"Phượt" qua Hải Vân Quan

 Chúng tôi thức dậy rất sớm vào một sáng ở Huế, nuốt vội tô bún bò tại một quán vỉa hè ưa thích, rồi bắt đầu lên đường tới Đà Nẵng. Thời tiết ấm áp và dễ chịu với làn gió thoang thoảng. Thật hoàn hảo cho một ngày lên đường. Chúng tôi sẽ đi 108 cây số vượt qua nhiều núi đồi trong đó có ba con đèo đáng nhớ. Mẹ chồng tôi khuyên chúng tôi nên đi ôtô cho an toàn nhưng cuối cùng chúng tôi đã chọn đi bằng xe máy để được ngắm cảnh nhiều hơn.

 
Chúng tôi tới Phước Tường, con đèo đầu tiên với những khúc lượn ngoằn ngoèo. Leo lên cao hơn nữa, chúng tôi tới điểm cuối và bất ngờ là chúng tôi vừa quay trở về điểm bắt đầu. Xe bị hết xăng, may sao có một “trạm xăng” phía trước. Một cậu bé ngồi ven đường, trên một chiếc ghế mũ đỏ cho trẻ. Cậu ta cho cái phễu vào miệng bình xăng và đổ xăng ra từ một cái bình nước 1 lít cũ kỹ, rồi chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
 
 
Chúng tôi băng qua con đèo thứ hai tên là Phú Gia, với những triền núi vây quanh lấy chúng tôi. Cảnh vật mỗi lúc lại càng tráng lệ hơn. Cuối cúng chúng tôi cũng tới được đèo Hải Vân nổi tiếng, đèo cao nhất trong các đèo ở Việt Nam (khoảng 500m so với mực nước biển), một danh thắng gắn liền với mệnh danh “Đệ nhất hùng quan” với cảnh đẹp đến xiêu lòng nhưng cũng chứa đầy hiểm nguy. Đôi lúc, chúng tôi nhìn thấy một vài bát hương ven đường để tưởng nhớ những người đã bỏ mạng trên đường. Hôm nay không có sương mù và đường thì khô thoáng. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước và chúng tôi quyết định dừng chân nghỉ ở ven đường làm một lon Bò húc nhập khẩu từ Thái Lan. Đó là một thức uống màu vàng có vị như là thuốc chứa đường. Tôi không hiểu tại sao mọi người lại thích nó nhưng nó gây cho bạn cảm giác khá thú vị.
 
 
Đèo Hải Vân độ dốc chỉ 8% nhưng một bên kia dốc thẳng xuống biển và những con đường ngoằn ngoèo như một con rắn. Tôi có rất nhiều cơ hội để ghi lại những bức hình đẹp. Tôi quay hết chỗ này rồi lui tới chỗ khác, cố gắng kiếm lấy một tấm hình đẹp nhưng tôi biết tất cả những tấm hình đều không thể thể hiện hết được những gì mà tôi nhìn thấy trước mặt. Cuối cùng chúng tôi cũng tới đỉnh đèo, và cảm nhận rõ cái nóng ấm của không khí ở phía bên kia. Chúng tôi lướt xe ngang qua những cây thông đung đưa trong gió. 
 
 
Mấy nhà máy của thành phố Đà Nẵng bắt đầu hiện ra trước mắt, lấp ló trong màn sương mờ như khói. Tới thành phố từ hướng này, không ai lại không ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đầy ấn tượng của những rặng núi bao quanh. Trung tâm thành phố phát triển khá hiện đại và thu hút nhưng tầm nhìn từ đây chỉ thấy khung cảnh của những bình dầu. 
 
Chúng tôi dừng lại đổ xăng. Một người phụ nữ đứng tuổi răng nhuộm đen đội nón đi tới rót xăng cho chúng tôi. Chúng tôi tới biển rồi vào thành phố, nơi thật ồn ào mang hơi thở công nghiệp. Nó khiến tôi bắt đầu nhớ không khí trong lành của Huế.
 
