Điểm du xuân lý tưởng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Sơn Trà thắng cảnh bao la

Trước sông sau núi rừng kề một bên”

Là một điểm chấm cuối cùng kết thúc dãy núi Trường  Sơn (Bắc), Sơn Trà hiện lên thật uy nghi, lộng lẫy giữa phong cảnh sơn thủy hữu tình, được ví như buồng phổi xanh của đô thị Đà Nẵng. Với hơn 100 loài động vật, trong đó có những loài linh trưởng quý hiếm và những động vật khác. Là một trong những nơi còn có rừng nguyên sinh, cây cối bao phủ một màu xanh bát ngát và những hệ thực vật phong phú… Đó là những điểm nổi bật mà du khách không thể bỏ qua khi đến thăm Khu bảo tồn Rừng đặc dụng quốc gia hay còn gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Khi Tết đến, xuân về rời xa những phố phường tấp nập để hòa mình vào với thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình – đó thật sự là một kỉ niệm khó quên, một mùa xuân đặc biệt.

Sơn Trà gồm 3 ngọn núi nhô cao, ngọn phía Đông Nam trông như hình con Nghê vươn mình ra biển nên gọi là ngọn Nghê, ngọn phía Tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu nên gọi là ngọn Mỏ Diều và ngọn phía Bắc vươn đến phía cửa biển dài như cổ ngựa gọi là ngọn Cổ Ngựa. Bán đảo Sơn Trà còn có tên là núi Tiên Sa gắn liền với truyền thuyết cảnh đẹp nơi đây đã quyến rũ các nàng tiên trên trời xuống đây để du chơi, thưởng ngoạn. Còn dân địa phương gọi núi Sơn Trà là Sơn Chà bởi theo họ ngọn núi này có nhiều loài chà vá chân nâu. Từ đỉnh Sơn Trà có thể nhìn bao quát toàn bộ Vịnh Đà Nẵng với những bãi cát đẹp như tranh như: Bãi Bang, Cổ Ngựa, Bãi Xếp, Bãi Bụt… và Cảng Tiên Sa.

 Khi mùa xuân đến, toàn cảnh Bán đảo Sơn Trà tựa như cô thiếu nữ đang tuổi xuân thời khoe sắc như vẫy gọi du khách thập phương. Những màn sương mờ ảo, khuất xa xa là màu xanh bạt ngàn của sông núi nơi đây làm cho du khách như lạc vào chốn thần tiên.

 Thuộc địa phận Xã Hòa Ninh – Huyện Hòa Vang, khu du lịch Bà Nà – Suối Mơ lại mang đến cho du khách một cảm giác rất riêng mà ít nơi nào có được. Tại đây, du khách luôn có cảm giác như xuân về bởi không khí mát mẻ và dễ chịu. Với hệ động thực vật phong phú, Bà Nà nổi tiếng là khu du lịch sinh thái của thành phố nằm bên bờ sông Hàn thơ mộng. Trong đó, có loài hoa mà du khách chỉ tìm thấy ở Bà Nà là hoa Đào Chuông và những loài được đưa vào sách đỏ: Trầm Hương, Cẩm Lai, Sến mật, Kim giao, Gụ Lau… Đến với Bà Nà, ngoài việc được tận hưởng không khí trong lành của núi rừng mà du khách còn được biết thêm nhiều điều mà trước nay mình chưa nghe đến. Nằm ở độ cao 1487m so với mực nước biển, cầu treo Bà Nà, các di tích cũ của Pháp, đỉnh Nghinh Phong… đặc biệt nơi được mệnh danh là Thiên hạ đệ nhất hùng quan – đồi Vọng Cảnh sẽ đưa du khách có một chuyến du xuân thú vị. Là ranh giới tự nhiên giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế và được mệnh danh, đồi Vọng Cảnh không chỉ được biết đến qua du lịch mà không ít nhà văn, nhà thơ đã “phải lòng” với nơi này

 “Chiều chiều mây phủ Ải Vân

Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn”.

 Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố Đà Nẵng từ trên cao, đèo Hải Vân, dãy núi Trường Sơn, vịnh Đà Nẵng, bên cạnh là ngọn Sơn Trà được ví như tấm bình phong chắn gió bão cho thành phố Đà Nẵng, danh thắng Ngũ Hành Sơn và xa xa là sông Thu Bồn, Hội An, đảo Cù Lao Chàm… tất cả như thu vào trong tầm mắt. Bà Nà còn lưu giữ những dấu tích cách đây hàng trăm năm qua các biệt thự, hay phát hiện thêm những loại cây rừng trong hệ thực vật chỉ có ở những núi cao sẽ làm cho du khách có một chuyến du xuân thật sự khó quên và ý nghĩa.

Rời núi rừng còn hoang sơ và phong phú về hệ động thực vật của thành phố Đà Nẵng, du khách sẽ tìm đến nơi lưu giữ những dấu tích của dân tộc Chăm. Với những tác phẩm điêu khắc Chăm được thu thập từ cuối thế kỷ 19 từ những người Pháp yêu khảo cổ học và những người Việt Nam. Và ý tưởng xây ở Đà Nẵng một nhà bảo tang cho các tác phẩm điêu khắc Chăm đã manh nha từ năm 1902 và tòa nhà đầu tiên của bảo tàng được chính thức hoàn thành 17 năm sau đó. Toàn bộ tòa nhà và phong cách kiến trúc ban đầu của bảo tàng vẫn còn lưu giữ lại cho đến ngày nay mặc dù đã qua hai lần mở rộng quan trọng. Là nơi trưng bày, lưu giữ những hiện vật mới được thu thập, khai quật về văn hóa Chăm: trang phục, nhạc cụ và hình ảnh lễ hội của đồng bào Chăm. Năm mới, ngoài may mắn, hạnh phúc và thành công mới, du khách vui xuân ở bảo tàng Chăm còn được biết thêm nhiều điều về văn hóa của người Chăm xưa và nay.
 
 
Sẽ thật thiếu sót nếu như đến Đà Nẵng mà không ngắm sông Hàn – dòng sông dài khoảng 10km chảy dài từ phía Tây Nam ra hướng Bắc, gồm 3 nhánh sông chính: sông Vĩnh Điện, sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò. Sông Hàn chảy ngang giữa lòng thành phố, đóng vai trò quan trọng với việc phát triển du lịch địa phương. Theo nhiều giả thuyết khác nhau, sông Hàn cũng có nhiều xuất xứ khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, người ta gọi là sông Hàn bởi khi đứng từ thượng nguồn nhìn theo dòng sông ra biển, thấy nó như bán đảo Sơn Trà chắn lại, nên gọi là Hàn. Còn theo người dân địa phương, thì con sông này khi chảy ra đến cửa, về mùa đông sóng từ vịnh, biển đập vào đã mang phù sa bồi đắp cửa sông lại nên người ta gọi là sông Hàn. Ngoài ra còn có truyền thuyết cho rằng khi người Hải Nam vào Hội An buôn bán dọc theo dông, họ thấy những cư dân địa phương làm chỉ một nghề là cào nghêu, cào hến. Vì sự bất đồng ngôn ngữ họ cứ gọi đó là dòng sông nghêu, sông hến mà theo tiếng Hải Nam, hến đọc là Hàn. Có rất nhiều lý giải khác nhau nhưng dù nó xuất phát từ đâu thì ngày nay sông Hàn vẫn là một phần không thể thiếu khi nhắc đến Đà Nẵng và càng không thể bỏ qua đối với du khách khi đến du xuân tại thành phố xinh đẹp này.

Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí