Sáng thức dậy là cả xóm rộn ràng không khí mùa vụ, người lớn thì đi nhổ mạ cấy lúa hay đi gặt, trẻ con lùa trâu đi cày hay ra đồng cỏ. Nhìn ra đồng ở đâu cũng thấy hai thứ, đó là lúa và trâu. Xóm rất nghèo nhưng vui lắm. Người Kinh và người Khmer ở đây chẳng những là láng giềng thân thuộc mà còn ảnh hưởng cả huyết thống và tập quán tín ngưỡng. Hễ tết Việt thì người Khmer cũng gói bánh tét, cũng vui như hội và khi lễ lộc của người Khmer thì người Việt cũng nô nức đón chào. Tôi cảm thấy người ở đây hạnh phúc vì họ thừa hưởng văn hoá của cả hai dân tộc. Hồi đó trẻ nhỏ chúng tôi thích nhất là tết cổ truyền người Việt và lễ Oóc Om Bóc của người Khmer, hay gọi nôm na bằng tiếng Việt là lễ đút cốm dẹp.
Từ ngàn xưa, người Khmer Nam bộ chuyên trồng lúa nước. Thế nên họ cảm thấy công việc mùa vụ và cuộc sống hàng ngày đều cần đến nước, lệ thuộc vào nước. Nước có ảnh hưởng quyết định đến số phận của họ. Thế nên họ xem trọng nước, tôn thờ vị thần nước có tên gọi là Preas Kông Kia. Năm nào trúng mùa, không có hạn hán hay giông bão là năm Thần Nước ban phúc, năm nào thất mùa rồi giông bão là năm Thần Nước nổi giận. Người Khmer còn quan niệm là mặt trăng có sức hút, làm nên nước lớn nước ròng, nước nhiều nước ít. Thế cho nên Oóc Om bóc hay lễ đút cốm dẹp còn có một phần là lễ cúng trăng, và đại lễ này còn được gọi là lễ “đưa nước rước trăng”.
Lễ Oóc Om Bóc diễn ra đúng ngày rằm tháng mười, đó là tháng lúa chín, sắp kết thúc mùa vụ (hồi xưa một vụ lúa kéo dài đến tháng mười âm lịch). Và cũng là ngày trăng sáng nhất trong năm. Trăng sáng đến huyền hoặc, trải dài khắp đồng ruộng. Hương lúa chín nồng đượm ngập ngụa trời đất, báo hiệu với xóm làng rằng mùa no ấm đã về. Đất trời vui, mùa vụ vui, lễ với các hoạt động rất vui nên làng xóm tưng bừng. Ngoài việc đi chùa, đi xem đua ghe ngo thì việc của tất cả gia đình phải làm là dọn lễ vật ra giữa trời mà cúng trăng hay cúng Thần Nước vào ngày rằm tháng mười. Lễ vật thì đủ thứ: nhang đèn, hoa quả nhưng có một thứ không thể thiếu đó là món cốm dẹp. Cốm dẹp làm từ lúa nước, theo quan niệm từ ngàn xưa là dâng lên Thần Nước sản phẩm chính của mùa vụ để tỏ tấm lòng thành của người nông dân nhờ nước mà sinh sống. Trước đó hai, ba ngày, cả thôn sóc ra đồng chọn những bông lúa nếp oằn hạt và dài nhất rồi đem về nhà làm cốm. Trong những đêm trăng sáng trai gái làng dùng cối như cối giã gạo quết cắc... cum... nghe rất vui tai, giống như tết cổ truyền của người Việt ngày xưa quết bánh phồng. Họ vừa quết cốm vừa hò hát những điệu à dây trữ tình. Quết xong thì rủ nhau múa lâm thol bên ánh lửa rơm bập bùng trong khí trời mát mẻ của ngọn gió chướng sòng.
Để làm cốm dẹp, đầu tiên người ta đốt rơm hơ cho lúa mềm đi rồi bỏ vào cối quết cho đến khi vỏ lúa tróc ra, hạt gạo dẹp và trở nên dẻo hơn. Sau đó thì sàng, quạt cho bay hết lớp vỏ lúa để còn lại sản phẩm cốm dẹp. Rồi người ta cho đường cát và dừa nạo vào và thế là chiếc bánh cốm dẹp làm xong. Đây là một loại bánh cốm truyền thống ngàn năm của người Khmer Nam bộ, ngày nay đã trở thành món đặc sản của người Khmer, không thể thiếu được trong các đại lễ cổ truyền. Cốm dẹp ăn rất ngon, vừa có mùi thơm của hương vị lúa mới vừa dẻo vừa ngọt và béo của đường, nếp, dừa cộng lại. Người xưa thường nói ăn cốm dẹp “bắt ngây”, ý nói ăn hoài không muốn thôi. Trai gái làng mang theo để cùng ăn hoặc tặng cho nhau trong những đêm hẹn hò. Đây là quà tặng đầy ý nghĩa của người Khmer cho những bà con người Việt có quan hệ bạn bè, họ hàng.
Và trên hết đó là một loại bánh dùng để dâng cho Thần Nước và sau đó dùng đi chúc phúc cho trẻ con. Đêm rằm tháng mười, nhà nào cũng đặt một bàn hương án giữa trời, có người dùng cây đóng thành cái giàn cao, có người thì trải đệm dưới đất rồi thắp nhang đèn lên, bày lủ khủ hoa quả, nhưng trong đó đặc biệt phải có món cốm dẹp, bất luận kẻ giàu sang hay người nghèo khó. Cúng bái xong, người ta tập hợp toàn gia đình để ăn cỗ cúng và món khai vị đầu tiên cũng là cốm dẹp. Người đầu tiên được ăn là trẻ con chớ không phải người già. Người Khmer quan niệm rằng, họ dâng lên thần thánh những gì tốt đẹp nhất của mùa vụ thì khi ăn những cúng phẩm đó thánh thần sẽ ban phúc cho họ. Thế là người già nhất của gia đình cho vào trong tay một nhúm cốm dẹp rồi đút vào miệng trẻ em, bắt đầu từ đứa nhỏ nhất. Và họ cho rằng đó là cử chỉ chúc phúc, vào thời khắc đó mà đứa trẻ ước gì thì sẽ được thần thánh cho cái ấy. Có đứa ước lớn lên sẽ có nhiều vàng bạc châu báu, có đứa ước lớn lên thì trí dũng hơn người... Nói một cách khác, cốm dẹp là loại bánh thiêng của người Khmer Nam bộ.
Theo SGTT