“Ngày Phụ Huynh” – Hoạt động cộng đồng đầy tính nhân văn và thực tiễn

Mở đầu chương trình là chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Tứ (phó Trưởng khoa Tâm Lý Học) về cơ cấu tổ chức, các hoạt động nổi bật, các lớp học kỹ năng đầy bổ ích của khoa. Đặc biệt năm nay, bên cạnh ngành truyền thống là Tâm lý học (chỉ tiêu 120 sinh viên), khoa Tâm lý còn tuyển thêm 1 ngành mới là Tâm lý giáo dục (chỉ tiêu 80 sinh viên) đáp ứng cho nhu cầu tâm lý trong học đường ngày càng cao trong xã hội.

Ngày phụ huynh – hoạt động cộng đồng của Khoa dưới sự hỗ trợ của nhà trường sẽ là một trong những điểm nhấn thú vị về hoạt động của Khoa cùng nhiều hoạt động khác đầy tính nhân văn và thực tiễn.

Gia đình: chiếc nôi nhân cách

Ngay từ câu hỏi mở đầu của TS Nguyễn Thị Bích Hồng: “Gia đình bắt đầu gây ảnh hưởng đối với mỗi người từ khi nào?” đã làm cho không khí hội trường nóng lên với nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh. Có người nói “Từ năm 3 tuổi, vì khi đó chúng ta đã bắt đầu có nhận thức về gia đình”, có phụ huynh lại nói “Từ khi lập gia đình”. Nhưng câu trả lời nhận được sự đồng ý của đa số hội trường và cả cô Bích Hồng, đó là “Ngay từ khi chúng ta còn trong bụng mẹ”. Cô chia sẻ: Ngay từ khi còn là bào thai, chúng ta đã bắt đầu nhận được sự chăm sóc, chất dinh dưỡng từ người mẹ. Chúng ta lớn lên, được sinh ra, chính là do tình thương từ gia đình, sự quan tâm của những thành viên.

TS. Nguyễn Thị Bích Hồng

TS Bích Hồng cũng chỉ rõ rằng, tác động của nhà trường tuy thường xuyên, nhưng cũng có những lúc tạm hoãn (nghỉ lễ, tết,…) Còn tác động của gia đình là sự tác động thường trực, liên tục. Bài học, sự giáo dục đến ngay từ những điều nhỏ nhất, bình dị nhất, như bữa cơm, cha mẹ hay dạy con rằng “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Hay ngay cả khi cả nhà quay quần xem tivi, những lời nhắc nhở “Con ngồi xa tivi ra, coi chừng hư mắt bây giờ” cũng góp phần hình thành thói quen, dẫn tới hình thành tính cách ở trẻ.

Đưa phụ huynh từ những câu chuyện, bài học ý nghĩa này đến những bài học ý nghĩa khác. “Một người mẹ dẫn đứa con trai đi dạo trong công viên, và đúng lúc bác bảo vệ mở cửa kho để lấy những chiếc xe đạp cho con nít ra ngoài. Đứa trẻ hào hứng chạy lại nhảy lên xe, và người mẹ chạy theo sau để xem chừng con mình. Xung quanh cũng có rất nhiều những đứa trẻ khác đang đứng nhìn, chờ cậu bé này xuống xe để được lên chơi. Đi được một đoạn, cậu bé nói nhỏ với người mẹ: Mẹ ơi, con mắc vệ sinh quá…”. Dừng lại ở đây, cô muốn phụ huynh đoán thử xem người mẹ sẽ trả lời con trai mình như thế nào. Rất nhiều ý kiến được đưa ra như: Vậy mẹ dẫn con đi nhé, mẹ con mình đi tìm nhà vệ sinh nào,… Nhưng đáp án cô đưa ra lại rất bất ngờ: “Người mẹ trả lời con mình: Con ráng nhịn đi, không thôi mất xe đạp là hết chơi đó”.

Chưa dừng lại ở đó, cô tiếp tục: “Vài năm sau đây, khi con trai cô ấy được 12,13 tuổi. Cô ấy lại phải tìm đến các nhà tham vấn tâm lý vì đứa con của mình sẵn sàng bỏ ăn, bỏ uống để chơi game thâu đêm suốt sáng. Thông thường, chúng ta rất dễ bắt gặp các bậc cha mẹ nói rằng “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Nhưng ta không nhận ra rằng, từng lời nói, hành động của chúng ta tác động đến trẻ từ khi còn nhỏ chính là tiền đề hình thành nhân cách của đứa con sau này.”

