Những món ăn đặc sản Nam Bộ

Từ xa xưa vùng đồng bằng sông Cửu Long rừng hoang đầy dẫy thú dữ, dưới sông đặc nghẹt cá sấu , ngư kình. Tiến trình cải tạo thiên nhiên đã được lưu giữ trong nền văn hóa khai hoang lập ấp của người Việt và nó gắn liền với những món ăn đặc sản ruộng đồng, bưng trấp nơi thôn dã, đã thưởng thức mùi vị khó thì mà quên được.
1. Ba khía:
Ba khía bắt đem về rửa sạch, ngâm trong nước muối nồng độ cao, bỏ vào khạp ít nhất một tuần lễ có thể coi là "Mắm ba khía". Khi ăn rửa nước sôi, tách yếm, bể càng, xé nhỏ bỏ trong tô trộn ớt tỏi chanh, giấm, đường. Ướp như thế khoảng 15 phút hoặc nửa giờ cho thấm gia vị, ăn với cơm rất ngon nhất là cơm nguội.
2. Chuột đồng úp trách:
Ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều người thích săn bắt chuột đồng để làm món ăn vì chuột đồng là món ăn khoái khẩu của lớp người chân đất. Có nhiều cách chế biến như chuột hầm sả, giả cầy, chuột xào sả ớt, chiên vàng nhưng món chuột đồng úp trách là món nhiều người ưa thích. 
Sau khi thui con chuột cho sạch lông, vứt bỏ bộ lòng, để nguyên con chuột ướp tiêu, muối, ngũ vị hương, bột ngọt, sả, nước tương cho đến khi gia vị ngấm sâu vào thịt. Sau đó dùng cây đâm xuôi từ đuôi đến đầu theo cột sống lưng chừa một đoạn để cắm xuống đất.
Ðịa điểm cắm chuột phải là nơi cao ráo, sạch sẽ. Cắm đứng những con chuột lên, lấy trách úp ngược miệng xuống đất, bên ngoài đốt lửa lên, đốt đến lúc nào mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Dở trách ra, ta thấy da chuột căng bóng, vàng rộm ánh lên mầu hổ phách. Con chuột trong que mang đủ hương vị thơm tho, mặn ngọt, béo giòn của trần gian. Dùng khi còn nóng không thua gì sơn hào hải vị, nhấp ngụm rượu thì còn gì bằng.
3. Nhộng ong kẹp gắp nướng lá nhàu:

 

Rừng tràm, rừng đước bạt ngàn, không những ong ngoài thiên nhiên mà người dân còn đặt kèo để lấy mật. Món ăn từ nhộng ong được bà con chế biến nhiều món như cháo ong, ong xào khóm, ong trộn bưởi, gói lá mướp, nhưng món bắt nhất vẫn là ong kẹp gắp nướng lá nhàu.
Nhộng của ong vò vẽ ngon, béo, bùi nhưng phải rút ruột lấy chất dơ, còn nhộng ong mật thì khỏi. Nhộng non thì kẹp gắp nướng từng mảng nhỏ, nhộng già thì nhiều con gói lại kẹp gắp nướng. Nước chấm rất dân dã, muối tiêu chanh hay nước mắm ớt. Khi nhộng chín khói bốc thơm lừng, cho một miếng vào miệng nhẩn nha nhai, nhộng ong bể ra cái bụp, chất béo ngọt hòa quyện với hương lá nhàu, chua cay mặn của muối tiêu chanh, tất cả tan vào đầu lưỡi, hương vị không chê vào đâu được.

4. Cháo đậu xanh nấu với rắn hổ

Ðất U Minh, Ðồng Tháp Mười nổi tiếng về rắn, rùa. Ðến mùa nước nổi bà con thường dẫn chó đi săn rắn hổ. Mỗi lần chó khịt và rắn khù là anh em có mồi nhậu. Khi bắt được rắn hổ, đập đầu cho chết. Nấu nước thật sôi để cạo vảy cho sạch, mổ bỏ nội tạng, chặt rắn thành từng khúc đều cỡ 8 phân. Hầm cho thật mềm mới vớt ra. Sau đó, đổ đậu xanh, gạo vào nước rắn, đậu xanh nở, gạo chín ta nêm nếm cho vừa miệng. Xé nhỏ từng khúc thịt rắn hổ như thịt gà, trộn rau răm, chanh, muối rắc ít tiêu. Nhai miếng thịt, húp miếng cháo nghe luồng mát lạnh tới ruột gan.

5. Dơi quạ hấp chao:

 Dơi quạ có nhiều ở vùng U Minh. Khi làm thịt dơi, lúc lột da tránh không nên để lông dính vào và tìm bỏ hết chất xạ trong con dơi, thịt mới mất mùi hôi. Chặt bỏ đầu, cánh, rửa thật sạch máu, chặt từng miếng vừa ăn. Sau đó lấy chao, bỏ bớt nước cho vài lòng đỏ hột gà đánh nhuyễn cùng với chao. Ðể gia vị vào ướp chung với thịt, một thời gian cho thịt thấm, sau đó bắc lên bếp hấp cách thủy đến thịt chín mềm. Món này ăn rất bổ, nhất là bổ thận.

Theo monngonsaigon