Sài Gòn, buổi sớm có cái ẩm ướt mơn man của mùa xuân, buổi trưa có cái nắng hanh hao quen thuộc và cơn mưa bất chợt lạc về, rồi buổi tối thoảng chút se lạnh gợi nhớ Cao Nguyên mùa giáp tết. Cuộc sống hiện đại không phải lúc nào cũng cho phép con người ta thả trí tưởng tượng của mình bay xa như thế. Thật hạnh phúc khi được ngồi với những người thân, sau một ngày hối hả, vồn vã theo cuộc sống, chầm chậm chờ đợi bát cháo trắng ấm áp giữa đêm Sài Gòn se lạnh.
Nguồn ảnh: xaluan.com
Nguyên liệu chính để nấu cháo là gạo và nước. Để có nồi cháo có độ sánh vừa phải, thường thì thể tích nước phải hơn gấp 3 lần thể tích gạo và một cái nồi chỉ dành cho việc nấu cháo. Bắt đầu nấu thì cần ngọn lửa rực đủ mạnh để hạt gạo được nhào lộn trong nước sôi rồi nở bung ra, rồi những ngọn lửa dịu dàng hơn để liu riu và gom góp hơi nóng đều đều cho hạt gạo được chín nhừ, nấu càng lâu thì cháo càng đặc. Đừng ham kéo dài ngọn lửa mà chỉ hầm vừa phải đến khi hạt gạo nở bung chao mình trong làn nước đục ngà của tinh chất từ hạt gạo thì vừa khéo.
Nguồn ảnh: baodatviet.vn
Một bát cháo trắng hình như chẳng có gì đặc sắc? Tất nhiên, cái hay của cháo trắng Sài Gòn không đơn giản là thế. Bởi, ăn với món cháo đơn sơ này là vô vàn những thức ăn kèm, hấp dẫn – những thứ rau dân giã, giản đơn như chính những con người lao động nơi đây. Nói là thức ăn kèm thôi, nhưng để chế biến thành công những món này cũng hết sức kỳ công và phức tạp.
Nguồn ảnh: cite.coe.edu.vn
Món được gọi nhiều nhất là cháo trắng ăn với hột vịt muối (trứng vịt muối mặn) hay hột vịt bắc thảo, trứng chiên 3 màu. Lòng đỏ được dầm ra, khuấy đều cùng với cháo, làm cho món cháo trắng bình thường chuyển màu, tỏa ra mùi ngầy ngậy, beo béo, đủ để làm ứa nước bọt người khách đang lúc đói lòng. Nếu như khách ưa hải sản thì cháo trắng có thể ăn cùng cá cơm, cá bống kho tiêu, cá cơm sấy mè, cá cơm chiên hoặc con ruốc cháy tỏi, ba khía ngào, tôm rim. Cháo ăn với thịt, có thịt kho tiêu hay các loại chà bông (ruốc) cá hoặc chà bông thịt. Như để làm cho món ăn trở nên “chay tịnh hơn”, khách cũng có thể ăn món cháo trắng với các loại dưa món, dưa mắm, cà mắm hoặc cải xá bấu xào tôm khô…
Với tôi, thích nhất là ăn kèm cháo với ba khía ngào. Gắp một miếng ba khía, cắn một miếng ba khía, húp một ngụm cháo… Ấm bụng vô cùng! Một bát cháo trắng nhưng thỏa mãn được biết bao thực khách có khẩu vị khác nhau.
Nguồn ảnh: cite.coe.edu.vn
Cả dãy quán có một cái biển mang tên chung là “Cháo trắng” nằm trên đường Lý Chính Thắng (khu Yên Đổ cũ). Trời về khuya, thực khách vội vàng tạt vào quán, gọi một tô cháo trắng mà không phải phân vân lựa chọn nhà nào, quán nào. Dãy hàng không thuộc hạng cao sang, không gian có phần hơi hẹp, khi về đêm thực khách đổ về càng nhiều. Hương thơm ngào ngạt của bát cháo nóng hổi trong cái không gian hạn chế ấy biết đâu nó lại làm cho con người xích lại gần nhau hơn. Biết đâu từ những cái va chạm khe khẽ họ sẽ quay lại nhìn nhau, mỉm cười và trò chuyện cởi mở với nhau hơn. Họ lại nhận ra nhau trong cái gu thưởng thức… Chỉ đơn giản thế thôi, hương cháo quyện trong sương đêm như níu giữ tình người. Nói thế, bất chợt trong tôi hiện lên hình ảnh bát cháo hành ngào ngạt mùi hương trong truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao – một hình ảnh thật đẹp, sâu sắc và ý nghĩa.
Sự kỳ công để tạo ra bát cháo ngon cần được đáp lễ bằng sự trân trọng của thực khách, phải thưởng thức bằng tâm hồn thì mới cảm nhận được chiều sâu của bát cháo được mời. Cháo có ý nghĩa phong phú trong cuộc sống của người Việt, dùng làm thức ăn cho người bệnh, người già, trẻ em hay có khi chỉ đơn giản là một món quà ăn… đêm cho trọn vẹn một ngày.
Theo TCMN