Chị Mai Thị Tuyết Nhung – Chủ thương hiệu Cơm Tấm Ba Sơn.
Năm 2009, gia đình chuyển qua khu vực Phú Mỹ Hưng, Quận 7 để sinh sống. Cả nhà cũng thường xuyên đi ăn bên ngoài, đặc biệt là cậu con trai lớn rất thích ăn cơm tấm. Khi ấy, xung quanh nhà chẳng có một tiệm cơm tấm nào cả, mỗi khi cả nhà muốn ăn đều phải chạy qua Quận 5. Lúc đó chị mới đặt vấn đề, tại sao mình không mở quán cơm tấm ngay khu vực mình ở tiện thể làm cơm cho cả gia đình luôn và thế là chị đã bàn với chồng về ý định mở quán. Vì chồng là người nước ngoài lại làm việc xa Việt Nam nên lúc đầu cũng can ngăn vì lo sợ không ai phụ giúp, chị thuyết phục được một thời gian thì chồng cũng ủng hộ, một phần để khỏa lấp thời gian rãnh rỗi. Có sẵn vốn kinh nghiệm và bí quyết từ gia đình nên chị mạnh dạn mở quán, từ đó cửa hàng cơm tấm Ba Sơn thành lập cho đến nay đã được hơn bốn năm.Ra ngoài chị Tuyết Nhung là người kinh doanh giỏi, về nhà chị vẫn là người phụ nữ coi trọng mái ấm gia đình.
Khi lúc đầu mở quán, thật sự có rất nhiều khó khăn, mà trong ngành ăn uống, yếu tố quyết định sự sống còn là từ phía khách hàng, họ ủng hộ là thành công và ngược lại. Mỗi người có một sở thích khác nhau và làm sao dung hòa được điều đó mới là vấn đề để phát triển lâu dài cho quán. Thời gian đầu, khi mở quán cơm tấm, xung quanh có rất nhiều người miền Bắc sinh sống và đến ăn, khi dùng xong họ phản hồi thịt nướng, xíu mại… hơi ngọt và mặn, chị suy nghĩ nhiều lắm và tìm cách giải quyết để làm hài lòng khách hàng, thế là chị quyết định giảm gia vị. Nhưng sau quyết định đó thì chị lại gặp vấn đề từ người dân Sài Gòn, họ bảo sao nhạt quá. Sau 6 tháng điều chỉnh và suy nghĩ thì chị quyết định trở lại với hương vị ban đầu như ban đầu. Chị nghĩ như thế này, cơm tấm là món ăn miền Nam và cũng là món ăn gia truyền nên hương vị phải đậm đà và riêng biệt, gia đình mình làm như thế nào thì mình để như vậy. Thời gian đầu chị phải giải thích cho mọi người hiểu và dần dần được mọi người làm quen với hương vị truyền thống và hưởng ứng tích cực. Đến thời điểm hiện tại, người miền Bắc dùng món tại quán chị khá nhiều và ổn định, không còn gặp vấn đề như trước nữa. Cơm tấm như cái hồn của người miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng vậy, phải đậm đà pha chút vị ngọt, nồng ấm tình người, chan hòa và hiếu khách.Cơm tấm được biết đến là món ăn đặc trưng của người Sài Gòn, không phân biệt đối tượng và thời gian.
Khách hàng là yếu tố quyết định Mong muốn khách hàng có nhiều sự lựa chọn khi đến quán và làm phong phú hơn thực đơn, chị nghiên cứu và bổ sung thêm một số món như: bò lúc lắc, cánh gà chiên nước mắm, bánh mì, hủ tiếu Sa Đéc… nhưng đa phần mọi người đến quán đều dùng món cơm tấm. Sau món cơm tấm thì hủ tiếu là món chị tâm đắc thứ hai, vì đây chính là món xuất phát từ quê hương của chị - Sa Đéc, Đồng Tháp. Có những vị khách từ Tân Bình, Tân Phú, thậm chí là khách vừa đáp chuyến bay là đến thẳng quán để quán dùng ngay. Để hoàn thành một hủ tiếu đến người ăn, chị phải nhập nguyên vật liệu từ quê nhà. Sợi hủ tiếu được một hộ làm thủ công truyền thống ở Sa Đéc thực hiện, từ việc xay bột, tráng bánh cho đến phơi nắng hoàn toàn được làm tự nhiên, không thêm một chất phụ gia nào và chỉ làm số lượng nhất định. Để đảm bảo sợi hủ tiếu luôn tươi mới, nên cách hai hôm chị nhập lên Sài Gòn một lần và mỗi ngày chỉ nấu theo số lượng nhất định. Vì sợi hủ tiếu được làm thủ công nên đôi khi trời mưa không thể sản xuất được. Có trường hợp vị khách từ xa đến chỉ muốn dùng hủ tiếu nhưng đành ngậm ngùi ngùi dùng món khác vì không có nguyên liệu để nấu. Nhìn hình ảnh ấy, chị lấy làm tiếc vì không đáp ứng được hết khách của mình nhưng không vì thế mà phải thay thế nguyên vật liệu từ nơi khác.Từng miếng thịt sườn được chính chị Tuyết Nhung ướp theo truyền thống gia đình mang hương vị đặc trưng đặc biệt.
