Không chỉ đơn thuần là một bộ phim hài tình cảm, "Chàng Vợ Của Em" còn khéo léo gửi gắm những thông điệp quý báu về gia đình, tình yêu và giá trị của con người trong xã hội hiện đại.
Nhẹ nhàng nhưng vô cùng thấm thía, những tưởng điệp tưởng chừng đã cũ trong Chàng Vợ Của Em khiến nhiều khán giả ngỡ ngàng nhận ra những giá trị quý báu mà mình đã trót lỡ bỏ quên trong guồng quay của cuộc sống xô bồ.
Giá trị của tình cảm gia đình
Chàng Vợ Của Em là một bộ phim hài tình cảm, xoay quanh những con người tưởng chừng mãi mãi chỉ là những đường thẳng song song.
Một cô gái tối ngày bận rộn đến độ quên mất rằng mình còn rất nhiều thứ đáng để bận tâm hơn là những núi công việc chất đống ngoài kia.
Một người mẹ quá mải mê với ánh hào quang sân khấu mà không hề biết đứa con của mình cũng cần được vỗ về yêu thương.
Một người anh trai thay cha mẹ chăm sóc đứa em gái đang ở tuổi nổi loạn. Sự chăm sóc, bảo vệ thái quá đến mức khiến cả hai anh em đều cảm thấy ngột ngạt. Anh trai lo sợ một ngày kia em gái sẽ rời khỏi vòng tay của mình. Em gái khốn khổ chỉ mong anh trai một lần chịu sống cho bản thân. Đó là Hùng (Thái Hòa), là Mai (Phương Anh Đào), là bé Ngọc, là bà Khánh Liên, là những con người trong thế giới "Chàng Vợ" đang ngày ngày tự tay khiến gia đình nhỏ bé của mình trở nên ngột ngạt, ảm đạm. Sau một hành trình dài, khi Hùng và Mai – 2 mảnh ghép trái dấu vô tình gặp nhau, họ giúp đối phương dần ra giá trị đích thực của gia đình, của thứ tình cảm tự nhiên sẵn có nên đôi lúc người ta tự cho phép bản thân mình được tạm quên.Một nồi cá kho tộ, một tô canh khổ qua, một bữa cơm ấm nóng bên gia đình, sau cùng, nhà chính là nơi gắn kết tình thân, là nơi để ta trở về sau bao bộn bề của lo toan, căng thẳng.
Một nửa hoàn hảo trong tình yêu là người khiến ta thấy an toàn Không địa vị, không tiền bạc cũng chẳng có nhan sắc, ở Chàng Vợ Của Em, "một nửa hoàn hảo" đối với phụ nữ đôi khi đơn giản chỉ là người đàn ông đem đến cho họ cảm giác trọn vẹn và để họ được làm chính bản thân mình. Bằng những cử chỉ quan tâm chân thành nhất, Hùng dần bước vào trái tim của Mai. Một bữa cơm ngon, một căn nhà được dọn dẹp gọn gàng, một chiếc gương vỡ mới được thay, một bồn nước tắm ấm nóng pha trà. Hùng khiến Mai nhận ra, ngoài công việc còn có rất nhiều thứ đáng để trân trọng. Từ những mảnh ghép trái dấu, họ vô tình là một nửa hoàn hảo của nhau. Trái ngược với Hùng, Mạnh lại đúng chuẩn "bạn trai hoàn hảo" của những cô nàng mơ mộng. Đẹp trai, tài giỏi, tinh tế và tham vọng, Mạnh có đủ những tố chất để chinh phục trái tim các nàng. Tuy nhiên, Mạnh lại chẳng thể trở thành "một nửa hoàn hảo" khi anh mãi chỉ coi phụ nữ như cái bóng trên con đường thăng tiến của mình và có thể dùng tình yêu để đổi lấy sự nghiệp. Đừng đánh giá người khác qua bề ngoài của họ Giống như câu cửa miệng của Hùng: "Đừng đánh giá 1 cuốn sách qua bìa" và con người cũng vậy, đừng trông mặt mà bắt hình dong, đừng vì ấn tượng ban đầu mà vội đánh giá một ai cả. Lần đầu gặp ở công viên, khi Hùng đỡ cho Mai khỏi ngã và vô tình chạm tay vào "chỗ đó" của cô nàng, Mai đã lập tức kết luận Hùng là một gã đàn ông biến thái, cơ hội. Nếu Hùng có một vẻ ngoài hào nhoáng như Mạnh thì có lẽ, khán giả đã được chứng kiến 1 thước phim ngôn tình, khi nàng té ngã và chàng vội đỡ, 2 ánh mắt nhìn nhau, trúng luôn tiếng sét ái tình. Mai đâu có ngờ, chàng trai với vẻ ngoài xấu xí kia lại là người sau này khiến trái tim cô rung động bởi sự chân thành. Từ đầu đến cuối phim, Mai luôn sai trong việc đánh giá người khác. Cô sai khi nghĩ Khang (Trung Dũng) là đối thủ, sai khi tưởng mẹ mình chỉ mải chạy theo hào quang phù phiếm mà không biết được những nỗi khổ mẹ cất giấu đằng sau, càng sai khi tuyệt đối tin tưởng Mạnh (Hứa Vĩ Văn) sẽ là người khiến mình hạnh phúc. Đến sau cùng, khi ván bài lật ngửa, Mai mới ngỡ ngàng nhận ra bản chất của người có vẻ ngoài bóng bẩy, những tưởng hào hoa, phong nhã hóa ra lại là một kẻ ích kỉ, vụ lợi không hơn không kém. Hạnh phúc phải đến từ trong tâm, không phải qua ánh mắt. Ai cũng có giá trị của riêng mình Đằng sau sự nâng niu, trân trọng mà Mạnh dành cho Mai là suy nghĩ luôn coi phụ nữ như cái bóng để mình tiến thân và sẵn sàng lợi dụng tình cảm để được thăng tiến. Mạnh không nhận ra giá trị thật của Mai chẳng phải ở vẻ ngoài yếu ớt mà là ở ước mơ có được sự nghiệp thành đạt. Mai không chịu an phận lo việc bếp núc như cô bạn thân, mà mạnh mẽ vươn lên, thoát khỏi những thành kiến và sự bao bọc để thực sự khẳng định được giá trị của chính mình. Về phần Hùng, người đàn ông đảm nhận vị trí "nội tướng", chăm lo, quán xuyến việc nội trợ, giá trị của anh lại chính ở tình yêu mà anh dành cho gia đình. Vì tình yêu đó, Hùng sẵn sàng làm mọi thứ, làm cha, làm mẹ cho em gái và làm "vợ" cho người mình thương. Thông điệp của Chàng Vợ Của Em tuy không mới, nhưng vẫn khiến nhiều người nhìn thấy bản thân mình trong đó bởi nó chính là những điều tất yếu đang xảy ra xung quanh ta mỗi ngày. Tuy lồng ghép rất nhiều bài học nhưng đáng mừng là Charlie Nguyễn đã biết cách xử lí, không lên gân, không giáo điều, để khán giả được cười, được khóc cùng các nhân vật một cách tự nhiên, đồng thời được soi chiếu lại bản thân mình. Quá tuyệt vời nếu như xem xong một bộ phim, ta trở nên tích cực. Chàng Vợ Của Em đang khởi chiếu trên toàn quốc.