Một lần tìm đến Lý Sơn.

 

 
Cù Lao Ré và những điều mới lạ
Mất hơn 1 giờ xe chạy, điểm dừng tạm thời của nhóm là cảng Sa Kỳ để thay đổi phương tiện vận chuyển tiếp tục đến Lý Sơn. Chôn rộn chừng 30 phút dành cho việc trang bị an toàn của hải trình, chiếc tàu cất lên những tiếng hú dài báo hiệu giờ khởi hành đã điểm. Chầm chậm, tàu len lỏi qua những chiếc thuyền câu của các ngư dân yên ngủ sau một đêm vật lộn trên biển để tìm nguồn sinh nhai. Băng băng trong làn nước, tàu tăng tốc hướng thẳng biển đông, cảng Sa kỳ khuất dần trong tầm mắt … 
Sóng dạt dào quanh mạn thuyền làm cả nhóm đều nôn nao do không quen sự nhồi lắc rồi sau đó, ai nấy cũng đều chăm chăm chụp ảnh những đàn cá chuồn bay là là trên mặt nước. 45 phút trôi qua, đảo Lý Sơn hiện ra trước mắt với hình dáng khá giống một chú rùa khổng lồ màu đen thẫm đang bơi trên mặt biển. 
Mất chừng 10 phút để cặp bến, những ngư dân của đảo nhiệt tình giúp chúng tôi bước qua những chiếc tàu đậu san sát để đặt chân lên đất liền. Tranh thủ ngay phút đầu tiên, tôi làm quen với một người địa phương và nhờ giải thích: “vì sao có những chiếc bè chở đầy cát với những chiếc ống khá lớn chọc xuống nước và cứ chạy vòng vòng quanh đảo?”. Nhoẻn nụ cười hiền trên gương mặt pha sạm nắng gió, Sĩ Anh - tên của cậu bé - cho biết: đó là những chiếc bè hút cát và bán lại cho người dân trên đảo gánh về trồng tỏi hành.
Từ bao đời nay người dân Lý Sơn chuyên canh việc trồng tỏi theo một phương thức rất lạ. Họ gánh cát được hút dưới biển phủ đầy mặt ruộng và cấy tỏi trong thời gian chừng 4 tháng thì trẩy củ đem về nhà. Sau đó, lớp cát này lại được gánh đổ về biển và thay bằng một lớp cát mới. Mỗi năm ở Lý Sơn chỉ trồng được một mùa tỏi vào những tháng đông và đầu xuân thì thu hoạch. Trước đây, khi chưa có điện, người dân Lý Sơn phải lặn sâu dưới đáy biển để đem cát lên, công việc rất gian khổ nên không ít người đã bỏ mạng trong làn nước sâu. Hiện tại đã có máy bơm phát điện nên việc hút cát đã bớt vất vả hơn nhiều.
Tỏi Lý Sơn nổi danh thơm ngon đặc biệt, khó có nơi nào sánh bằng. Có lẽ lớp cát dưới đáy biển được những khoáng chất ngấm vào và tạo hương vị rất riêng cho tỏi. Sĩ Anh cho biết thêm, người dân trên đảo tin rằng: ăn tỏi nhiều sẽ có sức đề kháng cho cơ thể lúc lặn biển và là bài thuốc chuyên trị sốt rét, phù thủng và ngăn ngừa cả bệnh ung thư. Dọc hai bên đường trên đảo,  nhiều quán ăn đều trương bảng thực đơn: Gỏi tỏi hải sản, Tỏi chiên giòn chấm mắm, Tỏi cháy càng cua, Tỏi xào hải sâm, Rượu tỏi… Ấn tượng hơn nhiều quán còn bài trí những búi tỏi “mồ côi” (đặc sản chủ lực của đảo) đu đưa trong gió với đơn giá đến 400 ngàn đồng/kg.
 
 
Trên chiếc xe cũ kỹ cần mẫn đưa chúng tôi một vòng thăm viếng, Tuấn Dương - cậu hướng dẫn viên địa phương cho biết: theo gia phả ghi lại, cách đây hơn 400 năm, người Việt đến Lý Sơn khai thác hải sản và các loại lâm sản quý. Năm 1604 có nhóm ngư dân đã tiến về phía đông của đảo để mở rộng đất đai và khai khẩn (tức xã An Hải ngày nay). Ngày ấy, dù chỉ với diện tích chưa đầy 10km2 nhưng địa thế của đảo vô cùng hoang vu, bí hiểm vì cả rừng cây nguyên sinh khổng lồ bao trùm toàn đảo, đan xen chằng chịt là những vạt rừng Truông, rừng Nhợ, rừng Vòng… Điều đặc biệt là trên đảo tồn tại một loại cây thảo mộc có tên gọi là Ré (tiếng cổ của người Chămpa), loại cây này thân rất mềm dùng làm lạt buộc đồ rất chắc, riêng hoa có mùi đặc trưng và mọc dày đặc quanh năm. Do vậy Lý Sơn còn có một cái tên mộc mạc là Cù lao Ré. 
 
 
Ngàn năm núi đá linh thiêng
Trên con đường quanh co đầy bụi cát, tôi được biết đảo Lý Sơn tập trung rất đông cư dân với khoảng 26.000 người. Khi kể cho cả nhóm về truyền thuyết hình thành đảo của dân tộc Kor, giọng của Tuấn Dương chợt lắng lại: nguyên thủy, đảo là một phần của vùng núi Trà Bồng, nhưng một phần núi đã bị những con sóng của Thần Nước xé đứt rời sau một trận giao tranh dữ dội giữa Thần Nước và người anh hùng Doang Ðác Tố, chủ làng Tali Talok. Phần núi này đã lênh đênh trôi dạt về phía Biển Ðông rồi yên vị từ ấy cho đến tận bây giờ.
Đến Lý Sơn, ai cũng nhận ra đảo được tạo thành bởi nham thạch của những núi lửa phun trào cách đây vài triệu năm về trước. Qua quan sát, chúng tôi nhận ra mình đang ở trên những nếp gấp tạo sơn, những nếp gấp này đã nâng nhiều lớp đá trầm tích thành hòn đảo nhô lên khỏi mặt nước biển. Những hoả diệm sơn đã vĩnh viễn ngủ yên, nhưng hòn đảo giữa biển này tiếp tục hứng chịu sự xâm thực rất lớn từ sóng gió của triệu năm tấn công thầm lặng. Dần dà sự xâm thực thiên nhiên đã vô tình tạo cho Lý Sơn những hang động, cổng đá tuyệt đẹp nằm rải rác quanh cù lao. Riêng bãi biển thì lô nhô các bãi đá đen với đủ hình dạng nằm trồi trên mặt nước, thoáng trông thật giống đàn rùa con chi chít lập lờ trên biển. 
Lý Sơn có các dãy núi đá nổi tiếng là Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Giếng Tiên và Hòn Vung. Trong đó Thới Lới là núi lửa lớn nhất, nhưng ngọn núi đẹp và nổi tiếng lại là Giếng Tiên. Theo chân cậu hướng dẫn viên nhiệt tình, chúng tôi đến địa danh này, tham quan miệng núi lửa và được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Bà Quan Âm cao hơn 30m ngay dưới chân núi. Muốn lên núi chúng tôi đi băng qua tượng và leo hơn 100 bậc thang, lưng chừng núi có một hang được đục khoét sâu vào đá, người xưa đặt vài ngôi Tượng phật tại đây làm nơi thờ cúng và đặt tên là Chùa Đục. Chùa không có ni sư hay trụ trì, mỗi ngày có người đến thắp nhang cho các tượng và quét tước hang cho sạch sẽ. Ngồi nghỉ mệt đôi phút ngắm biển núi mênh mang, cả nhóm lại tiếp tục cuộc hành trình chinh phục đỉnh núi.
Có leo lên đỉnh hoả diệm sơn mới thấy miệng núi trông giống như một họng giếng khổng lồ, tuy trên đảo luôn có mạch nước ngọt nhưng miệng núi chỉ lơ thơ cỏ mọc cùng dứa dại um tùm. Nắng bắt đầu gay gắt, vội vã xuống núi chúng tôi nhanh chân chui vào một túp lều bán dưa gần đó để thưởng thức những miếng dưa hấu mát ngọt ngon lành, ngay trên chính hòn đảo xinh đẹp của đất Việt thân yêu. 
 
Box: Theo các nhà khảo cổ, 3000 năm trước các cư dân Việt cổ đã đến Lý Sơn, bằng chứng là nơi đây đã tìm được nhiều di chỉ đặc trưng của nền văn hóa Sa Huỳnh.
Đầu thế kỷ 18, có 6 tộc họ triều Nguyễn đã ra Lý Sơn cư ngụ, các họ tộc này thực hiện nhiệm vụ khai khẩn kiêm bảo vệ biển đảo theo chiếu lệnh thành lập Hải Đội Hoàng Sa do vua Minh Mạng phê chuẩn. Ngày ấy, hải hành đến Hoàng Sa vô cùng hiểm trở nên nhiều người lính ra đi mà không trở về. Cảm thương cho số phận những người quyết tử vì non song, cư dân Lý Sơn đã duy trì lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và lập khu mộ gió cho các chiến sĩ thật trân trọng. Đến Lý Sơn bạn đừng bỏ qua việc thăm viếng những khu mộ gió này. 
Hiện nay, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu ra Lý Sơn, giá vé bình quân một chuyến là 90 ngàn đồng (đi bằng tàu chợ chuyên chở hàng), riêng tàu du lịch thì giá vé khá đắt, thông thường là bao cả chuyến tàu, bạn cần tham khảo kỹ giá cả trước khi quyết định. Ở Lý Sơn hiện đã có một vài nhà nghỉ bình dân, giá cả từ 200 – 400 ngàn đồng/phòng.
 
          Dương Thủy