MIÊN MAN HẢI SẢN KIỂU SÀI GÒN
Màn khai vị xanh mát rau cỏ mượt mà, mấy thứ sà lách Nga, Ý, Pháp, Tây Ban Nha… đương nhiên đầy rẫy nhưng các vũ điệu của thanh long, dứa, cổ hủ dừa… vừa cách tân vừa mê ly huyền ảo vô cùng. Gỏi Việt Nam biến tấu chút chút thành rau trộn, cho mấy em nước mắm chanh ớt nghỉ xả hơi, rước sốt mayonaise, dầu olive nhập hội. Tuy nhiên rau răm, lá huế, húng chanh vẫn phơi phới cùng tôm, cua, nghêu sò khiêu vũ. Chem chép xưa kia đâu ngờ rằng mình có ngày được bảnh tỏn nhảy điệu valse trên các bàn tiệc Giáng sinh. Dĩa chem chép đút lò nóng hôi hổi, thơm phưng phứt mỡ hành, đậu phộng rang, thịt trắng bóc tươm nước ngọt xèo xèo. Nhiều nơi còn phết phômai lên chem chép nướng mùi hương tỏa nứt mũi, nhưng chàng phô mai lại mết em nghêu hơn chắc vì dáng nghêu tròn trĩnh, thịt nghêu dầy dặn quện cùng phômai sau khi nướng dòn dòn dai dai càng nhai càng ghiền.
Mực óng ả được chuộng nhất vì dễ tung hứng trăm ngàn điệu Tây-Ta lạ lẵm. Mực cuốn jampon, xúc xích nướng sốt Mehico. Mực nhồi paté, táo, lê bọc bột cà mì chiên dòn, cắt khoanh rưới kem việt quất hệt lất phất bông tuyết bay qua mặt trời đêm Bắc Cực, ngào ngạt hương, chua chua, beo béo, thanh thanh trên đầu lưỡi. Thỏ ngọc nấu vang không biết từ lúc nào xuất hiện trong các thực đơn Noel, nước suýt đỏ thẳm, vang váng mỡ, lấm tấm tiêu bao quanh đùi thỏ căng tròn, thoạt nhìn đã mê mẩn.
ĐẬM ĐÀ MÓN TÂY MANG “ÂM HƯỞNG VIỆT”
Gà tây nướng, món không thể thiếu, bự quá, lò nào quay nổi, dân Việt mình bụng bé, làm sao xơi hết, vô nhà hàng họa chăng mới có. Chứ không khí gia đình đầm ấm thì vịt, gà nhà quê be bé cho nó gọn. Mấy hàng vịt quay khu Chợ Lớn xôm tụ nhất ngày 24 tháng 12, chưa ba giờ đã sạch loáng. Vịt quay, vịt nướng nóng hổi độn bụng kim châm, hạt sen tẩm ngũ vị hương, chặt miếng nào miếng nấy nạc đẫy đà, nhoang nhoáng mỡ, đưa mùi thoang thoảng nồng nàn. Vịt nướng sốt quýt ngon lạ ngon lùng. Thiệt ra như vậy là sang lắm đấy vì ở châu Âu chỉ có các nhà giàu, quý tộc mới dám dùng vịt, với dân Đức cổ, một con vịt nướng trên bàn tiệc thể hiện cho giàu sang phú quý của chủ nhân bữa tiệc Tất niên.
Gà thì khỏi nói, muốn nhồi có nhồi, cánh gà nhồi cốm xanh mới nghe đã bắt thèm. Cánh gà thường được lựa loại mập, da vàng óng màu nghệ, lóc hết xương, nhồi giò heo trộn nấm hương, cốm tiêu, cà rốt… hấp chín rồi lăn qua cốm lần nữa chiên giòn rụm, cái nho nhã của cốm thấm cùng bùi mềm tơi tan thịt gà, giòn rao ráo da gà chiên phồng, ăn miếng nào là lên mây bay cùng ông già tuyết miếng ấy.
Súp ít ai hảo, sau này theo mốt súp bí ngô, súp kem sò điệp, súp rau củ mới bắt đầu tràn lan khắp thực đơn các nhà hàng. Súp hải sản nhiều ưa chuộng nhất, đôi nơi đổi qua lẩu luôn. Ngay cả món súp củ hành nổi danh của Pháp cũng được Việt hóa với thêm thắt vài lát lê hương, củ hành tím, bê bò chuyển tông qua cá viên. Cái mủ ni vàng rộm phô mai, bột mì không thể thiếu trên tô súp thì vẫn giữ nguyên có chăng là xí xọn lơ thơ dăm cọng ngò rí trên mặt cho ra dáng “súp củ hành Việt Nam”.
MƠ MÀNG VỊ NGỌT CỦA BÁNH
Pudding cổ xưa mặn mà mận, rượu vang, thịt bê thái nhỏ, vụn bánh mỳ, thảo dược, hành, rau, trái cây khô và gia vị khi nhập cư vô Sài Gòn đã bị gió nhiệt đới ngọt hóa, trái cây hóa. Muốn kiếm pudding mặn coi bộ hơi khó, thay vào đó pudding xoài, pudding sầu riêng, cam, dừa, mơ, đu đủ thậm chí pudding tàu hủ non tung tăng tùm lùm tá lả. Sầu riêng có mùi cực kỳ khó chịu với khách phương xa nhưng với tài khéo léo của đầu bếp trứ danh xứ nắng đỏ quanh năm đã thành hương quyến rũ khó quên, chiếc pudding vàng lấp lánh phản chiếu các tia rực rỡ từ những quả chuông trên cây thông Noel mới hấp dẫn làm sao. Múc nhẹ muỗng nhỏ, nhấm nháp từ từ bao vị thần tiên trôi len lén vào người, như không khí kỳ diệu của dòng ngân hà tuôn trào khắp nơi.
Bánh khúc cây Sài Gòn chả khác mấy so với cùng hội cùng thuyền khắp thế giới cả hình dáng lẫn nội dung. Nhưng thành phần hạt dẻ, mứt, gia vị chỉ có ở Tây phương thì được giảm chế khá nhiều. Nhân thường mứt thơm, dâu, cam, kem… lẫn lộn hạt điều, đậu phộng… Có năm, một nhà hàng chơi trội, xuất xưởng buch mặn, quả là có một không hay trên đời, nhân jampon, lợn hun khói, đậu hà lan xanh, được cuộn giữa bánh bông lan mặn, kem mặn chạy sóng vân nâu y hệt khúc gỗ thông, bài trí xe nai kéo ông già Noel, nhà tuyết… Thiệt là sáng tạo, có điều cái gì mặn là mặn, ngọt là ngọt, năm sau biệt dạng giang hồ không còn thấy tăm hơi.
Giáng sinh an lành khắp mọi miền mọi nhà cả không đạo lẫn có đạo. Xum họp gia đình, họp mặt bạn bè, đôi lứa… và tiệc Giáng sinh theo phong cách Việt, hương vị Việt, càng ngon, càng đặc biệt đâu phải chỉ dân Việt mới thích, mà có lẽ khắp năm châu rồi sẽ bắt chước “phong cách Giáng sinh” của dân Sài thành?
Hồng An – Dương Văn Minh Lộc