Năm 2010, toàn vùng đã đón tiếp và phục vụ trên 3,6 triệu lượt khách quốc tế, và 18 triệu lượt khách nội địa với tổng thu đạt trên 31.500 tỷ đồng (chiếm 28% tổng thu nhập du lịch của cả nước). Tuy nhiên, những thành tựu đó hầu như tập trung chủ yếu trên địa bàn TP.HCM và BR-VT tạo nên sự chênh lệch cục bộ giữa các địa phương trong vùng. Các địa bàn Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai hầu như phát triển còn tự phát, bị động về thị trường, sản phẩm du lịch chưa phong phú, sức cạnh tranh thấp, tài nguyên và môi trường du lịch suy giảm… Trong đó, Tây Ninh là cửa ngõ thuận lợi về du lịch đường bộ với Campuchia và các nước ASEAN nhưng cho đến nay hoạt động du lịch vẫn còn đơn sơ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Hội thảo cũng đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà đầu tư, các công ty du lịch đến từ mọi miền đất nước chia sẻ những kinh nghiệm để thúc đẩy du lịch toàn vùng lên tầm cao mới.
Vừa qua, tại Hội trường Tỉnh Ủy Tây Ninh, UBND tỉnh Tây Ninh kết hợp với Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch đã tổ chức chương trình Hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch Tây Ninh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hội thảo là sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện du lịch năm 2011 của ngành du lịch mà Tây Ninh được vinh dự đăng cai tổ chức với sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ VHTT&DL, Tổng cục du lịch cùng UBND tỉnh Tây Ninh và sự tham gia tích cực của các tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Hội thảo có sự tham gia của các vị lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Tổng cục du lịch, Hiệp hội du lịch cùng các công ty du lịch, đại diện các địa phương và báo đài.
Tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã nhấn mạnh: “Đông Nam Bộ là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm, giữ vị trí quan trọng hàng đầu và là cửa ngõ đón khách quốc tế lớn nhất của cả nước. Những năm qua, du lịch vùng Đông Nam Bộ với trung tâm phân phối khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả tăng trưởng vượt bậc cả về lượng khách, sự đa dạng về loại hình du lịch, dẫn đầu về các chỉ tiêu quy mô, chất lượng dịch vụ, thu nhập và tạo việc làm”. Bên cạnh nêu bật những thành tựu và tiềm năng, lợi thế của Tây Ninh nói riêng và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nói chung, Hội thảo cũng đã vạch ra những khó khăn còn tồn tại cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới. Trong đó, TS. Hà Văn Siêu – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch đã đưa ra những quan điểm chủ đạo trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 là: “Chuyển sang phát triển về chiều sâu, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả, nâng tầm thương hiệu và sức cạnh tranh theo hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…”.
Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí