Ẩm thực tết Việt

 TỪ NAM RA BẮC...

Tết cổ truyền của người Việt không thể thiếu những món ăn như: bánh tét, bánh chưng, canh khổ qua, thịt kho tàu, dưa hấu… Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Viện trưởng Viện nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, cho biết: “Tùy thuộc vào đặc tính địa lý và khí hậu, món ăn tại các vùng, miền có sự khác nhau rõ rệt”.
 
Đối với người dân miền Nam, Tết thường được tổ chức rất mộc mạc, đơn sơ. Món ăn trong những ngày này cũng không xa rời với cuộc sống thường nhật như: cá kho nước dừa, hạt dưa, mứt...Theo quan niệm dân gian, cá sống dưới nước, nơi gắn liền với đời sống của người miền Nam. Bên cạnh đó, cá được xem như sự giao thoa giữa trời - đất - cỏ - cây - sông nước. Cho nên, đầu năm gặp thủy là điềm may, mang lại tiền tài và thịnh vượng. Mặt khác, cá thông minh, nhanh nhẹn, sinh sản bầy đàn… mang ý nghĩa giúp con người năng động, tài giỏi hơn trong kinh doanh và cuộc sống. Nhưng trên hết là cầu mong cho gia đình trong năm mới sung túc, sum vầy, con đàn cháu đống. Người xưa còn cho rằng, bữa cơm đầu năm nhất thiết phải có cá để những nỗi buồn trôi theo dòng nước, sóng gió sẽ qua đi, gia đình mạnh khỏe và gặt hái nhiều thành công, tài lộc.
 
Trong khi đó, đồng bào miền Bắc và Trung có những món ăn của riêng mình. Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói: “Tuy các món ăn tại mỗi vùng miền khác nhau, nhưng đều có mục đích chung là cầu mong sự may mắn, tài lộc đến trong năm mới”. Qua nhiều thế hệ người Hà Nội, chè kho đã trở thành món ăn thân thiết, luôn hiện diện trên mâm cổ cúng gia tiên vào đêm giao thừa. Chè được làm bằng bột đậu xanh khô chứ không phải loại tươi. Đậu xanh tươi sau khi ngâm nước qua đêm được đãi sạch vỏ, phơi khô, rang chín rồi xay thành bột mịn. Ngoài đậu xanh còn có đường, hương hoa bưởi… Chè kho muốn ngon phải đạt được độ vàng sánh mịn, thật khô, ngọt đậm, thơm, trước khi ăn rắc thêm một ít vừng trắng. Chè kho tuy không thuộc hàng “cao lương mỹ vị”, nhưng lại được chuộng trong những ngày Tết. Bởi, những điều tốt đẹp nhất của con người được chứa đựng trong đó: cần cù, chịu khó, giản dị, chân tình… Hay nói đúng hơn, món ăn thể hiện rõ những tố chất của người Việt Nam.
 
Từ ngàn xưa, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc. Chẳng biết từ bao giờ, xôi gấc đã trở thành món ăn mà ngày Tết không thể thiếu. Đĩa xôi gấc thơm nồng lan tỏa, được những bàn tay của người mẹ, người vợ đơm tròn đầy đặn dưới làn khói hương vờn nhẹ. Xôi gấc óng ánh sắc đỏ, hạt nếp căng mọng tươm chút dầu, đôi khi lấp lánh phía trong những hạt gấc đen. Xôi nếp ngon không được để quá khô hay quá nát. Do đó, người nấu phải thật khéo tay để khi chín hạt nếp vẫn còn nguyên và thấm đều màu đỏ của gấc. Người xưa cho rằng, ăn xôi gấc trong khoảnh khắc đầu tiên của năm mới sẽ mang lại sự no ấm, vun vầy, hạnh phúc.
 
ĐẾN VÙNG CAO 
“Không giống như người Kinh, mỗi dân tộc ít người đều có những ngày Tết của riêng mình, thường gọi là mùa lễ hội. Một số dân tộc ít người chịu ảnh hưởng của người Kinh, nên các bữa ăn ngày Tết vẫn có những món ăn rất thân thuộc với chúng ta” - Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết. Trong các dân tộc ít người, văn hóa ẩm thực ngày Tết của người Mường chịu nhiều ảnh hưởng của người Kinh mà bánh chưng là hình ảnh tiêu biểu nhất. Đối với các dân tộc ít người Tây Nguyên, thịt trâu là món ăn được dùng nhiều nhất trong ngày Tết của họ. Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết thêm: “Những gia đình khá giả thường làm thịt khoảng vài chục con trâu đãi cả làng”. Tuy mỗi dân tộc thiểu số có những món ăn thức uống khác nhau, nhưng rượu cần vẫn là thức uống chung được ưa chuộng.
 
 
Nhật Nam