“Cô hầu gái” đứng đầu doanh thu phòng vé sau 3 ngày công chiếu

Derek Nguyễn là một cái tên còn xa lạ với khán giả nước nhà. Theo thông tin, anh sinh ra ở Việt Nam và theo mẹ sang Mỹ định cư từ nhỏ. Là một nhà sản xuất phim, Derek Nguyễn từng có những phim ngắn được quay ở New York. Cô Hầu Gái là dự án đầu tiên anh thực hiện tại quê nhà, lấy cảm hứng từ câu chuyện của bà nội mình.

 

Tác phẩm lấy bối cảnh năm 1953 tại một đồn điền cao su, từng là nấm mồ chôn vô số công nhân Việt Nam. Một cô gái nghèo tên Linh (Nhung Kate) đến tìm việc tại ngôi biệt thự của viên đại tá Pháp (Jean-Michel Richaud). Căn nhà lộng lẫy nhưng u ám với lời đồn về một hồn ma vất vưởng chưa siêu thoát.

 

 

Điểm đáng khen nhất của ê-kíp là đã "chịu chơi" thực hiện một phim lấy bối cảnh thời Pháp thuộc. Điều này đòi hỏi khoản kinh phí đội lên hẳn so với các phim thời hiện đại.

 

Dù phần lớn cảnh quay diễn ra trong nhà, tác phẩm vẫn làm bật lên được cái chất của Đông Dương thời 1950 qua quần áo, xe cộ, khu chợ. Nếu đã từng xem qua Người Tình (1992), khán giả sẽ phát hiện vài điểm tương đồng trong Cô Hầu Gái, dù tầm vóc hai phim có sự chênh lệch đáng kể.

 

Cuối tuần vừa qua, đoàn phim “Cô hầu gái” đã có những buổi giao lưu tưng bừng với khán giả tại hệ thống các rạp Galaxy Nguyễn Du, Cinestar, CGV Pandora, Galaxy Tân Bình, CGV Aeon Tân Phú, CGV Hùng Vương và Galaxy Kinh Dương Vương.

 

Khán giả vô cùng thích thú lắng nghe những chia sẻ hết sức chân thành từ đạo diễn Derek Nguyễn và nữ diễn viên Nhung Kate, cũng như chụp những tấm hình thật đẹp cùng đoàn phim. Đặc biệt, một nhân vật không thể thiếu và luôn được chào đón trong các sự kiện của “Cô hầu gái”, “hồn ma phu nhân Camille”, con ma đáng sợ trong bộ phim đã xuất hiện và mang theo những món quà bất ngờ cho khán giả.

 

Những món quà tuy nhỏ nhưng thể hiện được tình cảm và sự trân trọng mà các diễn viên và nhà sản xuất của “Cô hầu gái” dành cho những khán giả đã góp phần làm nên thành công của bộ phim. Khá nhiều khán giả sau khi xem phim cũng đưa ra nhận xét đây là bộ phim kinh dị “đáng đồng tiền bỏ ra mua vé” trong các phim kinh dị của Việt Nam, vốn là mảng “yếu” của phim chiếu rạp trong nước. Yếu tố “hài nhảm” thường thấy trong các bộ phim kinh dị khác cũng bị gạt bỏ trong “Cô hâù gái”.

 

Một số bài nhận xét về phim trên báo chí và các phương tiện truyền thông còn cho rằng, “Cô hầu gái” là tác phẩm xứng đáng đậm chất kinh dị và rất đáng xem.

 

Phim có nhiều cảnh nóng đầy trần trụi, được cài cắm hợp lý trong suốt phim. Các phân đoạn này được quay đặc tả và phơi bày nhiều mảng da thịt của diễn viên. Chúng cũng không "vô nghĩa" mà cũng góp phần thể hiện sự chuyển biến tính cách nhân vật.

 

Các trận mây mưa bắt đầu nhẹ nhàng với sự thụ động của nhân vật chính, rồi sau đó càng lúc càng dữ dội hơn như chính mạch chuyện. Có thể nói, đây là phim có cảnh nóng “nghệ thuật nhất” của điện ảnh Việt vài năm gần đây.

 

Đoàn phim “Cô hầu gái” sẽ tiếp tục đến gặp gỡ khán giả tại các cụm rạp tiếp theo, lịch trình sẽ được công bố trên fanpage của bộ phim. Với nhiều ý kiến khen ngợi từ những nhà bình phim, nhà sản xuất hy vọng “Cô hầu gái” sẽ tiếp tục thu hút càng nhiều khán giả để xứng đáng với danh hiệu “bộ phim ma Việt Nam xuất sắc nhất của năm 2016”.