TRÊN NHỮNG CHẶNG ÐƯỜNG
Khởi hành từ Sài Gòn, nhóm chúng tôi chuẩn bị cho nhau những hành trang cần thiết cho chuyến đi phượt. Những bình nước mát, những ổ bánh mì được trao tay nhau. Dù chỉ là chuyến đi bụi, phượt nhanh qua vài địa danh nhưng tất cả đề háo hức, nôn nao và bàn tán xôn xao về những nơi mà mình sẽ đến. Lần lượt những địa danh quen thuộc như Long An, Mỹ Tho, Ngũ Hiệp được mọi người thông qua. Hành trình được vạch ra là: nhóm sẽ ghé thăm khu làng cổ Phước Lộc Thọ ở Ðức Hòa - Long An, kế tiếp là ăn sáng ở Trạm dừng chân Mekong và tham quan thành phố Mỹ Tho một vòng trước khi thẳng tiến về Ngũ Hiệp. Sau khi thống nhất, từng chiếc xe nổ máy lên đường. Ði qua chợ Bà Ðiểm, Xuân Thới Thượng, Ngã Ba Giồng và dần bước vào khu vực Long An theo tỉnh lộ 824, chỉ hơn 1 giờ ngồi xe máy, khu làng cổ đã an vị ngay trước mặt chúng tôi với chiếc cổng gỗ mun đen hoành tráng, cạnh bên là hai chú lân đá cẩm thạch hồng đang giương nanh múa vuốt. Ðối diện bên đường là một hồ sen tỏa hương ngào ngạt, cùng với những cánh hoa rung rinh trong sương sớm.
VỀ MỸ THO ÐẠI PHỐ
Vào thăm thành phố Mỹ Tho nằm cách ngã ba Trung Lương chừng vài kilomet. Ði cùng xe với tôi là Thắm – “thổ địa” Tiền Giang, gia đình cô đã có 5 đời sinh sống tại mảnh đất này. Qua Thắm tôi được biết, Mỹ Tho đại phố từng là một trong những đầu mối giao thương giữa người Việt, người Hoa, Khmer, Ấn Ðộ và các quốc gia lân cận cuối thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Ngày ấy, nơi đây nhộn nhịp ghe thuyền từ khắp nơi tụ về; trên bờ thì ngựa xe tấp nập. Xa xưa, cơ quan hành chính của triều đình nằm tại dinh Trấn Ðịnh (thuộc thôn Tân Hiệp - huyện Châu Thành ngày nay). Ðến năm 1781, triều đình nhà Nguyễn mới chính thức di dời lỵ sở về Mỹ Tho để hình thành trung tâm kinh tế, thương mại, chính trị. Ngày nay, dù cố công tìm kiếm nhưng dấu vết của Mỹ Tho đại phố còn lại không nhiều lắm. Từ đường Nguyễn Huỳnh Ðức, chúng tôi làm một cuộc đi tìm quá khứ theo tuyến đường này để đến chợ trung tâm và bến đậu ghe thuyền, bến xe ngựa theo dòng sử cũ. Thắm cho biết: “khi chính quyền Pháp đô hộ, người Pháp cho dời chợ về phía Tây sông Bảo Ðịnh (khu vực phường 1 ngày nay), và chợ trung tâm của Mỹ Tho đại phố trở thành Chợ Cũ. Cố gắng kiếm tìm, chúng tôi gặp được vài địa danh xưa như đình Ðiều Hòa, Thánh đường Hồi giáo Ấn Ðộ, khu mộ An Kiều và nghĩa trang Phước Kiến trong tình trạng tiêu điều, hoang phế”.
TÁT MƯƠNG, HÁI TRÁI TRÊN CÙ LAO NGŨ HIỆP
Rời Mỹ Tho, chúng tôi tiếp tục đến cù Lao Ngũ Hiệp. Cả nhóm quay ngược ra tuyến quốc lộ 1A, chạy tiếp gần 30km đế đến ngã tư Cai Lậy. Tại đây, có một đường lộ nhỏ quẹo trái hướng về Ba Dừa. “Phượt” thêm một đoạn chừng 7km, chúng tôi thẳng xuống phà Ngũ Hiệp qua sông. Thắm cho biết: “Thuở ban đầu, cù lao này có tên là Trà Tân, ngoài ra còn có sách ghi tên Kiến Lợi vì cù lao thuộc phạm vi của Tổng Kiến Lợi bao trùm gần hết phía Nam huyện Cai Lậy ngày nay. Nhưng hơn 50 năm trước, cái tên cù lao Năm Thôn là địa danh quen dùng nhất, vì nơi này có 5 thôn ấp cùng cư ngụ”. Sau này, cù lao được đặt lại theo âm tự Hán Việt là Ngũ Hiệp, với ngụ ý 5 thôn hòa hiệp cùng vui sống trên mảnh đất tình người. Phà cập bến, chạy tiếp chừng 800m là gặp vườn chú Tư Hiệp nổi danh với kiểu du lịch sinh thái miệt vườn. Lom khom qua chiếc cầu khỉ lắc lư và chui vào vòm cổng chằng chịt hoa giấy, khu vườn hiện ra trong không gian ngát xanh. Ở vùng này, người dân sáng tạo ra những món ăn dân dã khá ngon và lạ miệng. Lần đầu tiên, tôi có dịp nếm thử món chuối sáp luộc chấm nước mắm kho quẹt. Mới đầu thấy là lạ nhưng có ăn miếng đầu tiên, mới thấy độ đậm đà của miếng chuối luộc sừn sựt, bùi bùi, kết hợp với vị mặn của nước mắm kho kẹo với nước dừa tươi. Tiếp đến, cả nhóm được chiêu đãi các món độc đáo như: cháo hến, thịt kho tàu ăn kèm dưa cải, gỏi cuốn chấm tương xay, hay bánh tráng cuốn thịt luộc chấm mắm tôm chua… những món ăn đậm chất dân dã miền Tây.
Sau bữa cơm là chương trình “học” làm nông dân, đi chân đất thăm vườn và cùng tát mương, hái trái. Ðất ướt mát lạnh làm bàn chân lâu ngày chưa hề chạm đất cảm thấy là lạ rồi cũng nhanh chóng quen dần. Lúc này, cả nhóm trông ra vẻ nông dân chính hiệu trong bộ đồ nâu sậm cùng chiếc khăn rằn quấn cổ. Vài cô bạn ngắm nghía chiếc gàu sòng và học cách tát nước còn nhóm con trai thì hăng hái xuống mương mò cá. Không gian tràn ngập tiếng cười đùa, tiếng hét và cả tiếng suýt xoa tiếc rẻ khi bị sảy cá… Chừng 2 giờ bì bõm trong mương, 14 chú cá lóc và cá trê đã yên vị trong thùng. Lúc này, chú Tư Hiệp hướng dẫn cả nhóm cách nướng cá bằng rơm và ăn dã chiến ngay trong vườn với lá chuối thay dĩa và dùng tay để bốc. Kết thúc bữa ăn là món sầu riêng tráng miệng. Vừa ăn, Thắm vừa hướng dẫn cả nhóm cách phân biệt giữa các loại Sầu riêng Sáu Ri, Chuồng bò, Khổ qua và loại cơm vàng béo ngậy. Ði thăm vườn, tôi mới biết sầu riêng khi chín tự rụng nên không cần phải bẻ hái, đặc biệt loại trái này chỉ rụng về đêm. Thắm còn hướng dẫn cách dùng cặp lồng để hái xoài, mận và chôm chôm. Loay hoay một lúc, tôi “tự hào” khi chính tay mình hái được một trái xoài chín cây ngọt lịm từ trên cao. Thưởng thức trái cây trên dãy Ngũ Hiệp hiền hòa, tôi cảm nhận được cuộc sống này quá đỗi yêu thương.