Một chuyến thăm biển Lăng Cô

 

Sau ba ngày ngao du thăm cố đô Huế trầm tư cổ kính, tôi quay ngược vào Lăng cô, với mong muốn được hiểu thêm vịnh biển vừa lọt vào danh sách một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới. Có đi dọc Việt Nam, trải dài tầm mắt ngắm các vùng biển đảo xinh đẹp, lòng càng thêm yêu quê hương cùng một cảm xúc lâng lâng sung sướng tự hào. Tôi cùng cô bạn đồng hành đến Lăng cô trên chiếc xe máy, đường khá vắng nên chỉ chừng hơn 1 giờ qua đèo Phú Gia là chạm ngõ vùng biển mệnh danh “người đẹp làng chài”. Dừng xe bên đường tôi phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh quan, xa xa ngọn đèo Hải Vân sừng sững chắn ngang tạo một thành quách thiên nhiên ngắt xanh oai vệ, lệch về bên phải là khu vực Vườn Quốc gia Bạch Mã vẫn còn rất hoang sơ. Ở đây bãi biển Lăng cô trải dài trên 8km như cô gái đẹp ngủ say bên biển cả, ngoài ra chỉ cách con đường quốc lộ 1A là đầm Lập An mênh mông in bóng những dãy núi cao vời vợi.

Sau khi chọn được nơi lưu trú, tôi thả dài bước trên cát trắng thăm Lăng cô trong cái nắng cùng gió biển lồng lộng. Biển Lăng Cô lại quá hiền hòa, nguyên sơ với một dải cát trắng mịn cùng mặt nước biển xanh trong. Ở đây, tuy các resort cũng đã mọc lên nhưng nhìn chung dọc dài bãi cát vẫn là những bãi tắm thiên nhiên hoang sơ thuần khiết. Hương Lan - cô bạn đồng hành cho biết: “Khi người Pháp đến đây, họ bất ngờ vì cảnh vật tuyệt đẹp. Nhất là mỗi buổi sáng và buổi chiều khu vực này còn có rừng nhiệt đới rộng lớn và vô số những cánh cò trắng bay lượn vờn quanh những dãy núi nhấp nhô đầy vẻ hoang sơ và bí ẩn. Say cảnh đẹp, những người Pháp hỏi ngư dân thì được biết do ở đây quá nhiều cò nên làng chài cũng có một cái tên vô cùng mộc mạc làng Cò. Tuy nhiên, do phát âm sai, đọc trại thành Lăng Cô”. Trong lịch sử cái tên Lăng Cô vẫn chưa tìm được chính thức do ai đặt ra, nhưng với vị trí địa lý tự nhiên thì sự giải thích theo cô bạn kể lại xem chừng hợp lý.

Theo những thuyền câu thăm đầm Lập An, tôi phát hiện ra nơi đây cũng là nơi nuôi cá ngựa và bào ngư, hai loại thủy hải sản quý dùng trong y dược học. Ðọc sử sách nghe kể lại, Vua Minh Mạng xưa kia đã dùng những tinh chất dược liệu của biển cả và non xanh để tinh chế nên những bài thuốc đặc trị dành riêng cho Ngài được sung mãn. Ðiều chế nên những vị thuốc này có lẽ Lăng Cô là một trong những nơi cung cấp sản vật quý cho triều đình Nguyễn một thời oai danh ngự trị.

 

Theo chân Huy – người chủ thuyền – chúng tôi vào thôn Loan Lý nằm trong khu vực của đầm và hội ngộ cùng những ngư dân có nghề nuôi và bóc vỏ hàu rất điệu nghệ. Thăm thôn, tôi được thiết đãi một bữa hải sản linh đình từ nồi cháu hàu ngọt lịm, thưởng thức một con tôm hùm to tướng nướng thơm phức mà ở Sài gòn “rớ” vào chú tôm này thì cũng vài triệu một con, ngoài ra Lăng Cô còn có những đặc sản khác như: ghẹ, vẹm xanh, ốc hương…

Tôi rời Lăng Cô khi mặt trời vẫn chưa kịp thức dậy, dọc bên đường mùi dầu Tràm thoang thoảng trong giá. Cảnh vật nơi đây vẫn yên tĩnh trừ vài tiếng còi của những chuyến xe Bắc Nam như xé không gian trong thoáng chốc. Tạm biệt “Người đẹp làng chài”. Mong rằng trong tương lai, kinh tế du lịch sẽ làm cho nơi đây trở nên trù phú nhưng vẫn mãi là một vùng biển dung dị thuần chất, đáng yêu.