Lời nhắn nhủ: “Lợi ích của giáo dục chu đáo đó là: con nên NGƯỜI, tuổi già của chúng ta HẠNH PHÚC, và góp phần giúp cho xã hội LÀNH MẠNH.”. Hãy coi việc giáo dục con trẻ giống như việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng, mệnh giá gửi vào không phải tính bằng tiền, mà là bằng sự quan tâm, yêu thương đúng cách. Đến một lúc đủ lâu, đủ dài, “ngân hàng” sẽ “sinh lời”, con của chúng ta sẽ trở thành một người giàu tình thương đã làm nhiều phụ huynh rơm rớm nước mắt đầy cảm xúc.

“Tôi tự hào nhất là về gia đình”

Sau phần báo cáo của TS Nguyễn Thị Bích Hồng, quý vị phụ huynh còn có dịp giao lưu thân tình cùng với PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm TP.HCM). Thầy đã đem đến hội trường những câu chuyện rất đời thường, bình dị nhưng không kém phần sâu sắc và nhân văn.

 PGS. TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. HCM

Thầy chia sẻ: “Đến năm 12, mà tôi vẫn phải đưa đón con tôi đi học. Tôi sợ tập xe cho con, con sẽ đi chơi, sẽ gặp nhiều bất trắc. Nhưng sau này khi người con lớn của tôi lập gia đình, con đã quay lại nói với tôi rằng cách giáo dục của tôi ngày xưa là sai. Chính vì môi trường quá bảo bọc, quá níu giữ mà ngay cả chuyện chạy xe, con cũng không biết. Quý vị biết không, chúng ta là cha mẹ, đối với chúng ta con cái không bao giờ lớn cả. Nhưng rồi cũng phải đến lúc chúng ta tôn trọng và thả cho con có một không gian riêng của mình. Đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến tương lai của con, trước mắt là việc chọn ngành, chọn nghề.”

Thầy cũng kể câu chuyện rất thú vị, đó là tuy ở cương vị là Hiệu trưởng, thường xuyên có công việc nhiều, họp hành dày đặc. Nhưng thầy vẫn giữ thói quen về nhà lúc 5 giờ để đón con và ăn bữa cơm gia đình. Thầy cũng nói Cả hội trường cười xòa với câu nói dí dỏm: “Tôi cũng có lúc mặc quần lửng, áo thun chở vợ đi chợ đó thôi”.

Khi được phụ huynh hỏi rằng: “Thầy tự hào về công việc, hay về gia đình nhất?” Thầy đã đáp lại rất gãy gọn: “Tôi tự hào nhất là về gia đình”, sau đó thầy lí giải rất hóm hỉnh: “Tôi nghĩ công việc mà để tự hào thì mình phải những vị trí đặc biệt khác chứ hiệu trưởng thì có gì đâu”.

Kết thúc phần chia sẻ của mình, Thầy cũng gửi gắm đến các thầy cô của khoa Tâm lý nên tiếp tục duy trì, tổ chức các buổi chuyên đề rất ý nghĩa để giao lưu với những người quan tâm đến giáo dục, đến con người. Thầy cũng đánh giá khoa Tâm Lý Học được xem là một trong những khoa mạnh, trọng điểm của trường, và hi vọng với sức trẻ, sự nhiệt huyết của các thầy cô, khoa sẽ ngày càng phát triển và vững mạnh.

Hướng nghiệp cho con: dẫn đường hay cầm tay?

Phần cuối cùng của Ngày phụ huynh cũng là điểm đến làm khán phòng vỡ òa với nhiều tiếng cười và cũng nhiều sự suy ngẫm. Kì thi Trung học PTQG 2016 sắp đến, lựa chọn ngành nghề nào phù hợp cho con luôn là áp lực với nhiều phụ huynh. Không ít phụ huynh quá thương con đã làm cho quyết định của gia đình không còn chính xác.

PGS. TS Huỳnh Vằn Sơn - Trưởng Khoa Tâm lý học - Trường Đại học Sư phạm TP. HCM

Chia sẻ cùng quý vị phụ huynh, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng khoa Tâm lý học) đã mở đầu phần bằng các bức hình liên quan đến ngành nghề trong xã hội: Nông dân, công nhân, diễn viên, ca sĩ,… Đa phần khi được hỏi, phụ huynh thường trả lời muốn - không muốn con theo ngành này, ngành kia,… Tuy nhiên, thầy đã chỉ ra một điều mà phụ huynh hay quên: “Bạn muốn con mình như thế, nhưng thật sự cháu muốn gì?”. Tiếp sau đó là hàng loạt các câu hỏi khiến cho người lớn phải giật mình suy nghĩ “Chúng ta có sống mãi với con hay không mà quyết định tất cả mọi thứ trong cuộc đời của con sau này?”

PGS Sơn cũng chỉ rõ: Cha mẹ cho rằng mình lớn, mình trưởng thành, mình giỏi, mình nhanh nhạy, và có cái nhìn thấu đời, nên cha mẹ đã vô tình ép con của chính mình đi theo một con đường rất cứng nhắc. Con mình đi đâu, làm gì đều có sự hướng dẫn, nâng đỡ, chỉ bảo,… Rồi khi nào thì con mới có thể tự sức bước đi? Thầy chợt hỏi “Tôi là ai?”. Câu hỏi khiến ngay cả nhiều người lớn còn ngơ ngác, vì vậy làm sao chúng ta có thể áp đặt con mình là ai được. Có thể so với những người trong xã hội, cha mẹ là người hiểu ta nhất. Nhưng người thật sự hiểu ta phải chính là bản thân.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhắn nhủ đến các bạn trẻ cũng như quý vị phụ huynh, việc chọn ngành nghề tương lai phải tránh những sai lầm sau:

- Thụ động theo bạn bè, cha mẹ.

- Không biết tôi là ai, bất quyết, đứng núi này trông núi nọ.

- Mù, đói thông tin.

- Tự ti, mặc cảm hoặc đua đòi thái quá.

- Không hết lòng mà đòi thành công.

Bên cạnh đó, thứ tự ưu tiên khi quyết định nghề nghiệp của mình, đó là:

1. Năng lực - sở trường: Nghề nghiệp phù hợp tiêu chí này sẽ tạo ra sự hòa hợp và nhịp nhàng như một cặp đôi khiêu vũ điêu luyện.

2. Sở thích: Tạo hứng thú, cảm hứng, và động lực để vượt qua khó khăn, thử thách.

3. Nhu cầu xã hội: Khôn ngoan, nhìn xa trông rộng. Nên nhớ, không có ngành hot, chỉ có con người hot mà thôi.

“Phụ huynh nên nuôi cảm xúc, chứ đừng vội chốt hứng thú của con mình”, “Cha mẹ đừng quá vươn bóng dài, rộng, che khuất cả bầu trời tương lai của con. Đôi khi hãy thu nhỏ lại để con mình cảm thấy tự tin hơn, để biết rằng mình không đứng mãi trong cái bóng quá lớn của cha mẹ”- Thông điệp rất ý nghĩa mà Thầy chia sẻ với tất cả hội trường.

Tâm sự nho nhỏ của PGS. TS Huỳnh Văn Sơn làm nhiều người đều thỏa mãn: “Có rất nhiều người hỏi tôi rằng nếu cho tôi chọn lại, tôi có đi theo con đường này không? Dù tôi cũng phát hiện mình có khả năng làm được kha khá các công việc khác, nhưng tôi vẫn tiếp tục đi tiếp con đường này. Vì tôi yêu công việc, yêu đồng nghiệp, yêu chính những gì mình làm. Với lại đơn giản là tôi biết tôi với nghề này nó “đồng hành” cùng nhau thật chặt”.

Gần 11h 30, những lời cảm ơn của Ban chủ nhiệm khoa gửi đến Ban giám hiệu và quý phụ huynh thay lời kết cho Ngày phụ huynh nhưng sự luyến lưu vẫn giữ chân nhiều người ở lại. Có lẽ, tình cảm, sự trân quý dành cho nhau, những cảm xúc đong đầy là chất keo làm nhiều cử tọa vẫn cứ muốn kèo dài Ngày phụ huynh hơn nữa. Ngày phụ huynh – Chắc chắn sẽ là điểm đến của phụ huynh trong những hoạt động thực tiễn và cộng đồng của Trường Đại học Sư phạm TP. HCM và Khoa Tâm lý học.

(Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí)