Điểm danh 10 món lẩu không thể không ăn vào mùa mưa Sài Gòn

Món ăn nóng sốt, ngon lành và có thể chiều lòng kể cả thực khách khó tính nhất này có rất nhiều “phiên bản” khác nhau mà mỗi “phiên bản” đều khiến người ăn nhớ mãi. Cùng điểm danh 10 món lẩu “hot” nhất Sài Gòn nhé.

1. Lẩu Thái Lan

20150617-011005-1600x399

Lẩu Thái Lan “phiên bản Việt” ít cay và không hoàn toàn giống với lẩu Thái Lan “chính gốc” nhưng vẫn là lựa chọn số một cho những ngày mưa hay trời se lạnh. Với những nguyên liệu chính là tôm, thịt bò, mực, cá được nhúng vào nồi nước lẩu nóng hổi cùng nhiều loại rau như rau muống, rau nhút, bắp chuối… ăn kèm với bún hoặc mì, lẩu Thái Lan chua cay không bao giờ làm người ăn cảm thấy ngán.

 

2. Lẩu cá kèo

20150617-011018-2600x399

Lẩu cá kèo là một món đặc sản của miền Tây sông nước rất được lòng người Sài Gòn. Nước lẩu cá kèo có vị thanh thanh như món canh chua, đôi lúc hơi ngọt theo khẩu vị của người miền Tây. Cá kèo được thả nguyên con vào nước lẩu nóng nhưng không hề tanh mà trái lại còn mang lại vị ngọt và hơi đắng đặc trưng do mật cá. Ăn kèm với các loại rau như rau nhút, bắp chuối bào sợi và đặc biệt không thể thiếu lá giang – một loại lá có vị chua, mọc nhiều ở miền Trung và miền Nam, lẩu cá kèo cũng là một món không thể thiếu cho một đêm Sài Gòn ẩm ướt.

 

3. Lẩu riêu cua bắp bò

20150617-011029-3600x388

Đã có lẩu Thái Lan làm “rạng danh” đất Thái, lẩu cá kèo đặc trưng cho miền Tây Nam Bộ thì lẩu riêu cua bắp bò là một đại diện “đáng gờm” của đất Bắc tại Sài Gòn. Một nồi lẩu riêu cua bắp bò “đúng chuẩn” gồm có thịt bắp bò tươi ngon, giò tai, chả cá rán, đậu hũ chính gốc miền Bắc và không thể thiếu một chén riêu cua thơm mềm để khách có thể thêm vào nồi lẩu hoặc cho luôn vào chén để thưởng thức.

 

4. Lẩu mắm

20150617-011039-4600x447

Lẩu mắm là sản phẩm của sự giao thoa văn hoá ẩm thực giữa người Khmer bản địa, người miền Trung và miền Nam khẩn hoang. Món này khiến người ta không thể nào quên nhờ vào nước lẩu đặc trưng mà đơn giản: nước lèo mắm chưng, thường là mắm cá sặc, mắm lóc, mắm linh, mắm phèn. Ngoài ra, vì là món ăn giao thoa giữa 3 miền văn hóa có tính chất địa lý khác nhau nên nồi lẩu rất “đông vui” với đủ thứ nguyên liệu từ biển cả, ao hồ, ruộng đồng sông ngòi như cá, tôm, cua, mực, thịt bò, heo và đặc biệt các nhiều loại rau rất đa dạng.

 

5. Lẩu dê

20150617-011050-5600x399

Lẩu dê chắc chắn không phải là một món quá xa lạ với người Sài Gòn. Mặc dù màu sắc và bài trí của món lẩu này không bắt mắt như lẩu Thái hay lẩu mắm nhưng món nước béo và bùi cùng những nguyên liệu bổ dưỡng như củ sen, đậu bắp, khoai môn,… cũng đủ để món này “ghi điểm”. Ngoài ra, thịt dê ăn lành, có mùi vị thơm ngon, tác dụng bổ dưỡng, giữ ấm rất tốt nên thật khó chối từ lẩu dê vào mùa lạnh.

 

6. Lẩu sa tế

20150617-011104-6600x399

Với món lẩu sa tế, nguyên liệu chính có thể là thịt bò viên hoặc hải sản. Nước lẩu có màu đỏ bắt mắt nhờ sa tế cùng mùi sả cay nồng hấp dẫn, khi thả những viên thịt bò, lát thịt bò hoặc hải sản vào và hít hà mùi thơm bốc lên trong khi chờ chúng chín dần bên cạnh màu xanh tươi ngon của cải thảo, cải bẹ xanh, bạn sẽ thấm câu “đợi chờ là hạnh phúc” hơn bao giờ hết.

 

7. Lẩu cua

20150617-011115-7600x448

Để có một nồi lẩu cua hoàn hảo, nhất định phải có cua biển to và tươi ngon nhất. Ngoài ra, những con cua đồng còn đóng một vai trò quan trọng quyết định độ ngon ngọt của nước lẩu. Những con cua đồng to bằng cườm tay được rửa sạch, tách yếm, lấy gạch cua để riêng, sau đó giã nhuyễn cua, cho vào nồi và thêm ít muối, đường vào nấu sôi. Sau đó khuấy nhẹ cho riêu cua kết lại, vớt để riêng ra bát, phần nước được sử dụng làm nước lẩu. Nồi nước lẩu dậy mùi thơm từ hành phi, sả băm, màu đỏ từ cà chua, cùng ít màu gạch cua trông rất đẹp mắt. Rau để ăn với món lẩu cua biển không thể thiếu mướp hương (tạo thêm vị ngọt thanh cho nước lẩu), mồng tơi, hoa chuối, rau muống... ăn cùng với bún, kèm chén nước mắm mặn và ít ớt cắt khoanh.

 

8. Lẩu cá bóp

20150617-011126-8600x400

Lẩu cá bóp cũng là một món lẩu nhận được sự ưu ái của dân Sài Thành bởi nguyên liệu chính là cá bóp – một loài cá biển thịt dai, săn chắc và đạt độ ngọt hoàn hảo. Cá bóp được xào sơ qua với tỏi phi trước khi được thả vào nồi lẩu. Tương tự như lẩu cá kèo, nước lẩu cá bóp cũng được nấu như món canh chua. Lẩu cá bóp thường ăn kèm với bún tươi, các loại rau sống như bắp chuối, rau muống bào, giá tươi cùng chén nước mắm ớt nguyên chất.

 

9. Lẩu gà lá giang

20150617-011145-9600x402

Lẩu gà cũng là một món lẩu tương đối đơn giản. Nước lẩu gà phải được nấu nguyên chất bằng xương lợn và xương gà, không cho thêm vị chua ngọt vì khi nhúng lá giang, bắp chuối sẽ không ngon. Đặc biệt lá giang cũng phải được cho vào nồi ngay từ đầu chứ không phải để nhúng như các loại rau khác bởi lá giang sẽ tiết ra vị chua hòa quyện cùng vị ngọt tự nhiên của các loại xương và thịt gà. Bên cạnh những món rau “căn bản” cho mọi nồi lẩu như cải xanh, rau đắng, rau muống thì bắp chuối là một “nhân vật” không thể “vắng mặt” trong nồi lẩu gà lá giang.

 

10. Lẩu đầu cá hồi

20150617-011200-10600x396

Cá hồi béo, ngọt thịt và đầu cá hồi cũng là một nguyên liệu tuyệt vời để nấu lẩu chứ không phải để vứt đi như những loài cá khác. Một nồi lẩu đầu cá hồi hấp dẫn phải đảm bảo các yếu tố: nóng, ngọt, béo, cay, chua với màu sắc bắt mắt từ nước lẩu và các loại rau tươi xanh ăn kèm.

 

Theo: www.yan.vn