Sáng 8/11/2024, Vườn quốc gia Cát Tiên đã phối hợp với các Chi cục kiểm lâm tổ chức Hội thảo nhằm đánh giá thỏa ước hợp tác bảo tồn cứu hộ động vật hoang dã. Hơn 100 đại biểu đến từ các Chi cục kiểm lâm, khu bảo tồn, vườn quốc gia cùng các đơn vị hữu quan đã tham gia sự kiện.
Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Huỳnh Dương Bảo – VQG Cát Tiên
Trong quá trình hợp tác bảo tồn cứu hộ giữa Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên với các Chi cục kiểm lâm, Vườn đã ký kết hợp tác với 24 Chi cục kiểm lâm trong khoảng thời gian không quá dài (từ ngày 10/9/2021 đến ngày 18/8/2023) và cho đến nay, đã mang lại những kết quả rất hữu ích. Theo bác sĩ thú y Nguyễn Thế Việt, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (VQG Cát Tiên), hàng nghìn cá thể động vật hoang dã đã được cứu hộ và tái thả thành công tại VQG Cát Tiên , trong đó hơn 100 cá thể linh trưởng nguy cấp như: Vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae), Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), Cu li lớn (Nycticebus coucang), Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus), khỉ các loại…
Bác sĩ thú y Nguyễn Thế Việt, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (VQG Cát Tiên), phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Huỳnh Dương Bảo – VQG Cát Tiên
Trong thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến công tác bảo tồn linh trưởng. Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua kế hoạch hành động bảo tồn linh trưởng nguy cấp quý hiếm giai đoạn 2021 -2025 và tầm nhìn 2030. Các hoạt động cứu hộ bảo tồn linh trưởng được thực hiện trên cơ sở nguồn lực từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, quá trình hợp tác trong nước và quốc tế cũng đã huy động được rất nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn các loài linh trưởng.
VQG Cúc Phương, một trong những đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực hợp tác với các đối tác quốc tế, đã thực hiện và triển khai dự án “Chương trình bảo tồn VQG Cúc Phương” và mới nhất là dự án “Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam”. Trong báo cáo Cứu hộ, bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam, kết quả và bài học kinh nghiệm tại Hội thảo, ông Lê Phương Triều, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, nhấn mạnh đến giải pháp đề xuất Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT, Chính phủ thành lập 3 trung tâm cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã vùng (hoặc quốc gia). Các trung tâm được xây dựng ở Bắc - Trung – Nam để cứu hộ động vật hoang dã ở 3 miền, tạo thuận lợi cho công tác cứu hộ và tái thả động vật sau cứu hộ.
Hơn 100 đại biểu đến từ các Chi cục kiểm lâm, khu bảo tồn, vườn quốc gia cùng các đơn vị hữu quan đã tham gia hội thảo. Ảnh: Huỳnh Dương Bảo – VQG Cát Tiên
Việc xây dựng các khu bán hoang dã có diện tích lớn tại các khu phục hồi sinh thái tại VQG hoặc khu bảo tồn thiên nhiên cũng sẽ là giải pháp phù hợp trong việc khôi phục các loài động vật hoang dã, đồng thời kiểm soát hiệu quả quần thể của các loài trong phạm vi nhất định và đảm bảo an toàn khi được bảo vệ tốt.
Tại Hội thảo, đại diện các Chi cục kiểm lâm đã có dịp trao đổi về các công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã tại các trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; hợp tác kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị thú y và tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ; thiết kế và xây dựng các chuồng nuôi cứu hộ động vật; tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ động vật; bảo đảm an toàn cho môi trường làm việc và phúc lợi của nhân viên chăm sóc động vật; xây dựng các chương trình nghiên cứu, điều tra phục vụ công tác bảo tồn các loài thực vật quý, hiếm tại các VQG.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Huỳnh Dương Bảo – VQG Cát Tiên
Đại diện các Chi cục kiểm lâm cũng đã nêu lên những thuận lợi trong công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã như: công tác tuyên truyền ngày càng hiệu quả, ý thức bảo vệ động vật hoang dã của cộng đồng ngày càng được nâng cao, nhiều trường hợp người dân tự nguyện giao nộp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cho cơ quan chức năng để cứu hộ, tái thả về môi trường tự nhiên; văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động quản lý gây nuôi động vật hoang dã từng bước được hoàn thiện tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt công tác quản lý các cơ sở nuôi.
Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc vẫn tồn tại cần được tháo gỡ như: công tác tiếp nhận các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm do người dân tự nguyện giao nộp, nhất là các loài linh trưởng hiện nay gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và bàn giao để tổ chức thả về môi trường tự nhiên, do không có đơn vị chịu tiếp nhận; cơ quan kiểm lâm không có đủ cơ sở vật chất để nuôi dưỡng, bảo quản động vật, đặc biệt khi tiếp nhận một lúc nhiều loài, nhiều cá thể; lực lượng kiểm lâm chưa được tập huấn về quy trình tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng động vật hoang dã, đặc biệt khi tiếp xúc các loài hung dữ, có độc như rắn hổ mang, khỉ, mèo rừng…; chưa có quy định về hồ sơ khi tổ chức, cá nhân tự vận chuyển động vật rừng đến giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; công tác xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính là động vật hoang dã hiện gặp khó khăn do không có khung giá cụ thể; thành lập hội đồng định giá để xác định giá trị mẫu vật chủ yếu là tham khảo thị trường, tính chính xác chưa cao.
Các đại biểu tham quan Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Đảo Tiên (VQG Cát Tiên). Ảnh: Huỳnh Dương Bảo – VQG Cát Tiên
Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở, chân thành với nhiều bài tham luận, các ý kiến đóng góp quý báu, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển hợp tác bảo tồn cứu hộ động vật hoang dã. Nhân dịp này, các đại biểu cũng đã có dịp trải nghiệm tour xem thú đêm, tham quan Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Đảo Tiên (VQG Cát Tiên).
Nam Anh