Tại Mỹ, hơn 60 năm trước, nhà khí tượng học Jack W. Reed đã "hiến kế" sử dụng bom hạt nhân để "đánh" trực diện vào những cơn siêu bão, nhưng ý tưởng của ông chưa từng được áp dụng.
Ý tưởng làm chủ được sức mạnh của thiên nhiên luôn là điều hấp dẫn đối với con người, đặc biệt là với các nhà khoa học trên thế giới. Hàng năm, cứ đến mùa bão, con người lại được "nhắc nhở" về sức mạnh hủy diệt kinh hoàng của thiên nhiên, và điều đó càng thôi thúc mọi người tìm ra giải pháp.
Năm 2017, nước Mỹ liên tục hứng chịu những trận siêu bão kỉ lục như siêu bão Harvey hay siêu bão Irma... Hiện nay họ đang phải đối mặt với siêu bão Florence với sức hủy diệt cực lớn. Ở cách đó nửa vòng trái đất, siêu bão Mangkhut cũng đang hoành hành tại châu Á.
Với nỗi lo sợ rằng những trận bão sẽ gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng và tài sản, nhiều người trên thế giới đã thúc giục chính phủ của họ phải có biện pháp "đánh phủ đầu" nhằm vào những cơn bão. Trang National Geographic đã đăng một bài viết về ý tưởng "diệt bão" bất thành trong giới khoa học.
Đề xuất "dùng bom hạt nhân diệt bão" của nhà khoa học Mỹ
Tại Mỹ, hơn 60 năm trước, nhà khí tượng học Jack W. Reed đã hiến kế sử dụng bom hạt nhân để "đánh" trực diện vào những cơn bão, nhưng ý tưởng của ông chưa từng được áp dụng.
Theo Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) thì đó là "ý tưởng tồi tệ". Tuy nhiên, do ngày nay nhiều người vẫn thắc mắc về đề xuất của ông Reed, nên NOAA vẫn duy trì một trang web riêng để giải thích về vấn đề này.
Tất nhiên vào thời đại của ông Reed, thì các cơ quan chính phủ và các nhà khoa học cũng đã từng nghiêm túc cân nhắc đến giải pháp hạt nhân.
Trong một bài phát biểu tại National Press Club ngày 11/10/1961, Francis W. Riechelderfer, người đứng đầu Cơ quan Khí tượng Mỹ, cho biết cơ quan này cũng cân nhắc sử dụng bom hạt nhân để đánh tan bão ngoài biển khơi.
Cùng năm đó, những người dân tại bang Texas cũng thắc mắc về ý tưởng "đánh bom diệt bão" sau khi bang này hứng chịu một trận bão cấp 5, gây ra thiệt hại hơn 2 tỉ USD.
Bài báo trên tờ Longview Daily News (Texas) đã đặt ra câu hỏi: "Liệu bão Carla có thể bị đánh tan, thay đổi sức mạnh, hay đổi hướng đi bằng bom hạt nhân không?"
Vào thời điểm đó, Mỹ đã chế tạo thành công bom H với sức công phá gấp 1.000 lần loại bom hạt nhân từng hủy diệt Hiroshima, Nhật Bản. Do đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng liệu sức công phá lớn ấy có thể được sử dụng để hủy diệt những cơn bão lớn hay không.
Nhà khí tượng học Jack Reed đã nghĩ ra ý tưởng trên khi nghiên cứu về hiệu ứng khí quyển sau vụ thử nghiệm bom H đầu tiên của Mỹ. Vụ nổ này đã tạo ra một cột khí cao hơn 32 km trong khí quyển.
Ông Reed đã có cơ hội trình bày nghiên cứu của mình tại một số diễn đàn như hội nghị chuyên đề năm 1959 về Chương trình Plowshare - một sáng kiến của chính phủ nhằm thúc đẩy mục đích sử dụng "hòa bình" vũ khí hạt nhân trong các lĩnh vực như khoa học và công nghiệp.
Trong bản báo cáo trên, ông Reed cho rằng có thể sử dụng một tàu ngầm để xác định mắt bão, và sau đó một hoặc nhiều tên lửa hạt nhân sẽ được bắn vào chính vùng tâm bão.
Do mắt bão ấm hơn 10 độ so với phần rìa bên ngoài, nên ông Reed cho rằng vụ nổ hạt nhân ở tâm bão sẽ cuốn theo một lượng lớn khí nóng khỏi vùng tâm bão vào tầng bình lưu.
Hơn nữa, nhiệt lượng tỏa ra từ vụ nổ sẽ khiến khối khí ở tâm bão bốc lên cùng khí nóng trong mắt bão. Khi đó khí lạnh ở ngoài rìa sẽ tràn vào phía trong và có khả năng làm giảm suy yếu hoặc thậm chí là ngừng cơn bão.
Theo tính toán của ông Reed, một vụ nổ tương đương với 20 triệu tấn thuốc nổ TNT có khả năng khiến một cơn bão có sức gió trên 185 km/h chậm lại còn khoảng 90 km/h, nhưng chưa thể triệt tiêu bão hoàn toàn.
Ý tưởng bất khả thi
Tuy nhiên ý tưởng của ông Reed lại không nhận được sự hưởng ứng từ các cơ quan chính phủ. Lí do đầu tiên là nghiên cứu này sẽ rất tốn kém về chi phí - mỗi lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân có thể tiêu tốn đến vài triệu USD của chính phủ.
Bên cạnh đó, nhiều quan chức chính phủ Mỹ cũng bày tỏ lo ngại rằng các vụ thử nghiệm "đánh bom diệt bão" này sẽ không thống nhất với chủ trương chấm dứt các vụ thử nghiệm hạt nhân của chính phủ.
Còn đối với các chuyên gia về vũ khí hạt nhân, thì đây là một ý tưởng "điên rồ". Theo NOAA, bụi phóng xạ từ các vụ nổ hạt nhân trong khí quyển sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về lâu dài đối với môi trường.
Một điều khá chắc chắn, theo NOAA là đề xuất của ông Reed sẽ không có hiệu quả. Trở ngại lớn nhất chính là mức năng lượng cần thiết để tác động đến một cơn bão.
Hơn nữa, theo số liệu được NASA công bố năm 2006 thì một cơn bão cấp độ trung bình có thể sản sinh năng lượng tương đương với 10.000 quả bom hạt nhân Mỹ từng ném xuống Hiroshima.
Như vậy, để làm suy yếu một cơn bão cấp 5 thành cơn bão cấp 2, người ta sẽ cần ném đủ số bom để tạo ra khối không khí nặng 500.000.000 tấn trong vùng tâm bão có đường kinh khoảng 40 km. Đó là điều bất khả thi, theo NOAA.
Ngày nay, ý tưởng của ông Reed càng xa vời hơn khi luật pháp quốc tế chỉ cho phép sử dụng tối đa 150.000 tấn thuốc nổ cho mục đích phi quân sự.
Nguồn: Storm Shield App.
Một vụ nổ bom hạt nhân năm 1971. Nguồn: Supplied.
Theo Trí thức trẻ