Bánh tráng phơi sương – cần một vị thế xứng tầm

Ngày bước chân vào Sài Gòn, được bạn mời ăn thử bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo, với hình thức khá giống với bánh tráng cuốn thịt heo của người dân miền Trung, nhưng bánh tráng phơi sương có sự khác lạ bởi sự mềm, dẻo mà không cần nhúng nước, đặc biệt ăn với các loại rau rừng mang lại hương vị đặc sắc, gây ấn tượng ngay lần đầu thưởng thức.

Đi tìm chiếc bánh phơi sương Ấn tượng đó cứ đeo đuổi mãi mấy chục năm, ăn món bánh tráng phơi sương bao nhiêu lần không nhớ hết, đến nay mới có dịp về thủ phủ của món bánh tráng tráng đặc biệt này. Có nhiều sự tương truyền khác nhau về nguồn gốc của bánh tráng phơi sương, nhưng chung qui vẫn là sự cố để quên không gom bánh vào cất sau khi phơi, sáng hôm sau thấy tiếc, người dân đã dùng những bánh tráng mềm ướt bởi sương đêm, cuộn với những loại rau quanh vườn, chấm mắm ăn đỡ phí và họ bất ngờ phát hiện ra vị ngon khác biệt của bánh tráng đẫm sương, vậy là bánh tráng phơi sương ra đời từ đó.

Bằng kinh nghiệm lâu năm, chủ một lò bánh tráng phơi sương cho biết, phải chọn loại gạo phù hợp và mới nhất, xay thành bột, thêm ít muối cho bánh dẻo và đậm đà, pha nước vừa đủ. Tráng một lớp mỏng trên màn vải mỏng cách thủy, trên miệng nồi, đậy nắp cho lớp bột chín và tráng thêm lới thứ hai chồng lên, bánh có đường kính khoảng 20-25cm. Khi bánh chín, trải lên các vỉ tre phơi khô, rồi nướng. Nướng bánh là công đoạn rất quan trọng quyết định màu sắc của bánh tráng phơi sương. Bánh tráng khô được nướng ở một cái lò giống nồi nấu rượu, đặt nghiêng, bánh đều hơn khi nướng bằng than vỏ đậu phộng, trở đều tay, không chín, không phồng, chỉ nướng sơ đến khi thấy bánh tráng nổi các hạt bong bóng nhỏ trên mặt và ngả sang màu trắng đục thì dừng lại, đem phơi sương.

Việc phơi sương cũng phải dựa vào kinh nghiệm lâu đời, Tây Ninh là vùng đất ngày đầy nắng, tối ngập sương, người làm bánh nhìn thời tiết để biết thời khắc sương có đậm hay không, tùy vào mùa mà sương có thể nhiều lúc 18:00 hay vào lúc 2:00 - 3:00 sáng, mới có thể đem bánh đi phơi sương. Chờ hơi sương ngấm vào bánh trong một thời gian ngắn, sao cho bánh đủ mềm là xếp lại vào trong bao, lót thêm ít lá chuối để giữ độ mềm, xốp, không đổi màu, không cần nhúng nước trước khi dùng và phải sử dụng trong vòng một tuần.

Rau rừng hóa rau nhà Nhắc đến món bánh tráng phơi sương chắc chắn không ngon đặc sắc khi thiếu những loại rau rừng ăn kèm. Tây Ninh được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại rau rừng đặc biệt. Mỗi loại rau đều có hương vị hương vị chua, chát, thơm, ngọt...  riêng, được cuộn với bánh tráng phơi sương cùng thịt heo luộc, chấm nước mắm loại ngon, pha cùng đường, chanh, ớt, tỏi… đã ‘đốn tim’ không biết bao nhiêu thực khách.

Trước đây, muốn ăn rau rừng, người dân dậy rất sớm, đi chèo thuyền hái đọt non của những cây rừng mọc hoang ven sông Vàm Cỏ. Nhưng do nhu cầu ẩm thực các vùng miền ngày càng cao, nên lá non ven sông ngày càng hiếm, người dân Trảng Bàng đã lập vườn, mang hạt và chiết cành những loại rau rừng này mang về vườn trồng. Hiện vườn nhà ông Lê Văn Vĩ cùng các hộ dân khác, đã nhân giống và trồng hơn 20 loại rau rừng khác nhau theo tiêu chuẩn VietGAB, như: bằng lăng, rau nhái, lá cóc, đọt xoài, rau câu, rau song, lá bứa, mặt trăng, lá lụa, đọt chiết, trâm sắn… Do nguồn gốc từ các loại cây mọc hoang, nên có sức sống rất mãnh liệt, không bị sâu bọ, không phải dùng bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào. Tổ liên kết rau rừng sạch đã góp phần cung cấp rau rừng cho các nhà hàng, quán ăn bánh tráng phơi sương trên các vùng miền khác nhau.

Tầm nhìn phát triển du lịch Vừa qua, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong khi danh tiếng của bánh tráng phơi sương ngày càng vươn xa, nhưng những hộ gia đình đang làm bánh tráng phơi sương ở đây vẫn duy trì làm nghề ở mức độ kế mưu sinh đơn sơ như bao đời nay. Nếu như các cấp lãnh đạo Tỉnh Tây Ninh tìm phương án qui tụ các hộ gia đình nhỏ lẻ, lập nên một làng nghề bánh tráng phơi sương sạch sẽ, đúng chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kết hợp khu lưu trú dạng homestay, thiết kế kiến trúc đặc trưng, để có thể đón những đoàn khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm việc làm bánh, phơi bánh, nướng bánh, hái rau… và chắc chắn phải lưu trú qua đêm chờ giai đoạn phơi sương, để sáng hôm sau có thể thưởng thức ngay mẻ bánh mình làm. Thiết nghĩ đây sẽ là một trải nghiệm thú vị, một cách để nâng tầm vị thế của món bánh tráng phơi sương và thêm một lý do để níu chân khách ở lại một đêm với Tây Ninh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thương hiệu bánh canh Trảng Bàng Hoàng Minh, bò tơ Tây Ninh, trà thảo dược Hoàn Ngọc…, liên kết cùng tour tâm linh đến Tòa Thánh Tây Ninh, Núi Bà Đen, chắc chắc Tây Ninh có thêm những sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút du khách thập phương đến trải nghiệm, lưu trú không những một mà có thể lên hai đêm trong mỗi chuyến đi trong tương lai gần.