Miên man nỗi nhớ phố Hoài

Nhớ từ Cao Lầu…
Cho tới bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao chỉ ở Hội An mới có một món ăn mang tên Cao Lầu mà nhìn thoáng tôi thấy rất giống như mì Quảng, cái lạ của món này là được ăn khô với những lát thịt heo xá xíu thái mỏng và một ít rau sống sợi nhỏ, phía dưới là giá trụng. Chén nước lèo nóng để riêng với chút hành, tiêu rắc trên mặt, mới nhìn thấy là nước miếng ứa đến tận chân răng chỉ muốn ăn một lúc hai tô mới đã cái bụng. Theo lời bà nội kể, xưa kia ở Hội An nhà nào cũng biết làm món này nhưng có tự tay làm thì mới thấy đầy nhiêu khê vất vả vì sợi mì Cao Lầu không phải tráng bằng bột gạo mà cán bằng bột gạo ngâm nước tro được lấy từ củi gỗ Cù Lao Chàm sau đó phải pha trộn với giếng nước Bá Lễ (giếng Bá Lễ nổi danh từ xưa đến nay bởi sự trong lành ngọt mát), trải qua ba lần lửa mới được những sợi mì Cao Lầu ngon đúng chất Hội An. Vào những dịp giỗ kỵ, chúng tôi hay xúm xít ngồi quanh mẹ xem cán mì để chiều hôm đó anh em nghéo tay xem đứa ăn được Cao Lầu nhiều nhất.


 

Đến “Chí mà phù”…


Tôi yêu Hội An từ những con phố quanh co nho nhỏ, đến những buổi trưa hè nghe tiếng rao mộc mạc, chân thực: “Chí mà phù…ù...ù…” (chè mè đen) của một ông cụ đã hơn 50 năm gánh chè. Vào những dịp lễ hội, khu phố cổ bỗng rộn rịp những mâm bàn cúng tế trời đất với bao đặc sản của Phố Hoài như thịt heo luộc hai da chấm mắm nêm, tôi bảo đảm chẳng có nơi đâu nuôi heo ngon bằng xứ Trà Bồng – Quảng Ngãi, nhưng cũng chỉ có người Phố Hoài mới có bí quyết luộc sao cho miếng thịt heo dù đã chín mềm vẫn có màu hồng hồng thơm lừng đầy hấp dẫn, ngồi gắp miếng thịt được bao quanh bằng lớp da mỏng tang như dải lụa ăn kèm với mắm cái hoặc mắm nêm pha kèm tương ớt chính gốc Hội An cùng rau thơm của vùng đất Trà My thì dù ăn no nứt bụng nhưng miệng vẫn còn thòm thèm chỉ muốn ăn thêm miếng nữa. Những đêm có trăng người dân quê tôi thường cúng mâm cơm gà và tắt hết đèn điện để thay bằng những chiếc đèn lồng bọc vải tơ lụa hoặc nhiễu đậm chất Hội An treo trên những khung cửa hoặc trên cây trong vườn nhà. Ánh sáng lung linh từ Chị Hằng tỏa chiếu hắt lên những ngọn đèn lồng trông thật đẹp. Sau khi thưởng thức món cơm gà rồi lai nhai nhóp nhép dĩa hến xúc bánh tráng và món vả trộn tôm thịt, chúng tôi được mẹ phân phát mỗi đứa một cái bánh Tổ và vùng chạy ra đường xem treo đèn hoa đăng. Trải qua nhiều thế kỷ, Phố Hoài vẫn giữ được thông lệ này và hiện nay nét văn hóa này đã làm say lòng bao du khách từ phương xa lần đầu viếng thăm Phố Hội.


 

Và La rose blanche – bánh “Bông hồng trắng”


Là vùng đất hội tụ các sắc dân từ Chăm, Nhật, Hoa, Pháp, Tây Ban Nha, Việt từng cư ngụ tại đây nhiều thế kỷ nên Hội An có nhiều thứ bánh mang hương vị phảng phất hồn riêng của mỗi quốc gia nhưng theo thời gian đã bị Việt hóa ít nhiều. Mỗi lần trở lại Hội An, tôi thường thả bộ đi tìm những gánh hàng rong bán bánh đậu xanh ướt có nhân thịt, ngồi bên hè đường ngắm bàn tay của cô bán bánh duyên dáng vích từng miếng bánh thơm mát vào dĩa mà nôn nóng đợi chờ tận hưởng. Sau này, đã  có nhà hàng sáng tạo ra bánh đậu xanh khô có nhân thịt để cho người thăm quê có thể mua về cho gia đình hoặc bạn bè ăn cho đỡ nhớ. Đặc biệt, du kháchTây lại ưa thích một loại bánh làm bằng bột gạo trắng tinh có nhân chả tôm quết nhuyễn mà tên của bánh được xưng tụng rất mỹ miều “Bông hồng trắng” (La rose blanche). Công thức làm bánh cũng là một bí mật vì tại Hội An chỉ còn một gia đình sản xuất để bán cho các nhà hàng. Bánh ngon đến nỗi chỉ muốn ngắm nhìn để dành vì khi ăn xong ta vẫn còn tiếc…


 

Phố Hoài đã ăn sâu trong tâm khảm của tôi một nỗi nhớ về hương vị ẩm thực quê nhà dù hiện tại tôi đã sinh sống tại Sài thành gần nửa thế kỷ nhưng đâu đó… trong ký ức, một nỗi nhớ đau đáu về thị trấn be bé với dãy phố cũ xưa phong rêu có Chùa Cầu cổ kính, nơi đó còn có bao người mưu sinh bằng nghề gánh nước mướn bên chiếc giếng cổ trong xanh cùng những món ăn đặc biệt đã tạo cho Hội An quê tôi một nét rất riêng mà thời gian có phôi pha vẫn chẳng thể phai mờ.

Thùy Dương