ra mắt năm 2010 tại Nhật Bản và dự dịnh được hang Walt Disney phát hành vào ngày 17 tháng 2 năm 2012 ở Mỹ.
Lồng tiếng:
Arrietty – Shida Mirai
Shou – Kamiki Ryunosuke
Sadako (Bà của Shou) – Takeshita Keiko
Pod (Cha của Arrietty) – Miura Tomokazu
Homily (mẹ của Arrietty) – Ootake Shinubu
Spiller  (người rừng tí hon) – Fujiwara
Haru (người làm) – Kiki Kirin
Sản xuất: Suzuki Toshio
Đạo diễn: Yonebayashi Hiromasa
Kịch bản và kế hoạch: Miyazaki Hayao
Âm nhạc: Corbel Cecile
Diễn xuất nhân vật: Miura Tomoko

(Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí)