Là lạ cháo bồi
Nằm cách TP.HCM chừng 60 km, Long An là tỉnh đầu tiên của miền Tây Nam Bộ đón chào khách phương xa với món “cháo bồi” thơm ngon. Qua lời kể của cụ Đinh Thị Y (83 tuổi, ngụ Long An): “Từ khi còn nhỏ xíu, má tui thường nấu cháo bồi cho các con dằn bụng từ sáng đến chiều. Ngày ấy, khu vực sông Vàm Cỏ đầy cá, tôm, cua, ốc… Mỗi sớm mai, chỉ cần cha tui quăng vài mẻ lưới là cả gia đình đã có một khạp cá cho vài bữa. Còn trong vườn, ao đìa và cả ngoài đồng thì có vô số các loại rau, chúng tự mọc chi chít trên bờ dưới ruộng. Vào những bữa trời mưa, má tui chụp chiếc nón lá trên đầu bước ra sau hè chừng dăm ba phút là xách vô nhà một rổ môn ngọt cùng mớ đậu rồng, đậu bắp cùng vài ba loại rau tập tàng. Chị em tui chỉ cần nhen bếp, bắc một nồi nước to, đợi nước sôi bừng thì thả vào hai vốc gạo đã được rang hơi cháy và đâm nhuyễn như tấm. Kế tiếp, cho thêm vào nồi mớ cá, lươn, cua,… Sau đó, má tui nêm một muỗng mắm ruốc lớn cùng vài hột muối cục khuấy đều. Canh cho cháo chín, bà cho môn ngọt và các loại rau tập tàng vào. Lúc này, nồi cháo trở nên đặc sánh vì các bổi rau đầy ú hụ. Đám con nít trong nhà lau nhau ngồi trên phản hít hà hửi mùi thơm và chờ má múc ra tô phân phát. Chúng tui đã lớn lên từ những món ăn có sẵn của vùng sông nước như thế”.
Cho tới nay, giả thuyết về cái tên và nguồn gốc của “cháo bồi” vẫn còn tranh cãi. Lý giải cái tên “cháo bồi”, anh Bùi Đức Tầm – Chủ nhiệm phim tư liệu của hãng phim Giải phóng - suy đoán: “Người Nam Bộ luôn gọi các loại rau dùng để ăn kèm cùng cháo, canh, lẩu là “bổi”. Thời thực dân Pháp đô hộ, một số người Việt khi làm cho Tây hay “xổ” tiếng Pháp “nửa nạc nửa mỡ” nên bị người bản xứ gọi là bồi (tức là kẻ bợ đỡ Tây, rẻ tiền, không đáng tôn trọng). Vì vậy, các loại rau bổi bỏ vào cháo dần dà bị chuyển gọi thành bồi vì là loại rau vườn tự mọc, không phải tốn tiền.
Theo dòng thời gian, món cháo này được nâng cấp và cải biên đủ kiểu để phù hợp khẩu vị của du khách. Tùy theo địa danh của mỗi vùng, người dân tự thêm những sản vật quê mình để nêm nếm cho cháo bồi mang một hương vị riêng biệt… Dù có trở thành đặc sản thì cháo bồi vẫn được người dân miệt vườn luôn tự nhủ, đây là món cháo quê nghèo mộc mạc nhưng đã chứa đựng cả một trời yêu thương.
Đậm đà bông súng mắm kho
“Sếp sòng” trong các món ăn miệt vườn phải kể đến món mắm. Mắm có nhiều loại, từ mắm thái, mắm lóc, cá trê, cá sặc, cá linh đến mắm tép... Mỗi thứ đều có sắc thái, mùi vị riêng biệt.
Có dịp đến miền Tây vào mùa gió chướng hây hẩy thổi, cả nhóm chúng tôi được một lần thưởng thức nồi mắm kho bông súng. Đám con trai trong nhóm được phân công đi gỡ lờ để kiếm vài chú cá đem về kho mắm, còn đám con gái lo chuyện chặt dừa, cắt sả, hái rau và hái những cọng bông súng xinh xinh bên bờ ao. Lúc này, hũ mắm cá trong một góc nhà được bưng ra gỡ nắp, chủ nhà múc vài vá bỏ vào nồi nước dừa xiêm đang sôi bừng trong cái ơ đất. Chúng tôi thêm vài cọng sả rồi cho vào lũ cá tươi roi rói mới bắt được, nồi mắm thêm đậm đà và bắt đầu tỏa hương thơm ngát.
Khi nồi mắm đã rục, thả thêm mớ cà tím được cắt xéo vào nồi. Bên cạnh đó là rổ bông súng cùng các loại rau vườn như: bắp chuối, rau muống, bông điên điển, đọt xoài, rau mác,… Chúng tôi xúm xít múc chan vào tô vài vá mắm kho sanh sánh màu nước nâu vàng nóng hổi. Trong cái gió mơn man đầy hơi nước, ngồi bên thềm nhà hướng ra mặt sông dập dềnh những cánh lục bình, được thưởng thức món bông súng kho mắm đúng chất miền Tây, thật không từ ngữ nào có thể diễn tả được thú vui này.
Ngoài món mắm trên, vào ngày Tết, người miệt vườn còn “hảo” món mắm chưng hột vịt thịt bằm. Món này ăn cơm kèm thêm nồi thịt kho rệu dưa cải thì ai thấy cũng phải thèm và nhớ mãi mùi vị của quê hương.
Cá lóc nướng trui – đặc sản vùng sông nước
Cá lóc luôn được người miền Tây ưu tiên hàng đầu trong việc tiếp khách phương xa. Vì loại cá này có hương vị thơm ngon, dễ ăn, ít xương. Từ cá lóc, người Nam Bộ chế biến thành nhiều món ngon khoái khẩu như: canh chua, cá lóc kho tộ kèm thịt ba rọi, làm khô… Nhưng sản vật được xem là “độc chiêu nhất” chính là món cá lóc nướng trui cuộn lá sen non chấm mắm me của vùng Đồng Tháp. Nơi đây, được xem là nơi chế biến cá lóc nướng trui với vị ngon có một không hai.
Để ăn ngon món này, du khách nên “phượt” vào mùa nước nổi. Lúc bấy giờ, cá lóc đồng vừa đủ lớn. Theo con nước, cá tràn ra sông rạch và bơi về hạ nguồn. Các nông dân sau giờ nhàn nhã khi xong vụ mùa, họ lại tiếp tục đan đó, vá lưới, chỉnh lờ và chăm chút lại chiếc cần câu để thăm đồng. Cùng chiếc thuyền “năm quăng” làm bạn, người nông dân lênh đênh sông nước kiếm cá làm nguồn thức ăn cho cả nhà kiêm việc đắp đổi qua ngày.
Có theo chân những người dân miền Tây tát đìa bắt cá và lặn lội trong bùn để mò chụp từng chú cá lóc đen trùi trũi, mới thấy hết thú vui của ruộng đồng. Sau khi bắt được cá, dân nhậu gọt những đoạn tre khô thành cây xiên từ miệng cho tới đuôi cá và hốt rơm nướng trui. Sau 10-15 phút, mùi cá thơm lừng. Muốn biết cá chín hay chưa, chỉ cần lấy gai tre chích vào thấy thủng thịt - tức cá đã chín. Lót miếng lá chuối để làm mâm, mọi người gỡ cá khỏi xiên, xẻ đôi rồi chan vào vài muỗng mỡ hành phi và thêm chút đậu phộng rang.
Đặc biệt, tô nước chấm được chế biến theo công thức me vắt bỏ hột nấu sôi với nước đường sao cho thật sánh, bắc xuống bếp rồi cho nước mắm vào, thêm chút tỏi ớt băm nhuyễn. Cùng bánh tráng, bún, các loại rau thơm, khóm, khế, chuốt chát, người Đồng Tháp còn hái lá sen non cuộn tròn chưa kịp trổ để làm rau ăn kèm. Trong cái gió lồng lộng, nếm chút rượu nếp cùng thưởng ngoạn mâm lá chuối với cả chục chú cá lóc nướng trui thì ai cũng nhớ mãi miền Tây. Nhiều du khách Tây sau khi thưởng thức đều xin công thức và tranh thủ ghi chép để học hỏi món ăn độc đáo này.
Thủy Dương