Buổi trưa chúng tôi tới nhà một người quen là bác Tư Châu để ăn trưa trong không gian bếp rộng rãi lợp ngói hồng. Tôi ngắc ngứ với những câu hỏi vì đây là lần đầu tiên tôi tới gia đình bác. Dù do những âm thanh rỗng của căn phòng lợp ngói, hay bởi vì tôi quen với giọng của người Huế hơn là giọng Đà Nẵng, tôi cảm thấy rất khó để bắt kịp câu chuyện. Sau bữa ăn, mọi người nằm ngả lưng nghỉ trưa. Tiếng ếch nhái kêu rộn rã bên tai đưa chúng tôi vào giấc ngủ. Thời gian còn lại trong ngày chúng tôi tới thăm gia đình, ăn tối, bác tôi tự tay chế biến món mì Quảng một đặc sản của Đà Nẵng với sợi mì vàng ươm, tôm, thịt và rắc bên trên vài lá thơm.
 
 
Sáng hôm sau, thức dậy từ 6 giờ, sau bữa sáng, chúng tôi lái xe dọc theo đại lộ rộng dài và làm một vòng tham quan thành phố. Bụi và công trình xây dựng hầu như hiện diện ở mọi nơi. Người ta nói rằng trong vài năm tới, Đà Nẵng sẽ trở thành một thành phố xanh sạch đẹp. Nhưng giờ đây chúng tôi phải che mũi lại để tránh hít phải những khí bụi đen từ những chiếc xe tải vận chuyển. Chúng tôi rẽ vào một con ngõ, rẽ trái rồi lại rẽ phải giữa những bức tường xi măng cho đến khi tôi bị mất phương hướng. Một lúc sau chúng tôi đã có thể nhìn thấy những cánh đồng lúa trải dài trước mặt. Con đường chuyển dần từ đường đá lô nhô cho đến bùn lầy. Mặc dù chúng tôi đang ở giữa trung tâm của thành phố lớn thứ 3 của cả nước, chúng tôi hầu như không nghe thấy tiếng ầm ầm của xe cộ. Tôi được giới thiệu với bác Hùng, một người làm vườn ngồi trong cái lán nhỏ với vợ. Họ không thể rời đây khi hoa đang nở. Nếu buổi tối họ về nhà thì chỉ sáng sớm dậy ruộng hoa sẽ bị ngắt hết. 
 
Hôm sau, chúng tôi lên đường trở lại Huế. Trên đường đi, một nhóm cảnh sát đang kẻ một đường tròn xung quanh một chiếc xe máy bị đổ trên đường. Những nhóm trẻ con tụ tập lại mặc đồng phục xanh trắng với khăn quàng đỏ cùng biển tên gắn trên ngực áo. Cuối cùng, Đà Nẵng lùi ra phía sau chúng tôi, những công trình đồ sộ trong vùng đầm lầy ở sông Hàn lấp lánh trong ánh nắng sớm mai. Khi thành phố lùi dần ra xa, con đường bắt đầu trở nên ngoằn ngoèo và chúng tôi chỉ nhìn thấy những đỉnh núi nhấp nhô thoáng hiện trong màn sương mù, rừng thông cùng với biển. Vài cây số nữa chúng tôi băng qua một người đang mắc một chiếc áo khoác sạch lên trên tấm biển chỉ đường. Dường như chỉ có chúng tôi, vì hầu hết mọi người đều đi trong đường hầm được xây từ năm 2005. Nó rút ngắn quãng đường đáng kể cho chúng tôi nhưng xe máy không được phép đi qua vì nó nguy hiểm và không khí bên trong quá ô nhiễm cho loại phương tiện không có mái che. Chúng tôi dừng lại một lần nữa trên đường để nghỉ ngơi sau chặng đường. Có người nhìn thấy chúng tôi và mang cho chúng tôi hai lon Bò húc.
 
 
Hơn nửa chặng đường trở về nhà, chúng tôi nhiều lần ngừng xe nghỉ và cố gắng kéo dài thời gian dừng lại ven đường. Chồng tôi nhấp nháy mắt vì ánh nắng sớm và lông mày như có màu xanh trong ánh sáng xiên, làn da lốm đốm những nốt vàng của ánh nắng. Chúng tôi lại cầu cho mưa thuận gió hòa cho chuyến đi tốt đẹp, và rồi lát sau chúng tôi lại lên đường trở về Huế.
 
CHRIS GALVIN