Những món ăn nên thử khi đến với Đà Lạt

Nem nướng

Nem nướng ở Đà Lạt đa dạng với nhiều thành phần như nem, bánh tráng, đồ chua, nước chấm và rau. Khi ăn dùng bánh tráng cuốn các loại rau: xà lách, chuối chát, khế, đồ chua, cùng với lát nem nướng và vài miếng bánh tráng ngọt chiên giòn lại, chấm vào loại nước chấm .Thưởng thức nem nướng vị ngọt tươi của rau xanh mát, tươi non của Đà Lạt, cùng với vị thịt heo thơm, nóng, vị bùi bùi của bánh tráng chiên hòa quyện vào thứ nước chấm béo béo sền sệt khiến mỗi miếng nem đều hấp dẫn như nhau, từ đầu đến cuối.

nem-nuong

Để làm nên món nem nướng cũng thật kì công. Thịt để làm nem là thịt heo mới mổ mang về xay nhuyễn với tỏi, đường, bột nêm, nước mắm ngon, sau đó vo thành những viên tròn rồi bao quanh que tre để nướng. Muốn cho nem ngon thơm và khi nướng bóng đẹp thì nên có thêm chút thịt mỡ. Than hoa được quạt thật hồng, đặt những xiên nem lên nướng, khi nghe tiếng xèo xèo của mỡ heo chảy xuống, mùi thơm lan tỏa xung quanh, mặt ngoài của nem có màu vàng là đã chín. Ăn kèm với nem nướng luôn có đồ chua, rau sống, bánh tráng chiên, và một loại nước chấm “độc chiêu” không lẫn vào đâu được.Nước chấm ở đây nấu từ xương heo được ninh kỹ lọc lấy nước cốt cộng với tương hột xay, rồi đánh nhuyễn hai hỗn hợp này lại với nhau, sau đó nêm gia vị nước mắm, bột nêm cho vừa ăn, thêm vừng rang, khi nào ăn mới múc nước chấm ra chén cho nóng. Vị béo của thịt, ngọt của nước chấm, giòn của bánh tráng thật là một hương vị khó quên.

Chả ram bắp

Món ăn đặc biệt có tên chả ram bắp, hiếm có ở bất kỳ nơi nào khác ngoài Đà Lạt. Chả bắp được làm khá công phu. Bánh tráng mỏng được cuốn bên trong là bắp non quết nhuyễn, hành tím băm, nêm thêm gia vị, tiêu xay… cho vào chảo dầu chiên giòn, vàng ruộm. Vị bắp non trong nhân thường rất ngọt và thơm, tạo cho cuốn chả bắp có hương vị hấp dẫn lạ.

charambap

Chả ram bắp ăn với rau, đồ chua, bánh tráng và loại nước chấm làm từ tương đậu phụng béo béo, có thịt xay rất vừa miệng. Chính loại nước chấm độc đáo này đã tạo nên sự hấp dẫn riêng cho món ăn và hình thành nét riêng của các quán.

Bánh ướt gà

Bánh ướt Không ăn với chả, nem hay bánh tôm, nem chua như nhiều nơi khác, ở Đà Lạt được ăn kèm với thịt gà, lòng gà. Sự kết hợp giữa bánh dẻo, mềm với thịt gà thơm ngọt, lòng gà giòn, khiến cho món ăn trở nên rất ngon và lạ miệng.

banhuotga

Người Đà Lạt làm bánh ướt khéo và rất cẩn thận ngay từ khâu chọn gạo đến chọn gà . Gạo tẻ làm bánh phải là gạo ngon, mới để bánh thật thơm. Khi tráng bánh, người tráng bánh cũng phải thật khéo để bánh đều mặt không bị chỗ dày chỗ mỏng. Về phần lòng gà và thịt gà dùng kèm với bánh ướt cũng phải được chuẩn bị rất kỹ. Gà phải là loại gà vườn không quá lớn, chắc thịt và thịt không được nhão hay quá dai. Lòng gà phải được làm thật kỹ để không bị tanh mùi, khi làm sạch sẽ được ướp sơ qua một chút gia vị cùng một ít hành tỏi cho thấm, khi nào dùng thì mới xào chín để lòng gà được giòn thơm. Thịt gà thường được hấp hoặc luôc chín tới và xé phay. Khi dùng, người ta dùng đĩa sâu lòng hoặc loại tô nông, cho bánh ướt nóng mới tráng vào, thêm một ít rau thơm, ớt thái lát rồi cho lòng gà xòa chín và thịt gà lên trên rồi rắc thêm một chút tiêu. Kèm theo đĩa hoặc tô bánh ướt lòng gà là một chén nước mắm pha vừa ăn có một chút tỏi, cay, ngọt dịu nhưng đặm vị. Vị dẻo thơm và rất mới của bánh ướt nóng mới tráng, chút béo ngậy của lòng gà và ngọt ngay của thịt gà vườn rất chắc, quyện trong vị nước chấm đậm đà, cay vừa phải thêm một chút nồng của ớt lẫn rau thơm khiến món bánh ướt ngon đến lạ lùng.

Atiso hầm giò heo

Atiso là loại cây được trồng rất nhiều ở Đà Lạt, canh Atiso hầm giò heo là món ăn đặc sản không thể thiếu trong các bữa ăn của gia đình người Đà Lạt.

atisohamgiaheo

Món atiso hầm được dùng khi nóng, với nước mắm ớt cay. Vị nước ngọt, thanh và xương hầm mềm, béo mà không nát càng khiến món ăn được lòng nhiều thực khách.Không chỉ là món ăn ngon, atisô hầm giò heo còn là loại thuốc bổ. Nó giúp cho người ăn ngủ ngon, lợi tiểu, mát gan.

Bánh tráng nướng

Bánh tráng nướng là món ăn đường phố đặc trưng của Đà Lạt. Để làm chiếc bánh tráng bao gồm nhiều loại thực phẩm nào là trứng cút, mỡ hành, thịt băm, tép rang và bánh tráng được làm từ bột gạo, thậm chí có nơi còn cho thêm khô bò.

banhtrangnuong

Chiếc bánh tráng mỏng manh được đặt lên vỉ nướng trên bếp than hồng, rồi các nguyên liệu lần lượt được dàn đều trên bề mặt cho chín. Để tăng thêm vị, bánh tráng thường ăn cùng với tương ớt cay nồng.

Bánh Căn

Bánh căn Đà Lạt được đúc trong khuôn đất, bánh hình tròn, nhỏ, vừa ăn,mềm, hương vị hoàn toàn khác với so với những nơi khác. Không phải là món ăn có nguồn gốc từ Đà Lạt nhưng đây là món bánh được nhiều người ưu chuộng. Bạn có thể tìm thấy món này ở mọi ngõ ngách Đà Lạt nhưng ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến các quán nằm trên đường Tăng Bạt Hổ.

banhcandalat

Cái ngon nhất của bánh căn là chấm ngập cặp bánh còn nóng hôi hổi vào chén nước chấm nồng vị ớt, béo ngậy mùi hành phi giòn và thơm. Vị thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng của bột gạo xay tan nhẹ cùng vị bùi bùi, béo béo của trứng cút hoặc trứng vịt cùng vị đậm đà rất riêng của nước mắm và gia vị, chả lụa hay xíu mại.

Bánh canh

Đến Đà Lạt bạn củng đừng quên thưởng thức món bánh canh một món ăn dân dã mang nét riêng của Đà Lạt.Trong cái không khí se lạnh của Đà Lạt, tô bánh canh chả cá bốc khói nghi ngút, điểm xuyết mấy miếng chả màu vàng, ít hành lá xắt nhuyễn, hành củ chẻ sợi nhìn đã muốn ăn. Với những sợi bánh canh được làm thủ công dai và mềm, cùng với chả cá giòn và mịn, nước dùng đậm đà, thêm một ít chanh, ít mắm ớt ngon tuyệt.

banhcanhdalat

Ở Đà Lạt có rất nhiều quán bánh canh. Một số đã có chút danh tiếng như quán bánh canh Phan Rang đường Trần Phú hay số 22 Hai Bà Trưng. Nhưng nổi tiếng nhất là quán Xuân An quán nằm gần nhà thờ Con Gà trên đường Nhà Chung.

Bún bò ấp Ánh Sáng

bunboapanhsang

Gọi là ấp song đó chỉ là một con đường bán bún bò Huế, do người Huế chế biến nằm ngay cạnh Hồ Xuân Hương. Khác với các nơi khác, tô bún bò Huế ở đây chân phương với nước dùng chỉ sóng sánh chút màu, khoanh giò to vừa, hành lá xắt nhuyễn và miếng huyết chín be bé. Ngoại trừ việc thiếu những trái ớt xanh sừng cong bày trên đĩa như các quán tại Huế, món bún bò tại đây gần như giữ trọn vẹn hương vị của món ăn.

Bánh bèo

Bánh bèo Đà Lạt có pha thêm chút bột lọc nên hơi trong và có một chút dai dai. Trong khi đó, nước sốt tôm thịt lại sánh, màu cam bắt mắt và có vị thanh hấp dẫn.

banhbeodalat

Bánh bèo Đà Lạt ngon và hấp dẫn vì có một chút trong, một chút dai và hơi dẻo bởi trong bột đổ bánh, người ta có pha thêm một chút bột lọc. Kèm theo bánh bèo chén là nước chấm tôm nhuyễn và thịt bằm, thông thường là vậy bởi mỗi quán phục vụ lại có một bí quyết và cách chế biến của riêng mình, có khi quán này có món nước chấm hơi lỏng màu vừa, nhưng cũng có quán nước chấm sệt hơn một chút và màu vàng cam hơn. Chỉ có một điều đặc trưng của nước chấm mà tất cả các quán đều thể hiện đó là vị rất thanh và nhẹ nhàng.

Các bạn có thể đến khu chợ đêm Đà Lạt hay còn gọi là chợ Âm Phủ chuyên phục vụ những món ăn khuya, tạo nên một không gian văn hóa ẩm thực độc đáo ngay trung tâm thành phố.

Rượu vang , rượu cần Đà Lạt

Không chỉ là một thức uống, rượu vang và rượu cần ở Đà Lạt còn gọi là đặc sản, là cái hồn tinh túy của xứ sở sương mù. Nổi tiếng nhất là thương hiệu vang Đà Lạt. Vang Đà Lạt nhanh chóng trở thành thức uống và món quà được nhiều người ưa chuộng.

vangdalat

Vang là sản phẩm được lên men từ các loại trái cây đặc trưng của Đà Lạt như: dâu, nho… Qua quá trình chế biến bằng công thức truyền thống và công nghệ hiện đại, rượu vang ra đời với hương vị thơm ngon, đậm đà, mang tính năng bồi bổ sức khỏe, thường xuyên xuất hiện trên các bàn tiệc, bữa ăn gia đình của nhiều người trên khắp cả nước.

Ngoài rượu vang, Đà Lạt còn có món đặc sản rượu cần của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Hương rượu cần ngon không kém một loại rượu nổi tiếng nào. Bạn sẽ được thưởng thức rượu cần với đồng bào người dân tộc trong những đêm hội cồng chiêng do nhiều công ty du lịch lữ hành ở Đà Lạt tổ chức. Trong không khí giao lưu đầm ấm, trong tiếng cồng chiêng rộn rã, chén rượu cần được mang ra cho mọi người cùng thưởng thức hương vị của phố núi…

Trái cây Đà Lạt

Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi vơi không khí mát mẻ quanh năm, rất phù hợp cho những loại cây ưu lạnh, ôn đới phong phú như hồng, bơ, dâu tây , đào ….

traicay

Trái cây tại Đà Lạt có quanh năm, Hồng trái rộ vào mùa thu với các loại: hồng giòn, hồng tàu, hồng khía, hồng trứng… Bơ có vào mùa hè, trái không to như bơ Buôn Mê Thuộc, nhưng dẻo và béo hơn. Đào lông thường có vào cuối xuân, đầu mùa hạ. Trái đào lông khi chưa chín có màu xanh lục, chín có màu phơn phớt hồng, bên ngoài phủ một lớp lông trắng mịn như nhung. Đào lông có vị chua chua, ngòn ngọt. Dâu tây thì thường có vào mùa khô, trái dâu màu đỏ, ở Đà Lạt có 2 loại: dâu tây Pháp màu đỏ nhạt, trái nhỏ nhưng vị ngọt hơn dâu Mỹ – trái to và hơi chua.

Mứt Đà Lạt

Nhờ nguồn trái cây và hoa vô cùng phong phú nên các loại mứt Đà Lạt cũng rất đa dạng.  Có rất nhiều loại mứt cho bạn lựa chọn như: mứt hồng (hay còn gọi là hồng khô), được làm từ trái hồng chín phơi khô, mứt mận, mứt đào, mứt dâu tây, mứt dâu tằm, khoai lang dẻo, mứt hoa hồng…

mut-da-lat

Các loại mứt ở đây màu sắc tươi tắn bắt mắt, độ ngọt vừa phải, thơm và dẻo rất dễ ăn. Mứt của Đà Lạt có quanh năm và mang nét độc đáo riêng không nơi nào có được. Mỗi món có vị ngon riêng và món nào cũng đẹp. Mứt mơ màu vàng ươm như mật. Mứt dâu đỏ tươi. Mứt thanh đào xanh mướt. Mứt khoai lang vàng nâu mượt mà. Khi thưởng thức, bưng chén trà nóng hổi cho vào miệng một ngụm, ngậm lại một chút, phải cắn nhẹ nhàng. Miếng nhỏ cũng phải cắn ra để thưởng thức hết vị ngọt, thơm của nó. Nhai cũng phải từ tốn, Ngậm lại một chút để thưởng thức. Trong một chuyến lên xứ hoa đào, một “tín đồ” mứt Đà Lạt đã dạy chúng ta thưởng thức loại đặc sản này như thế..Bạn có thể mua các loại mứt đặc sản được bán trong khu chợ Đà Lạt để làm quà biếu.

Các loại rau củ quả Đà Lạt

Không chỉ là vương quốc của các loài hoa, Đà Lạt còn là xứ sở của các loại rau quả. Rau quả ở Đà Lạt có chất lượng cao, không những cung cấp rau quả cho các tỉnh trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài.

rauquadalat

Rau Đà Lạt có khá nhiều chủng loại như: cải bắp, cải thảo, bó xôi, súp lơ, atisô, cần tây, đậu Hà Lan, cà rốt, khoai tây, su su, cải ngọt… Có lẽ nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên mà rau quả Đà Lạt lúc nào cũng tươi ngon, ngọt và mượt mà hơn hẳn những nơi khác.

Đà Lạt còn nổi tiếng với những món tráng miệng làm từ trái cây tươi ngon, vốn là đặc sản của xứ lạnh. Trong đó phải kể đến kem trái cây, đặc biệt là món kem bơ vô cùng hấp dẫn.

Theo vinadiscover