Đặc điểm của các cụm tháp Chăm ở Bình Định là được xây dựng không cách xa nhau và xoay quanh thành Đồ Bàn (nay là thành Hoàng Đế ở Nhơn Hậu, An Nhơn). Các tháp xây dựng từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ 12 dưới thời vương quốc Chămpa trên các ngọn đồi thoáng gió. Quanh tường phía ngoài, các góc và trên nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc hình tượng thần, chim, thú thần theo tín ngưỡng của người Chăm.
Từ thành phố Quy Nhơn đi trong vòng bán kính 40km, du khách có thể thăm hầu hết tháp Chăm nơi đây. Tháp đầu tiên trong hành trình khám phá là tháp Đôi. Tọa lạc ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tháp được xây vào khoảng cuối thế kỷ 12, một lớn một nhỏ, đứng kề nhau như cặp vợ chồng quấn quít.
Khu tháp Bánh Ít nổi bật trên đỉnh đồi hướng Đông, cách đường lộ 300m. Bố cục các tháp ở đây khá độc đáo và điển hình trong kiến trúc Chămpa, đứng ở cửa mỗi tháp ta có thể quan sát tháp kia. Gọi là tháp Bánh Ít bởi vì khi đứng từ xa nhìn lại, cụm tháp giống như những chiếc bánh ít lá gai, một đặc sản của Bình Định.
Dấu ấn thời gian quá khứ của một hành trình kinh đô Việt Cổ như hiện về trong lòng du khách, khi rảo bước ngắm nhìn toàn bộ cảnh biển núi, các tháp Chàm khác ở xa xa. Hoa văn, phù điêu bằng đá được trang trí trên các vòm cửa. Các bức phù điêu chạm khắc hình vũ nữ nhảy múa, tượng thần Shiva, Ganesa bằng đá; tượng nữ thần Uma, tượng thần Bhama bằng đồng kỳ bí được trang trí trên tháp luôn gây sự tò mò cho du khách. Kiểu trang trí này làm cho ta có cảm giác như đang lạc vào thế giới thần bí của người Chăm cổ xưa.
Tháp Cánh Tiên nằm đơn độc cách quốc lộ 1A 500m thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tọa lạc ở vị trí theo truyền thống là trung tâm thành Đồ Bàn xưa, cách tháp 300m là thành Hoàng Đế vang danh một thời. Tháp Cánh Tiên mang phong cách Bình Định với vòm cửa hình mũi giáo nhọn, vách tháp đơn giản, khỏe khoắn, ít trang trí.
Bình Định còn nhiều tháp lớn nhỏ nhưng trong cuộc hành trình của mình, tôi không thể khám phá hết. Mỗi một tháp là một biểu tượng về văn hóa, con người của dân Chămpa vừa tráng lệ kiến trúc vừa sâu sắc nhân văn.
Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí