Nét quyễn rũ của Vũng Tàu

Tham quan chiến trường xưa


Anh Mai Ngọc Thanh Tuấn hướng dẫn viên dày dạn kinh nghiệm của OSC Việt Nam Travel đón đoàn chúng tôi tại khạch sạn Rex để khởi hành đi tham quan các di tích lịch sử của một thời chiến trận hào hùng chống giặc ngoại xâm của quân và dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Chiếc xe 35 chỗ, chở đoàn chúng tôi trực chỉ hướng về thị xã Bà Rịa và các vùng ven nơi có nhiều di tích lịch sử trong kháng chiến. Điểm đầu tiên mà hướng dẫn viên Mai Ngọc Thanh Tuấn đưa đoàn chúng tôi đến đó là khu tưởng niệm của Trung Đoàn 33 tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức. Xã Bình Ba bây giờ bình yên, hiền hòa như bao làng quê khác của Việt Nam. Nhưng ngược dòng thời gian lịch sử cách đây hơn 40 năm về trước Bình Ba là điểm “nóng” của chiến trận giữa ta và địch. Khu tưởng niệm Trung Đoàn 33 có diện tích rộng khoảng 1.000m2, đến tưởng niệm chính được xây ở giữa khuôn viên, hai bên là đài liệt sĩ và nhà truyền thống. Tại đài liệt sĩ có mộ bia của 53 chiến sĩ Trung Đoàn 33 đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh càn của quân đội Úc và Tân Tây Lan. Đến đây, đoàn chúng tôi ai cũng xúc động vì sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Trung Đoàn 33 để giành được độc lập hòa bình như hôm nay.

 


Rời Bình Ba, đoàn chúng tôi được hướng dẫn viên đưa đến tham quan khu căn cứ Núi Đất của quân đội Hoàng Gia Úc tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ. Núi đất được coi là khu căn cứ quân sự có tầm chiến lược quan trọng nhất của quân đội Hoàng Gia Úc ở vùng Bà Rịa – Long Khánh, Núi Đất có một sân bay giã chiến, quân đội Hoàng Gia Úc dùng để tập kết vũ khí đạn dược và binh lính. Điểm tham quan ấn tượng nhất đối với du khách khi đến Long Tân có lẽ là bia thánh giá Long Tân, bia được làm bằng bê tông cốt thép, hình cây thánh giá rất đơn sơ nhưng mang một ý nghĩa lịch sử. Chiếc bia do quân đội Hoàng Gia Úc lập ngày 18/8/1969 để tưởng niệm những quân nhân Úc đã hy sinh trên chiến trường Đông Nam Bộ trong trận càn phối hợp giữa quân đội Úc và Tân Tây Lan ngày 18/8/1966. Với ý đồ bình định Bà Rịa – Long Khánh nhưng đã bị lực lượng quân giải phóng đánh chặn và tiêu diệt gọn.

 


Một điểm nhấn khác trong chuyến hành trình tour về thăm chiến trường xưa không thể nào quên, đó là địa đạo Long Phước thuộc xã Long Phước, thị xã Bà Rịa. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nơi đây hình thành hệ thống địa đạo nổi tiếng, một công trình sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân do Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Các cụm địa đạo được nối liền với nhau bởi đường xương sống. Có hầm bí mật chứa lương thực dự trữ với các công sự chiến đấu. Đường địa đạo cách mặt đất 2-3m, lòng địa đạo cao 1,8m, rộng 0,8m đi lại dễ dàng. Tuyến địa đạo ấp Đông dài trên 360m, có nhiều công sự chiến đấu, trạm cứu thương, kho vũ khí, kho lương thực và lỗ thông hơi. Qua 27 năm (1948-1975) hình thành và phát triển, địa đạo Long Phước là nơi bám trụ đánh địch kiên cường của lực lượng cách mạng. Tuy thời gian có hạn, nhưng đoàn chúng tôi cũng đã chọn một địa danh lịch sử rất quan trọng trong chuyến tham quan này, đó là núi Minh Đạm thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền. Núi Minh Đạm được kết cấu rất tự nhiên bởi rừng cây xanh bát ngát, dài khoảng 10km. Đường lên núi dài khoảng 300m, đền tưởng niệm các liệt sĩ trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm của quân dân Bà Rịa – Long Khánh đã được xây dựng nơi đây. Trước kia núi có tên là Châu Long – Châu Viên. Năm 1948 núi được đổi tên là Minh Đạm do lấy tên ghép hai chiến sĩ cách mạng hy sinh, Bí thư và Phó Bí thư huyện ủy Long Điền là Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm. Núi Minh Đạm là căn cứ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của tỉnh ủy Bà Rịa – Long Khánh. Đang còn nhiều di tích lịch sử nổi tiếng tại Bà Rịa – Vũng Tàu như : Bình Giã, cửa biển Lộc An, núi Dinh, Hắc Dịch… mà đoàn chúng tôi không còn thời gian để đến, tất cả các thành viên trong đoàn đều tỏ ra nuối tiếc.


Đến làng nghề truyền thống


Làm bánh tráng thủ công và nấu rượu là một trong những nghề truyền thống của người dân xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa. Nhìn xa Hòa Long hiền như cô thôn nữ mới yêu. Nhưng đi vào trong mới thấy phảng phất mùi men rượu và những chiếc bánh tráng vừa mới ra lò còn nóng hổi. Bà Phan Thị Bỉ, 70 tuổi làm nghề bánh tráng ở đây cho biết: Bà đã làm nghề bánh tráng lúc 18 tuổi đến nay, đã có thâm niên 52 năm trong nghề. Theo bà Bỉ thì để làm ra những chiếc bánh tráng có độ dẻo dai và ngon thì trước tiên phải chọn gạo, phải là gạo dẻo miền Tây, gạo được ngâm 2 đêm để xay và kỹ thuật tráng phải điêu luyện làm không khéo chiếc bánh vớt ra sẽ bị rách.

 


Đến làng nấu rượu Hòa Long, một trong những vùng đất nổi tiếng nấu rượu được liệt vào hàng “quốc hồn quốc túy”. Rượu Hòa Long trong vắt có nồng độ cao trung bình khảng 50o, Rượu Hòa Long ngon nổi tiếng nhờ nguồn nước giếng khơi trong mát, ngọt lành của vùng đất này. Anh Mai Ngọc Thanh Tuấn hướng dẫn viên OSC Việt Nam Travel đã cho đoàn chúng tôi nếm thử rượu “Vodka” Hòa Long bằng cách anh pha 1 lon coca vào 1 lít rượu 50o thì ra hương vị “Vodka” khoảng 40o.
Kết thúc tour, các thành viên trong đoàn ai cũng cảm thấy thú vị và đầy ý nghĩa, mọi người hiểu thêm được con người, quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu – mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, thân thiện và hiếu khách.

Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí