Theo đó, cổ đông của BHS sẽ nhận được một lượng cổ phiếu tương ứng của SBT trên cơ sở tỷ lệ hoán đổi là 1 : 1.02 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu BHS vào ngày chốt quyền sẽ hoán đổi lấy 1.02 cổ phiếu SBT). Như vậy, SBT dự kiến phát hành 303.83 triệu cổ phần để thực hiện hoán đổi 297.87 triệu cổ phần BHS. Sau khi hoán đổi, SBT trở thành chủ sở hữu duy nhất sở hữu 100% vốn điều lệ của CTCP Đường Biên Hòa. Với việc phát hành thêm cổ phần này, Đại hội cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ TTCS thêm tối đa là 3.038 tỷ đồng, tương ứng với giá trị của số lượng cổ phần phát hành thêm.
Kết quả của việc sáp nhập là các cổ đông của cả hai công ty sẽ nhận được lợi ích trực tiếp khi hiệu quả hoạt động được gia tăng sau sáp nhập nhờ cộng lực các yếu tố như cắt giảm chi phí ở những bộ phận có cùng chức năng, tăng doanh thu, nâng cao tiềm lực tài chính làm gia tăng giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là tăng giá trị vốn chủ sở hữu và thanh khoản cổ phiếu được tốt hơn.
Bên cạnh, ĐHĐCĐ cũng thông qua nhiều nội dung quan trọng như dự thảo hợp đồng về việc sáp nhập và phương án kinh doanh sau sáp nhập; kế hoạch niêm yết bổ sung cổ phiếu phát hành; bổ sung ngành nghề kinh doanh và dự thảo Điều lệ sau sáp nhập… Sau khi hoán đổi cổ phiếu, BHS được đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty TNHH MTV với tên gọi là Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai. Đồng thời, TTCS và BHS tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh bình thường như trước khi sáp nhập, việc thực hiện tổ chức lại và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của BHS được ủy quyền cho Hội đồng Quản trị của TTCS thực hiện.
Sau sáp nhập, SBT đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.353 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 674 tỷ đồng niên độ 2017 - 2018 và dự kiến Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai đạt kế hoạch niên độ 2017 - 2018 với doanh thu mang về hơn 4.688 tỷ đồng, LNTT 323,2 tỷ đồng. Bước đi chiến lược này cũng góp phần mang tới sự chủ động hơn về việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu khi TTCS sở hữu tổng cộng 49.000ha, chưa kể đến vùng nguyên liệu rộng lớn được TTCS và BHS mua lại từ Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar).
Với đặc thù yếu tố nguyên liệu chiếm đến trên 80% giá thành sản xuất, đây được xem là động thái tích cực của ngành đường TTC, nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa ngành đường Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực, đồng thời tiếp tục đảm bảo năng lực cung ứng các sản phẩm đường sạch, vì sức khỏe cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường thực phẩm xanh, sạch trên cả nước và khẳng định tính bền vững của một trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Có thể nói, trong suốt 38 năm hình thành và phát triển, TTC luôn tiên phong trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, mía đường, nông sản… để nâng cao chuỗi giá trị, tác động tích cực vào thị trường mở như hiện nay.
Hy vọng rằng, với quy mô tương đối phù hợp để cạnh tranh cùng các doanh nghiệp ở tầm khu vực và những dự báo về hiệu quả sau sáp nhập TTC sẽ góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành mía đường Việt Nam.
Ngô Mạnh Hùng