Công ty Cổ phần Gemadept (HOSE: GMD) đã thông qua kế hoạch kinh doanh, huy động vốn, đầu tư trong năm 2024 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra sáng ngày 25/6/2024. Tại đại hội, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Gemadept lên kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng, bằng 102% so với kế hoạch năm 2023. Gemadept sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ sinh thái cảng và logistics.
Sáng ngày 25/6/2024, tại Quận 1, TP. HCM, Công ty Cổ phần Gemadept (Mã chứng khoán GMD) tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ), tổng kết những thành quả đạt được trong năm 2023, đồng thời đề ra các mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024, năm có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực hoàn thành Tầm nhìn 2021-2025 của Công ty, hướng đến một giai đoạn phát triển mới. Tham dự đại hội có 182 cổ đông và người đại diện theo ủy quyền, sở hữu và đại diện sở hữu 219.297.201 cổ phần, chiếm tỷ lệ 70,63% % tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Công ty.
Năm 2023 – Kết quả doanh thu ấn tượng
Năm 2023 – Kết quả ấn tượng Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023, thế giới liên tục đối diện với những biến động lớn, với diễn biến xung đột địa chính trị tiếp tục leo thang. Các nền kinh tế lớn là thị trường xuất nhập khẩu chủ lực như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc… chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19, đã tiếp tục hứng chịu “cú đấm” từ các cuộc chiến. Kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Tác động tiêu cực phản ánh qua sản lượng xuất nhập khẩu hàng hóa sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023. Ngay từ đầu năm và triển khai Nghị quyết của ĐHĐCĐ và HĐQT, toàn thể Ban lãnh đạo cho đến mỗi CBCNV luôn sẵn sàng tâm thế chủ động, sáng tạo để đạt mục tiêu kép là vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, vừa khẩn trương triển khai các dự án trọng điểm để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mới. Với nỗ lực tìm mọi giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút nguồn hàng, cắt giảm chi phí, Doanh thu thuần năm 2023 của Gemadept cán mốc 3.846 tỷ đồng với đóng góp chính từ hoạt động khai thác cảng. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.147 tỷ đồng (lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ là 1.840 tỷ). Kết quả kinh doanh thực hiện năm 2023 hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đã đăng ký với Đại hội đồng Cổ đông. Trong năm qua, Công ty tiếp tục tăng cường sự ủng hộ cao của các khách hàng, đối tác, giữ vững và phát triển thị phần, xây dựng làm giàu chuỗi dịch vụ tại các thị trường trọng yếu, đồng hành cùng Chính phủ trong công tác đầu tư, phát huy lợi thế hệ thống cảng biển quốc gia. Tại cửa ngõ phía Nam, Cảng nước sâu Gemalink liên tục đón những thế hệ tàu lớn nhất và thông minh nhất thế giới. Với việc các cơ quan, Bộ ban ngành đã cùng hỗ trợ, đồng hành thực hiện nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải, thời gian tới, những siêu tàu container lên đến 250.000 tấn trọng tải có thể ra vào cảng thuận lợi. Từ khi đi vào hoạt động, Cảng Gemalink liên tiếp đạt các kỷ lục trong khai thác, vận hành, đnăng suất xếp dỡ cao hàng đầu khu vực. Công ty đang nỗ lực thực hiện các thủ tục cần thiết để khởi công Gemalink giai đoạn 2A, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2026. Nối tiếp những thành tựu đạt được ở miền Nam, tại cửa ngõ Thành phố Hải Phòng, Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đã được đưa vào khai thác từ giữa năm 2023, nhân đôi công suất và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng sản lượng của khối cảng Gemadept miền Bắc trong năm qua. Song song đó, Gemadept luôn xác định trách nhiệm cùng các Bộ ban ngành đóng góp vào sự phát triển của hạ tầng hàng hải Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh xứng đáng với giá trị nguồn tài nguyên của đất nước. Dự án nạo vét nâng độ sâu luồng kênh Hà Nam từ -7m xuống -8.5m để đáp ứng cho tàu 48.000 DWT đầy tải có thể ra vào các bến cảng mà không cần chờ đợi thủy triều đã được Bộ GTVT phê duyệt cho Gemadept triển khai là một điển hình. Sau khi hoàn thành váo tháng 6/2024, theo quy định, Gemadept sẽ bàn giao cho cơ quan Nhà nước để tiếp tục thực hiện quản lý duy tu bảo trì hàng năm. Và khi điều kiện luồng lạch tại khu vực đã được cải thiện tích cực, các chuyến tàu nội Á đầy hàng, đã và đang phát triển mạnh mẽ, được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng tần suất chuyến, tuyến, tạo nên một “chợ cảng” khu vực Đình Vũ tấp nập và sầm uất, xứng đáng với cửa ngõ giao thương huyết mạch của Vùng kinh tế trọng điểm toàn miền Bắc. Hòa nhịp cùng những nỗ lực của khối Cảng, khối Logistics Gemadept đồng thời ghi nhận những thành quả tích cực, hoàn thành mục tiêu kinh doanh sau một năm đầy thách thức; chủ động và linh hoạt đưa ra các biện pháp, giải pháp mới để tối ưu sản xuất. Công ty phát triển và làm giàu hệ sinh thái Cảng – Logistics, góp phần tích cực đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nỗ lực tăng trưởng trong năm 2024, hướng đến phát triển bền vững
Nỗ lực tăng trưởng trong năm 2024, hướng đến phát triển bền vững Nhìn vào “'bức tranh” kinh tế nước ta trong 5 tháng đầu năm 2024 có thể thấy những tín hiệu sáng dần lên với sản xuất công nghiệp, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường dần tăng trưởng, áp lực lạm phát toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt… Mặc dù vậy, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định. Xung đột địa chính trị kéo dài, đặc biệt là khu vực Biển đỏ dẫn đến hầu hết các hãng tàu phải điều chuyển hành trình qua Mũi Hảo Vọng, kéo dài thời gian vận chuyển, phát sinh chi phí, gây tắc nghẽn cục bộ tại các cảng trong khu vực, v.v… Với tinh thần vượt trở ngại, đặc biệt trong năm 2024 là năm “nước rút” để hoàn thành Tầm nhìn 2021-2025, Đại hội đồng Cổ đông Gemadept đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 với Doanh thu và LNTT lần lượt là 4.000 tỷ đồng và 1.686 tỷ đồng, tương đương 102% và 148% so với kế hoạch năm 2023. Công ty tiếp tục triển khai các kế hoạch đầu tư trang thiết bị hiện đại, phát triển các dự án thủy nội địa, triển khai tiếp giai đoạn 3 Cảng Nam Đình Vũ, chuẩn bị cho giai đoạn 2 Cảng Gemalink và chi cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ chi trả là 22% (tương đương 2.200 đồng/cổ phiếu), được sự đồng thuận cao của các cổ đông. Để đảm bảo các mục tiêu chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh đến năm 2025, Đại hội cũng đã nhất trí thông qua việc phát hành tăng vốn nhằm đảm bảo nguồn vốn mở rộng quy mô hoạt động SXKD, nâng cao năng lực tài chính trong năm 2024 và những năm tiếp theo với phương án chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu năm 2024 với tỷ lệ phát hành dự kiến là 33,33%, giá phát hành là 29,000 đ/cổ phiếu và dự kiến thu về khoảng 3.000 tỷ đồng. Đại hội đồng thời thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2024 và việc sửa đổi, bổ sung điều lệ phù hợp với các quy định. Vượt qua khó khăn, đón đầu cơ hội, Gemadept sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ sinh thái Cảng và Logistics. Tại thị trường phía Bắc, Cụm cảng Nam Đình Vũ đặt mục tiêu đạt tối đa công suất cả 2 giai đoạn ngay trong năm 2024, tạo tiền đề thuận lợi để triển khai tiếp giai đoạn 3 của dự án, đưa vào khai thác từ đầu năm 2026. Khi hoàn thiện cả 3 giai đoạn, đặc biệt với những lợi thế cạnh tranh vượt trội, cụm cảng Nam Đình Vũ phát huy lợi thế cảng sông lớn nhất miền Bắc, đem đến những giá trị vượt trội đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tại phía Nam, khẳng định tiềm năng và lợi thế vượt trội, Cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 2A sẽ sớm được khởi công, góp phần phát triển hạ tầng cảng biển và kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường khi Gemalink giai đoạn 1 dự kiến đạt trên 90% công suất trong năm nay. Ngày 4/6/2024, Ngân hàng Thế giới và S&P Global Market Intelligence đã công bố báo cáo về Chỉ số hoạt động cảng container năm 2023. Cảng Cái Mép của Việt Nam lần đầu tiên vào top 10 cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ 7, cao thứ 5 ở khu vực châu Á và thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á. Một trong những yếu tố quan trọng để Cụm cảng Cái Mép đạt thứ hạng trên đó là mô hình cảng thông minh với trang thiết bị hiện đại, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Là một đơn vị tiêu biểu cho mô hình cảng thông minh, Cảng Quốc tế Gemalink tự hào đóng góp quan trọng nâng chỉ số CPPI của Cụm cảng Cái Mép. Trong năm 2024 và mục tiêu hoàn thành Tầm nhìn 2025, Gemadept tiếp tục ưu tiên tập trung vào các hoạt động trọng tâm, hợp lực để đẩy tốc độ tăng trưởng; Lấy chuyển đổi số làm công cụ để nâng cao năng lực vận hành, quản trị thông minh; Lấy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững làm mục tiêu hướng đến, tạo đà cho việc kiến tạo giai đoạn tăng trưởng, phát triển mới - Giai đoạn Tầm nhìn 2026-2030.
Nói về chiến lược phát triển và lộ trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc cho hay: "Thị trường càng ngày càng biến động, tiêu chí Công ty bền bỉ, linh hoạt và sáng tạo, tập trung quản trị dòng tiền, quản trị rủi ro. Ngoài ra, Công ty cũng tập trung chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực và phát triển liên doanh, liên kết. Trong đó, chuyển đổi số là quá trình lớn, hiện tại Công ty tự đánh giá vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số. Công ty đang làm bước đầu thay đổi tư duy (mindset), đang ở giữa giai đoạn số hoá và ứng dụng số. Trong thời gian tới, Gemadept xác định chuyển đổi số sẽ là một trong những lợi thế cạnh tranh của Công ty". Về kế hoạch tiếp cận dòng vốn xanh, bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc tài chính bày tỏ: "Chiến lược ESG là chiến lược quan trọng, trọng tâm, Công ty đã và đang phát triển xanh bền vững để đóng góp ngày càng tốt hơn cho sự phát triển của xã hội, cộng đồng, và Công ty cũng xác định đây là một lợi thế cạnh tranh trong quá trình hợp tác, thu hút các hãng tàu, đối tác tới hệ thống cảng - logistics của Công ty. Ngày 28/5 vừa qua, Gemadept và Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) đã ký kết thoả thuận tài trợ tín dụng liên kết bền vững, đây là khoản tín dụng liên kết bền vững đầu tiên mà HSBC thu xếp thành công cho một doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khai thác Cảng và Logistics". Đại hội đồng Cổ đông năm 2024 của Gemadept đã đạt được sự đồng thuận cao, đoàn kết, chung tay nâng cao uy tín và vị thế ngành hàng hải Việt Nam, đem đến giá trị bền vững cho các Cổ đông và cộng đồng, xã hội. Gemadept đang trên hành trình thực thi sứ mệnh góp phần thúc đẩy dòng chảy kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng cho đất nước, doanh nghiệp và đối tác đồng hành thông qua chuỗi dịch vụ, giải pháp vượt trội.