Qua ải Chi Lăng

 

Thế trận của núi rừng Chi Lăng - Ảnh: Việt Dũng

“Bản nguyệt thập bát nhật Liễu Thăng vị ngã quân sở công, kế trụy ư Chi Lăng chi dã. Bản nguyệt nhị thập nhật Liễu Thăng hựu vị ngã quân sở bại, thân tử ư Mã Yên chi sơn...” (Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế. Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu).

Chi Lăng vẫn đó, Mã Yên vẫn đây và dấu tích tượng đá hình người quỳ gối cụt đầu gọi là “Liễu Thăng thạch” - tên viên tướng nhà Minh bị Lê Sát, tướng quân của Lê Lợi, chém chết tại ải Chi Lăng tròn 585 năm trước (năm 1427).

Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất

Năm 1980, sau khi tham dự hội thảo kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, sử gia người Pháp, tiến sĩ Charler Faudier đã đến Chi Lăng tham quan và ngạc nhiên thốt lên: “Đây là một bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới!”.

Trải rộng trên địa bàn hai xã Chi Lăng và Quang Lang, khu di tích lịch sử Chi Lăng dài đến 20km với 52 điểm di tích. Và có lẽ không một cửa ải nào trong lịch sử nước Việt lại hào sảng chiến công như Chi Lăng. Cái thế của một đất nước luôn bị kẻ thù rình rập đã bù đắp cho giang san một miền đất hiểm yếu.

Đứng trước nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng, phóng tầm mắt ra một dãy núi như tường thành dựng đứng mới thấy thế trận thiên nhiên ban tặng cho đất nước. Kẹp giữa hai dãy núi sừng sững chỉ còn một cửa ải hẹp và dài, con đường duy nhất kẻ thù có thể tiến về kinh đô Đại Việt xưa. Đi qua ải này, chỉ cần phục binh đánh chặn thì kẻ thù không thể nào xoay xở. Bởi thế Chi Lăng luôn là tử địa của quân xâm lược phương Bắc.

Từ Chi Lăng nhìn lên dãy trường thành thế trận núi đá có thể thấy một ngọn núi hình mặt quỷ, lối đó gọi là Quỷ Môn quan. Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn chép rằng từ thời nhà Tấn (265-420) quân địch xâm lăng đi qua ải này bị giết nhiều đến nỗi đã để lại câu thơ hãi hùng đến bây giờ: “Quỷ Môn quan, Quỷ Môn quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (Quỷ Môn quan, Quỷ Môn quan, mười người đi, chỉ một người trở về).

Miền hiểm địa khi chiến tranh nhưng Chi Lăng cũng là đất cho người những sản vật ngọt thơm. Quả na ở Chi Lăng nay đã là một thương hiệu. Na Chi Lăng được trồng nhiều trên những sườn núi, một nguồn thu đáng kể cho người dân vùng đất này. Khách dừng lại tham quan khu di tích và nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng có thể được mời ăn những quả na ngọt ngào, dày cùi, hạt nhỏ, thơm ngát.

Mơ một “Chi Lăng phù điêu”

Với địa thế của mình, được mệnh danh là “bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất” lại có vị trí thuận tiện khi cách Hà Nội chỉ 105km và cách Lạng Sơn 50km, Chi Lăng sẽ thu hút du khách nhiều hơn nếu liên kết được tất cả điểm di tích này thành một tour khép kín, kết hợp tham quan các di tích lịch sử lẫn tìm hiểu văn hóa của đồng bào các dân tộc trong vùng.

Bác Nguyễn Văn Cầu, nhân viên bảo vệ của nhà trưng bày chiến thắng, cho biết có rất nhiều khách đến tham quan, nhưng tham quan nhà trưng bày thì... 30 phút đã xem hết, sau đó không biết đi thêm những đâu, trong khi toàn khu vực di tích có đến 52 điểm tham quan. Một doanh nhân làm du lịch từng tâm sự: nếu chọn một nơi để minh chứng sự quật cường của người Việt chống lại kẻ thù xâm lược phương Bắc suốt mấy ngàn năm, có lẽ không đâu hơn đất Chi Lăng. Bởi thế, Chi Lăng cần được quảng bá nhiều hơn, có nhiều cách thu hút du khách hơn, một ngày hội Chi Lăng hằng năm sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Và chúng tôi, dọc dài theo con đường qua ải Chi Lăng cũng đã từng mơ sao không thể có một bức phù điêu như một trường thành, tái hiện chiến thắng của cha ông ngày trước qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê... Một bức phù điêu dài vài trăm mét trên ải Chi Lăng, dọc con đường xuôi Lạng Sơn - Hà Nội khiến mỗi người dân khi nhìn thấy sẽ tự hào hơn về lịch sử nước mình, nuôi dưỡng trong lòng tinh thần quật cường bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Những hình ảnh trên phù điêu ấy sẽ luôn là một bài học quý giá, nhắc nhở chúng ta rằng cha ông ta đã bảo vệ giang sơn đất Việt như thế nào...

 Lịch sử nước Việt đã nhiều lần đối mặt với quân xâm lược phương Bắc, và dù thế giặc mạnh đến đâu, ải Chi Lăng cũng là nơi quân thù nếm mùi thảm bại. Không chỉ thời nhà Minh với tướng giặc Liễu Thăng bị chém bay đầu, từ thuở nhà Tống cho quân sang xâm lăng Đại Cồ Việt, tướng quân Lê Hoàn đã từng giết chết tướng giặc là Hầu Nhân Bảo. Thời nhà Lý, phòng tuyến Chi Lăng của phò mã Thân Cảnh Phúc đánh tan tác đạo binh nhà Tống trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Thời nhà Trần, tướng nhà Nguyên là Nghê Nhuận qua ải Chi Lăng cũng bị phục binh bẫy hố, cả người lẫn ngựa bỏ mạng trên ải này...

Từ nhà trưng bày chiến thắng nhìn ra Quỷ Môn quan - Ảnh: Lê Đức Dục

Theo Tuổi Trẻ- LÊ ĐỨC DỤC