Nếu nói đến vấn đề làm sao để giữ chân khách hàng trong 4 năm thì thật sự, theo chị phải nói đến là tính ổn định. Ổn định ở vị, ở giá tiền và từ khách hàng. Vị truyền thống nên lúc nào cũng như nhau cho dù là sáng hay chiều, hôm nay cũng như hôm qua vẫn không thay đổi. Ngay cả nguyên vật liệu mình phải kiểm tra nguồn gốc rõ rang để quy trình làm ra món ăn mới đảm bảo chất lượng, tươi ngon và sạch sẽ. Người tiêu dùng rất thông minh, họ ăn cái gì là biết trong đó có gì và nấu ra sao liền. Món ăn họ dùng phải tương xứng với số tiền họ bỏ ra nếu không khó mà có thể níu chân họ lại lần thứ hai. Điều may mắn nhất đối với chị là từ khi mở quán, khách đến ủng hộ và truyền miệng giới thiệu với nhiều người về sự có mặt của cơm tấm Ba Sơn rất nhiều. Nhận được sự phản hồi tích cực từ khách hàng, cho dù mệt đến đâu chị cũng an lòng.Đội ngũ nhân sự của Cơm Tấm Ba Sơn luôn nỗ lực, cố gắng vì sự hài lòng của khách hàng.
Nói thật trong kinh doanh ngành ăn uống, ý kiến đóng góp từ phía khách hàng là yếu tố sống còn để quyết định tính lâu dài cho một thương hiệu. Chị rất vui khi khách hàng dùng món khi gặp vấn đề gì liên quan đến món, nhân viên phục vụ đều được phản hồi ngay lập tức đến chị. Khi tiếp nhận những thông tin từ khách hàng, việc đầu tiên chị phải xem lại nhân viên phục vụ nếu như ý kiến khách hàng đúng như phản ánh thì giải quyết khắc phục liền lập tức, còn nếu như nguyên nhân đó khách quan thì việc cần làm lúc này là giải thích cho khách hiểu tại sao như thế, tránh tình trạng khách hàng có khuất tất dẫn đến ảnh hưởng đến bữa ăn. Tự nhận là người “tham lam” Trong kinh doanh, không thể tránh khỏi những khó khăn ban đầu, chưa gần gũi khách hàng, tiếp nhận và rút kinh nghiệm dần đó là thứ mình cần làm, không phải ai làm đều thành công cả, nếu món ăn ngon nhưng cách phục vụ tệ thì cũng mất khách và ngược lại. Khi mở quán được một thời gian thì xung quanh xuất hiện những cửa hàng ăn uống khác, có cả thương hiệu cơm tấm lớn ở Sài Gòn mở chi nhánh cạnh bên quán nhưng khách hàng vẫn luôn ủng hộ cơm tấm Ba Sơn. Chị lấy điều đó làm niềm vui, hãnh diện mà tiếp tục mang đến sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn nữa. Là một người phụ nữ trong gia đình đứng ra kinh doanh bữa ăn hàng ngày cho mọi người nên chị rất tâm đắc món ăn của mình làm ra. Quán cơm như căn bếp của mình, cùng ăn với khách ngày qua ngày nên mình sẽ hiểu khách hàng đang nghĩ gì và cảm nhận như thế nào, nếu có vấn đề thì mình khắc phục ngay liền.Chị Tuyết Nhung: “Thuyết phục khách hàng mua hàng đã khó giữ họ còn khó hơn gấp nhiều lần”.
Đã làm kinh doanh thì tham vọng ai cũng có, nói thẳng ra ai chẳng ham muốn có lãi to, nhưng người phụ nữ lại bị hạn chế ở vấn đề gia đình bởi làm sao trọn vẹn cho đôi bên, vừa kinh doanh tốt vừa chu toàn cho gia đình. Chị không giấu chị là một người tham lam, tham lam ở đây khi mới lập quán, chị đặt mục tiêu phải thành công trong kinh doanh nhưng song song đó phải chăm lo gia đình nên có một thời gian chị áp lực trong vấn đề đó nhưng hiện tại chị đã dần thích nghi và ổn định. Chị có hai đứa con và chị xem cửa hàng là đứa con thứ ba, do đó việc cần làm là phải phân bổ thời gian sao cho đều. Mỗi ngày, việc đầu tiên là lo cho hai con ăn sáng rồi đi học sau đó mới ra cửa hàng. Chị xem công việc kinh doanh là niềm vui, có hơi cực một tí cũng vui bởi chị yêu món cơm tấm như sức sống của mình vậy. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thương hiệu cơm tấm khác nhau, mỗi cửa hàng đều có đối tượng nhất định. Với cơm tấm Ba Sơn, chị cũng đã nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác trong và ngoài nước về việc mở rộng thương hiệu Cơm Tấm Ba Sơn. Vì thế, chị mong muốn phát triển hệ thống nhưng phải đảm bảo sự đồng nhất và chất lượng sản phẩm. Mô hình nhượng quyền thương hiệu có thể giải quyết được vấn đề đó và chị cũng đang hướng đến, để một lần nữa món ăn thuần túy đặc trưng của người Sài Gòn được vang danh, vươn xa hơn thậm chí ra khỏi đất nước Việt Nam như món bánh mì hoặc phở đã làm được. Là một người phụ nữ vừa chăm sóc gia đình vừa kinh doanh, chị Mai Thị Tuyết Nhung đã và đang giữ lửa niềm tự hào truyền thống gia đình. Sự thành công đến với chị không dễ dàng, phải chăng vốn kiến thức và kinh nghiệm từ gia đình là thứ duy nhất chị có được.Bài: Hùng Lĩnh
Ảnh: Hoàng Tiến - Tấn Phạm