Khó khăn bạn có thể gặp khi quá thẳng thắn trong công việc

Thẳng thắn được xem là đức tính tốt, tuy nhiên trong các mối quan hệ, đặc biệt là với đồng nghiệp, cấp trên hoặc đối tác, thẳng thắn quá mức sẽ gây ra tác dụng phụ, điển hình là những điều sau đây.

Dễ làm mất lòng người khác

Thẳng thắn, trung thực là một trong những điều giúp người tìm việc làm ở Hải Phòng, Hà Nội hay bất cứ nơi nào khác chinh phục được nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, giữa thẳng thắn và vô duyên có khoảng cách rất gần. Nếu không thật khéo léo và tinh tế, bạn sẽ dễ trở thành người vô duyên trong mắt người khác. Do đó, bạn chỉ nên thẳng thắn với những người có mối quan hệ tốt, thân thiết, gần gũi và biết chắc rằng họ sẵn sàng hiểu và thông cảm cho bạn cũng như đối xử tương tự với bạn như vậy. Còn trong các mối quan hệ công việc bình thường, quá thẳng thắn sẽ dễ gây mất lòng, mất thiện cảm của những người xung quanh đối với bạn, thậm chí dễ bị ghét bỏ và cô lập.

Dễ dẫn đến xung đột

Hầu hết các cuộc xung đột xảy ra khi đối phương có tính quá thẳng thắn, bộc trực mà thiếu sự bình tĩnh, khéo léo cần thiết. Họ bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình mà không quan tâm đến phản ứng của đối phương. Chính điều này sẽ dễ gây nên xung đột và khiến cho các mối quan hệ trở nên đổ vỡ. Do đó, thẳng thắn phải đi cùng sự kiềm chế, tinh tế và mềm mỏng tùy theo tình huống. Tuyệt đối không cần thẳng thắn với người háo thắng, cố chấp không chịu lắng nghe và thiếu sự cầu thị.

Khiến người khác tổn thương

Sự thẳng thắn của bạn không đúng lúc hoặc thái quá chắc chắn sẽ gây tổn thương đến người khác. Ví dụ như thẳng thừng vạch ra điểm yếu kém của ai đó, kể lể một sai lầm họ từng mắc phải hoặc nói rõ sự yêu ghét cảm xúc cá nhân – điều đáng ra chỉ nằm trong ý nghĩ... Việc này sẽ làm người bị đánh giá cảm thấy tổn thương và xấu hổ trước mặt người khác. Do đó, nếu muốn góp ý hoặc bày tỏ suy nghĩ của mình bạn nên biết cách lựa chọn cách nói, thời điểm và không gian.

Dễ bị lợi dụng điểm yếu

Trong công việc bạn không thể tránh khỏi những đồng nghiệp tiêu cực, chẳng hạn như bị ganh ghét, chơi khăm... Tốt nhất bạn nên giữ sự bình tĩnh và giữ kín những kế hoạch, dự định của bản thân thay vì bộc lộ rõ ràng để kẻ xấu dễ lợi dụng. Ngoài ra, người quá thẳng thắn và bộc trực rất dễ bị “giật dây” trình bày những điều “khó nói” thay cho những người khác để rồi người chịu hậu quả cuối cùng là chính mình.

Thẳng thắn, bộc trực dễ gặp thất bại Một sự thật là người thẳng thắn bộc trực khó mà thành công. Vì thực tế khi làm việc với bất cứ ai, dù là đối tác hay khách hàng bạn cần có sự giao tiếp khéo léo và thông minh thì mới đạt kết quả. Trong quá trình làm việc không thể tránh khỏi các vấn đề phát sinh, học cách giao tiếp tinh tế, mềm mỏng, đọc vị tâm lý đối phương để có cách ứng xử linh hoạt chính là chìa khóa giúp bạn thành công.

Khó được cấp trên đánh giá caoKhi cất nhắc nhân viên lên những vị trí cao hơn, chắc hẳn nhà quản lý sẽ loại bỏ ngay những người có tính cách quá thẳng thắn, bộc trực. Lí do là họ sẽ không thể đảm trách tốt được nhiệm vụ của mình vì thiếu sự khôn khéo, điềm tĩnh – phẩm chất cần có của người lãnh đạo. Vì vậy nếu có mục tiêu thăng tiến lên vị trí cao hơn, hãy biết cách kiềm chế bản tính này và nhận rõ thẳng thắn nên ở mức độ và trong các tình huống như thế nào là vừa phải và hợp lý. Nếu bạn thuộc tuýp người quá thẳng thắn và bộc trực thì tốt nhất nên học cách kiềm chế bản thân. Đừng để lời nói và hành động gây tổn thương đến người khác và gây hại cho chính mình. Bạn cần lưu ý, thẳng thắn nên được kết hợp với sự chân thành, khéo léo và tinh tế trong giao tiếp. Có như vậy, bạn mới có thể xây dựng được các mối quan hệ tích cực và lâu bền với cấp trên, đồng nghiệp và đối tác.

                               Đặng Hảo