Chúng ta đã biết được bộ NST của khủng long có chứa những gì, và kết quả sẽ làm bạn ngạc nhiên đấy.
Theo BBC đưa tin thì trong một nghiên cứu mới đây của ĐH Kent (Anh Quốc), các nhà khoa học đã tìm ra manh mối mới có thể xác định xem ADN của một con khủng long từ hàng triệu năm trước trông như thế nào.
Nếu bạn đang nghĩ về "Công viên kỷ Jura" thì rất tiếc là không phải. Các nhà khoa học đã không (hay đúng hơn là chưa thể) dựng lại ADN của khủng long, mà chỉ là lần ngược về bộ gene đó từ các loài được cho là gần gũi nhất với chúng ngày nay.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Rebecca O'Connor từ ĐH Kent đã sử dụng một mô hình toán học, nhằm tìm hiểu xem tổ tiên của các loài chim và rùa ngày nay có bộ gene như thế nào.
Tổ tiên chung của chúng xuất hiện cách đây 260 triệu năm - thời điểm 20 triệu năm trước khi khủng long xuất hiện. Và họ thậm chí còn xác định được cặp nhiễm sắc thể nào của loài hiện đại đã xuất hiện từ thời kỳ đó.
"Các bằng chứng hóa thạch cho thấy chim chóc và khủng long không hề tách biệt, mà chúng đã từng có chung một tổ tiên. Lũ chim đang bay nhảy ngày nay chính là khủng long ngày xưa," - Rebecca cho biết.
Các chuyên gia đã tính toán được khủng long cũng giống như chim chóc ngày nay, có khoảng 80 NST (con người có 46, chia thành 23 cặp). Việc sở hữu nhiều cặp NST như vậy có thể lý giải vì sao số lượng các loài chim hiện tại là rất đa dạng, và khủng long ngày xưa cũng như vậy.
"Việc có nhiều cặp nhiễm sắc thể cho phép khủng long hòa trộn gene của mình dễ dàng hơn. Điều này giúp chúng tiến hóa nhanh hơn, và dễ tồn tại hơn với các thay đổi của môi trường." - trích lời giáo sư Darren Griffin từ ĐH Kent.
Theo Griffin, số lượng NST của khủng long sẽ không thay đổi nhiều đối với chim thời hiện đại. Thứ thay đổi là trật tự các NST, nhờ vậy các loài khác nhau sẽ ra đời.
Nhóm nghiên cứu cho rằng bộ NST của khủng long - bao gồm 80 NST là con số khá ổn định. Từ T-rex cho đến khủng long cổ dài, tất cả sẽ có bộ NST tương tự với một con chim bồ câu ngày nay. Sự khác nhau ở đây là do bộ gene và thứ tự sắp xếp chúng thôi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature.