Món đầu tiên là dimsum (phát âm: điểm sấm) của người Hoa, tiếng Việt gọi là điểm tâm. Đây không phải là một món ăn, mà bao gồm rất nhiều món ăn nhẹ hợp lại. Có thể chia làm vài loại như: cảo, bánh bao, các loại bánh cuốn, các loại bánh ngọt, các loại thịt viên, chân gà chưng và cả cháo. Cũng có thể phân loại theo cách chế biến như chưng, hầm, chiên, nướng, hấp. Các món ngọt thì có bánh tart trứng, rau câu xoài… Tuỳ theo quán mà sẽ có những món riêng biệt.
Điểm tâm không phải là một món ăn, mà bao gồm rất nhiều món ăn nhẹ hợp lại
Ban đầu người ta chỉ dùng dimsum buổi sáng, nhưng hiện nay dimsum được phục vụ cho đến quá trưa và cho cả bữa khuya. Ở TPHCM thì việc ăn dimsum tương đối dễ dàng, vì phần lớn người Hoa ở đây là con cháu của những người di cư từ vùng nói tiếng Quảng Đông. Ngoài các trà quán của người Hoa ở Q.5 còn có những quán ăn, nhà hàng Hoa như Tân Hào Phong, Ngân Đình, Đại Thống, Hoàng Long với giá cả thường được tính theo số lượng đĩa dimsum. Ăn dimsum đúng kiểu thì các món hấp phải được phục vụ trong những giỏ tre nghi ngút khói này, mùi bánh thơm lừng quyện với mùi tre mộc mạc làm dậy khẩu vị của thực khách. Cảnh thường thấy trong những quán dimsum là các giỏ tre xếp thành chồng tại các bàn ăn.
Bánh còn nóng được phục vụ trong các giỏ tre |
Phần đặc biệt mang tính văn hoá đậm nhất của việc đi ăn dimsum là uống trà vì đúng ra, dimsum chỉ là từ để chỉ tập hợp các món ăn, còn ‘yam cha’, ẩm trà, mới là từ dùng đúng cho cả bữa ăn bao gồm các món dimsum dùng kèm với trà này. Để đúng điệu thì uống trà bửu lị (trà nóng sủi tăm), ngoài ra còn có trà bông cúc hay trà Ô Long.
Một món điểm tâm khác có thể gọi là bản sắc riêng của Sài Gòn - TPHCM đó món cơm tấm.
Nước mắm ăn cơm tấm phải hơi ngọt với chút tỏi cho thơm |
Người Sài Gòn ăn cơm tấm cả sáng trưa chiều tối, nhưng phổ biến và đặc biệt là ăn cơm tấm buổi sáng. Ở các đô thị khác, như Hà Nội chẳng hạn, ít có chuyện chọn cơm làm món ăn sáng mà chỉ có bún, phở, mì, miến… Nhưng cơm tấm Sài Gòn thì khác. Người ta ăn cơm tấm bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu, từ những vỉa hè cho đến những quán ăn sang trọng. Cơm tấm phải nấu từ gạo tấm. Những hạt gạo gãy ngày xưa chỉ có dân nghèo ăn hoặc để bỏ đi bây giờ đã thành món ăn nhiều người ưa chuộng. Nước mắm ăn cơm tấm cũng quyết định phần lớn sự yêu chuộng của thực khách và nhất định phải là nước mắm pha hơi ngọt với chút ớt tỏi cho thơm.
Có rất nhiều món ăn kèm cơm tấm |
Các món ăn đi kèm với cơm tấm cũng rất nhiều, nhưng các món không thể thiếu ở bất kì quán cơm tấm nào là sườn nướng, bì – da heo thái sợi và chả trứng. Quán có đông hay không tuỳ thuộc vào thịt nướng có thơm không hoặc chả trứng có mềm hay không. Thịt nướng muốn thơm thì phải được nướng bằng than hoa trên bếp lò lửa vừa phải, lửa to quá thịt sẽ khô, không còn thơm mềm. Người sành ăn ở Sài Gòn thường ăn ở ở quán nổi tiếng như quán Ba Ghiền trên đường Đặng Văn Ngữ, quán 500 An Dương Vương hay quán lề đường ở Nguyễn Kiệm. Gần đây theo trào lưu mới, đã có những chuỗi nhà hàng cơm tấm kiểu mới như cơm tấm Mộc hay cơm tấm Cali để phục vụ những thực khách với những yêu cầu khác.
Theo Sức Sống Mới