Một góc phố Gyeongju - Ảnh: Hoàng Hà Mai
Chẳng cần kỹ tính cũng có thể nhận ra nét tương đồng ở mọi công trình kiến trúc nơi đây: từ khách sạn, nhà ở, cửa hàng, siêu thị cho tới trạm xăng… tất cả đều cùng màu sắc, kiểu dáng, mái lợp ngói cổ…
Nét văn minh hiện đại hòa trộn với văn hóa cổ dân tộc là minh chứng cụ thể cho thấy kết quả cùng những nỗ lực bảo tồn đầy hiệu quả.
Gyeongju cố đô
Vùng đất này chứa đầy lịch sử, mỗi địa danh, mỗi điểm dừng chân đều gắn liền với những câu chuyện mang đậm màu sắc văn hóa như cặp tháp đôi lừng danh Dabotap và Seokgatap, mà bất kỳ ai khi mới đặt chân tới Hàn Quốc, đều có thể thấy ngay trên đồng xu 10 won. |
Là thành phố phát triển mạnh về du lịch, Gyeongju gợi nhiều liên tưởng tới Huế của Việt Nam, nhưng thời tiết mát và hơi lành lạnh lại giống Hà Nội mùa thu.
Ở thời kỳ vàng son của triều đại Silla, kinh đô Gyeongju khi đó là một trong những kinh thành lớn nhất thế giới. Tổ chức UNESCO đã công nhận 3 di sản văn hóa thế giới tại đây: chùa Phật Quốc Bulguksa và hang Phật Seukguram; vườn quốc gia Gyeongju và làng Yangdong - nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc về cư dân Joseon cổ xưa. Những khu đền đài, chùa tháp, kiến trúc của thời kỳ này còn in đậm dấu và ảnh hưởng mãi về sau.
Tại khu hồ Bomunho, trung tâm chính với vô số các khách sạn, bạn có thể dạo bộ quanh hồ hay thuê một chiếc xe đạp ở gần đó với giá khoảng 10.000 won/ngày để khám phá thành phố.
Ở Gyeongju nói riêng và Hàn Quốc nói chung, bất cứ đâu, bạn cũng có thể dễ dàng tìm được các thông tin du lịch cần thiết. Các trạm thông tin du lịch nho nhỏ bố trí khắp các khu dân cư và các điểm thắng cảnh, cung cấp miễn phí cho khách mọi thứ từ bản đồ, sách hướng dẫn cho tới bưu thiếp…
Chùa Phật Quốc
Phật Quốc tự. Bản thân tên gọi của ngôi chùa đã giải thích hết ý nghĩa của nó: “ngôi chùa của nước Phật”. Bởi lẽ, không chỉ triều đình mà cả những người dân sống dưới triều đại Silla vàng son đều cho rằng đất nước của mình chính là miền đất Phật.
Nơi đây lưu giữ 7 bảo vật quốc gia: tháp đá Dabotap - Đa Bảo tháp, tháp đá Seokgatap - Thích Già tháp, đôi cầu Liên Hoa và cầu Thất Bảo, đôi cầu Thanh Vân và cầu Bạch Vân, tượng Phật thiền định, tượng phật A-di-đà và tháp xá lợi có hình dáng như một chiếc đèn lồng bằng đá.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và biến động thời gian, những phần kiến trúc chùa gỗ đã từng bị thiêu rụi trong chiến tranh rồi phục dựng, thế nhưng phần kiến trúc bằng đá còn nguyên vẹn như lúc được xây vào thế kỷ thứ 8 không khỏi làm khách tham quan sững sờ. Ngày nay, Bulguksa là một trong số các địa điểm tham quan học tập dành cho học sinh Hàn Quốc.
Phật Quốc Tự (Bulguksa) - Ảnh: Hoàng Hà Mai
Đa Bảo tháp - Dabotap - Ảnh: Hoàng Hà Mai
Chú rùa thiêng cõng trống trên lưng - Ảnh: Hoàng Hà Mai
Thành phố lịch sử
Một trong những hình ảnh biểu trưng của Gyeongju là đài thiên văn Cheomseongdae (Chiêm tinh đài). Đây là đài quan sát thiên văn lâu đời nhất còn lại ở Đông Á và là đài quan sát khoa học đầu tiên được xây dựng trên toàn thế giới.
Hoàng hậu Seondeok của vương triều Silla (632-647) đã cho xây dựng đài thiên văn này gần thủ đô. Tòa tháp được xây từ 362 khối đá tượng trưng cho 362 ngày trong năm âm lịch. 27 lớp xếp tầng, gồm 3 lớp giữa trùng vào vị trí cửa sổ, 12 lớp phía trên và 12 lớp phía dưới được cho tương ứng với 12 tháng trong năm.
Không xa Cheomseongdae là khu lăng mộ Daereungwon (Đại lăng uyển) hay còn được gọi thân thiện hơn là Công viên mộ (Tumuli Park). Mỗi lăng mộ ở đây, sau quá trình khai quật đều được lấp lại và đắp thành một ngọn đồi nhỏ, phủ cỏ xanh tươi. Người Hàn Quốc coi đó là cách trân trọng lịch sử và tưởng nhớ tới cha ông mình.
Quần thể hơn 20 lăng mộ gồm rất nhiều các lăng mộ hoàng tộc này nằm trong số 200 lăng mộ của khu di tích lịch sử Gyeongju. Nổi bật nhất là lăng mộ Thiên Mã (Cheonmachong). Được cho là lăng mộ của một vị vua Shilla, khoảng thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 6.
Đài thiên văn Cheomseongdae - Ảnh: Cheomseongdae.jpg
Đại lăng uyển Daereungwon - Ảnh: Daereungwon.jpg
Hồ Anapji về đêm - Ảnh: Anapji_night.jpg
Điểm đến tiếp theo là hồ Anapji (Nhạn áp trì). Nếu định chụp ảnh, bạn nên đến đây vào ban đêm. Khi đó, đường viền hồ, các mái vòm thắp sáng đèn, soi bóng lung linh trên mặt nước sẽ là khung cảnh mơ ước cho mọi tay máy.
Còn ban ngày, bạn sẽ nhìn rõ hơn “hồ nước được vua Munmu cho xây trong hoàng cung, là nơi muôn hoa và chim chóc tụ về” như cuốn “Tam quốc sử ký” từng mô tả. Ban đầu hồ được đặt tên là Wolji (Nguyệt hồ), nhưng sau được đổi tên vì có rất nhiều ngỗng và vịt trời tụ về.
Nếu không kịp đến Anapji, bạn vẫn có thể nhìn thấy bản sao của nó trong bảo tàng quốc gia thành phố.
Chỉ với hơn một ngày, thật khó để có thể thu gọn những địa điểm chính của Gyeongjy trong tầm mắt. Với những pháo đài trăng khuyết Banwolseong, thành trì của cung đình Silla; với động Seokguram hay đỉnh núi Namsan - nơi lưu giữ các di tích văn hóa Phật giáo Silla, thời kỳ mà tầng lớp sư sãi được coi trọng ngang hàng vua chúa, ngôi làng cổ Yangdong hay chùa đá Bunhwangsa…
Và khi đã mỏi chân lang thang từ địa điểm này sang địa điểm khác, bạn có thể dừng chân tại một vòi nước công cộng, mở vòi uống cho thỏa cơn khát hay dừng lại mua một vài chiếc bánh Gyeongju bbang, loại bánh ngọt đặc biệt ở nơi này. Những chiếc bánh tròn nhỏ, xinh xắn với tương đậu đỏ có sức cuốn hút khó tả đến nỗi, gần như mỗi nơi dừng chân tôi đều mua một túi.
Những vòi nước sạch có thể uống ngay tại chỗ - Ảnh: tap.jpg
Lớp học ngoài trời ở Đại Lăng Uyển - Ảnh: excursion.jpg
Hẹn một ngày quay lại với Gyeongju!
Theo Tuổi Trẻ - HOÀNG HÀ MAI