Đặc sắc lễ hội Tết ở Sài Gòn.

Đường hoa Nguyễn Huệ

Không những là một nét đẹp văn hóa, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân Thành phố, đường hoa Nguyễn Huệ còn là niềm vui, niềm kiêu hãnh của Kiều bào và du khách nước ngoài vào dịp Tết truyền thống. Bắt đầu từ năm Giáp Thân 2004, đến nay cứ mỗi độ xuân về, du khách thập phương và người dân Thành phố lại được chứng kiến một trời hoa sặc sỡ sắc màu chạy dài như vô tận. Những nghệ nhân tài hoa nhất đến từ mọi miền đất nước đã mang đến cho Thành phố mang tên Bác một Việt Nam thu nhỏ thông qua những tác phẩm mang tính dân tộc và truyền thống. Từ những chiếc cầu tre lắc lẻo, những mục đồng chăn trâu đến những hàng tre xanh cao vút. Du khách nước ngoài có thể hiểu biết thêm về đời sống nhẹ nhàng, gần gũi của người dân Việt Nam.

Trong suốt những năm qua, đường hoa Nguyễn Huệ với sự giúp sức của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đã trở thành nét văn hóa – du lịch đặc trưng thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thành phố, một nét văn hóa ngang tầm khu vực. Đường hoa Nguyễn Huệ còn thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn và lòng nhân ái nghĩa tình sẽ chia vào cuối năm âm lịch của nhân dân Thành phố. Trong dịp Tết Nguyên Đán 2010, đường hoa Nguyễn Huệ với chủ đề Xuân Bình Minh nhằm nối tiếp tinh thần các chủ đề Hội nhập và phát triển, Trên đường hội nhập, Ra khơi, Vượt sóng, Vững tin của đường hoa trong các năm trước. Bình Minh – khi ánh dương dần tỏ rạng, mang ý nghĩa thể hiện tính lạc quan của kinh tế xã hội Thành phố. Các phân đoạn trang trí đã được lên một cách khá chi tiết để có thể chuyển tải chủ đề Bình Minh: Vầng thái dương (Khu công viên Tượng đài Bác Hồ), Xuân yêu thương (Vòng xoay cây liễu đến Mạc Thị Bưởi), Bình minh tụ hội (khu vực Đồng hồ trước Sunwah Tower), Sức mạnh đoàn kết (từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến Ngô Đức Kế), Góc quê hương (từ Ngô Đức Kế đến Hải Triều) và Hướng về Thăng Long (từ đường Hải Triều đến Tôn Đức Thắng). Trong đó, Vầng thái dương là hàng chục chậu mai quý cùng hàng trăm nhánh lan Mokara, phần nền là các sắc hoa tông màu vàng đỏ với bố cục vuông tròn, tượng trưng cho hình ảnh bánh chưng, bánh dày truyền thống. Xuân yêu thương với đại cảnh là Đôi hồ bên góc cổ thụ vừa uy nghi, dũng mãnh, vừa an bình, hạnh phúc. Bình minh hội tụ sẽ là khối gương lớn tạo nên cảm giác sự nhân đôi về không gian, những màu sắc sặc sỡ và cả những du khách khi đi qua khu vực này. Trong khi đó, sức mạnh đoàn kết được mở đầu bằng đồi hoa khổng lồ, du khách sẽ được tận hưởng thêm sự khéo léo của các nghệ nhân khi tạo ra những bông hoa khổng lồ bằng những chất liệu quen thuộc, truyền thống kết hợp với hiện đại như: mica, gốm, đá… Một không gian xanh của những cánh có, ô ruộng, những đồi rơm vàng óng ả và cả những chiếc gùi bắp nặng trĩu là nét để nhận biết Góc quê hương.

Rộn rã cùng tình yêu thương, cùng nhau hội tụ về thể hiện tình đoàn kết, gắn bó keo sơn của cả dân tộc, cùng ôn lại những kỷ niệm và nhắc nhở con cháu về nguồn gốc cha ông, ở đoạn kết với chủ đề Hướng về Thăng Long như một sự chung vui niềm vui lớn của dân tộc. Chúc thủ đô Hà Nội 1.000 năm tuổi với sức sống mới, thành công mới và thắng lợi mới. Được mở đầu là những chiếc trống đồng và hoa. Kết thúc là hình ảnh sóng hoa Hướng về Thăng Long.

Được trưng bày suốt trục đường Nguyễn Huệ, phối âm thanh hài hòa, tôn vẻ đẹp của không gian xanh, Tết âm lịch Canh Dần năm nay sẽ là lễ hội thật sự không chỉ của người dân Thành phố mang tên Bác, của người dân Việt Nam mà còn của cà những du khách đến từ khắp nơi trên thế giới.

Lễ hội Tết ở Sài Gòn

Được tổ chức lần đầu tiên trong Tết Kỷ Sửu 2009, Ngày hội Bánh tét đã dần thay thế cho lễ hội bánh tét kỷ lục trong những năm trước đó khi nhận được sự tham gia hào hứng, nhiệt tình của các quận, huyện và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố cùng chính quyền địa phương ngay trong lần đầu tổ chức. Sự kiện càng thêm ý nghĩa khi sau hội thi đã có trên 10.000 đòn bánh tét cùng các quà tặng được chính quyền các địa phương cùng Ban tổ chức trao tặng cho các cá nhân tại các mái ấm nhà mở, các hộ gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Tiếp nối thành công trên, trong dịp Lễ hội Tết Canh Dần 2010, Ngày hội Bánh tét sẽ được thực hiện một cách quy củ hơn, trong đó bao gồm các sự kiện nổi bật: Hội thi nấu Bánh tét, Lễ dâng cúng Bánh tét, chương trình trao tặng Bánh tét. Hội thi sẽ được thực hiện vào ngày 11/02/2010 (nhằm ngày 28 tháng Chạp).

Bên cạnh đó, chương trình Phố tỏa sáng cũng được thực hiện trong dịp Tết Nguyên Đán khi trang trí ánh sáng đèn tại một số trục đường chính tại trung tâm Thành phố. Nếu như trong dịp Tết Dương Lịch, Phố tỏa sáng mang nét hiện đại song hành cùng đường hoa Nguyễn Huệ thì trong dịp Tết Nguyên Đán 2010, Phố tỏa sáng mang đậm nét truyền thống với thiết kế khai thác nghệ thuật hoa đăng Việt Nam độc đáo. Cổng chào đường Lê Lợi sẽ là 4 bộ hoa đăng hoành tráng về Cọp – linh vật của năm Canh Dần, cổng chào đường Đồng Khởi là 4 bộ hoa đăng về tranh Tết Việt Nam… Khách du xuân sẽ hòa nhập với không gian lung linh sắc màu, ấm cúng, rực rỡ và gần gũi với bản sắc văn hóa Việt trong những dịp Tết đến, Xuân về.

Chỉ đạo tổ chức: UBND Tp.HCM

Chủ trì phối hợp thực hiện: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)

Tài trợ đặc biệt: Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát.

Tài trợ chính: Công ty Cổ phần Đầu tư An Đông, Công ty CP Đầu tư Quảng Trường Thời Đại, Công ty CP Đại Trường Sơn, Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương, Công ty TNHH Thời Trang & Mỹ phẩm Duy Anh, Công ty CP Kinh Đô, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty Liên Doanh Nhà Máy Bia Việt Nam.

Đồng tài trợ: Công ty DVLH saigontourist, Công ty TNHH Một Thành Viên DVDL Phú Thọ, Công viên Văn hóa Đầm Sen, Làng Du lịch Bình Quới.

Bảo trợ thông tin: Đài Truyền hình Tp.HCM, Báo Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Doanh Nhân Sài Gòn, Người Lao Động, Phụ Nữ Tp.HCM, Saigon Times Group, Sài Gòn Tiếp Thị, Vietnam News.