Tây Nguyên - Nắng gió Mùa Xuân

Trong cuộc hành trình từ Tp.HCM lên Buôn Ma Thuột, chuyến xe khá vất vả vì đoạn đường từ Bù Đăng Bù Đốp kéo dài tới Buôn Ma đang trong giai đoạn sửa chữa. Đường thật xấu với những ổ gà, ổ voi dày đặc. Có vài đoạn, anh tài xế phải dốc toàn lực và kinh nghiệm để vượt qua những vũng bùn đỏ sậm đất bazan đặc quánh.

 


Gần 10 tiếng đồng hồ vật vờ trên đoạn đường 350km, cuối cùng tôi cũng đến đích. Đắk Lắk chào tôi với ngọn gió lồng lộng se lạnh và cái nắng vàng ươm rực rỡ đến kỳ lạ. Chậm rãi hít thở luồng gió mát ruợi, Buôn Ma Thuột cuốn hút tôi với một điều đơn giản: không khí trong lành!
Người Ban mê khá yêu thiên nhiên cây cỏ, các con đường Hai bà Trưng, Lý thường Kiệt, Nơ Trang Long, Y –Jút, Phan Bội Châu, Nguyễn Tất thành, Lê Duẩn… có rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát trên mặt đường nho nhỏ. Ngoài ra, người dân còn bài trí cho thành phố cà phê này qua những hàng trúc đào, liễu rũ cùng bằng lăng làm Buôn Ma Thuột vào xuân thật nồng nàn, ấm áp cho dù cái nắng cái gió miên man lơi lả trên đầu.

NHÀ DÀI AKÔ ĐHÔNG


Buôn Ma thuột - nơi mệnh danh là thủ đô cà phê của cả nước, việc đầu tiên mà các du khách thích nhất là đi thăm Buôn AKô Đhông - nơi đây còn khoảng hơn 50 nhà dài với tuổi đời non nửa thế kỷ. Buôn rất sạch và đẹp, trước mỗi nhà dài tôi thấy có rất nhiều loại hoa được trồng tỉa rất công phu, mỗi nhà đều có khoảng sân dùng phơi hạt cà phê rất rộng. Trên bậc nhà dài - một già làng cặm cụi đan một chiếc nia nho nhỏ, sau khi xin phép và được chấp thuận tham quan, thật thú vị khi tôi khám phá và chụp được bếp dân tộc vẫn còn được sử dụng tại đây. Nếu bạn là người yêu những nền văn hóa Dân tộc thì Đăk Lắk sẽ là nơi bạn vương mang nhiều nhất vì hiện nay ở Buôn Ma có đến 44 dân tộc cùng hòa bình sinh sống  mà mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đa dạng hấp dẫn say lòng người.

 BUÔN ĐÔN - THỦ PHỦ CỦA KÝ ỨC


Hôm sau, tôi đến thăm Buôn Đôn – nơi thuần hóa voi nổi tiếng và cũng là thủ phủ cũ của Buôn Ma Thuột. Cho dù, từng đọc những giai thoại về vị Vua săn voi Khunjunop nhưng tôi vẫn bị hớp hồn khi viếng thăm khu kiến trúc mộ của vị anh hùng này. Mua một chiếc dây đeo với hình chiêng là vật trang trí trên cổ cùng chiếc vòng bạc, tôi kính cẩn nhờ một vị Già làng cầu các vị thần của núi rừng chứng kiến và ban ơn cho tôi - một lữ khách phương xa viếng thăm vùng đất với bao huyền thoại lưu lại cho đời.

 


Tại Buôn Đôn tôi may mắn được làm quen với ba chú voi thơ thẩn dạo chơi trong bản, tên của hai nàng voi là H’Tuk, H’Panh và chú voi đực là Bắc Kũ. Được biết, các chú voi này ban ngày làm dịch vụ du lịch chuyên chở du khách đi dạo nhưng đến tối các chú được tự do vào rừng Khộp kiếm ăn và quan trọng nhất là chúng sẽ không bị nhớ rừng mà nảy sinh sự khủng hoảng tinh thần.


Buôn Đôn hiện nay vẫn còn khá hoang sơ, dãy nhà dài trưng bày các vật dụng của người Ê đê, Mơ Nông,… chủ yếu vẫn là các loại gùi, cồng chiêng, ghế dài cùng hình ảnh của chiếc cầu thang đực và cầu thang cái, vài chiếc đàn dân tộc cùng những bộ áo quần nay chỉ thấy trong lễ hội được treo hờ hững tại đây. Các cô bé dân tộc làm dịch vụ du lịch hình như cũng không thuần chất như xưa nữa vì tôi tôi thấy cô nào cũng trắng trẻo và hình như họ mất đi những kỹ năng cơ bản như làm nương, đan gùi, tết dây rừng cho đàn ông săn voi và thậm chí là không còn biết dệt thổ cẩm.

THĂM LẮK HỒ HUYỀN THOẠI


Tạm biệt Buôn Đôn với dòng sông Sêrêpốc có dòng chảy ngược qua Cambodia đất bạn, tôi đến viếng thăm di tích Hồ Lak huyền thoại cách thành phố hơn 50Km, cảnh vật ở đây đẹp như tranh vẽ, bởi Lăk vẫn còn giữ nét tự nhiên nguyên sơ, dường như bàn tay con người chưa tác động tới. Đến hồ Lak, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng dãy Cư Yang Sin trầm mặc, hùng vĩ thênh thang vắt ngang lưng chân trời. Để thỏa thú ngắm cảnh tôi thuê một chiếc thuyền độc mộc, nhẹ nhàng chèo trên mặt hồ phẳng lặng, gờn gợn chút sóng nhỏ do mái chèo tạo ra.


Đến Lăk, tôi có dịp được thưởng thức các món ăn như gà rừng M’nông hấp sả, cá suối tươi rói nấu canh chua hoa chuối rừng, cơm lam đựng trong nứa tre hay là khô heo rừng nướng mộc không cần tẩm ướp. Trong đêm xuân, sương mù cuồn cuồn dâng lên từ mặt hồ như làn mây bồng bềnh lan toả. Thật thú vị khi ta say sưa uống rượu Cần chôn đất của Già Làng Y Miên chế tác, nhấm nháp thịt rừng và dõi mắt nghe điệu nhạc Cồng Chiêng do các nghệ nhân của Buôn Jun đến đây biểu diễn. Vị ngọt và say nồng của men rượu xua tan cái lạnh của đêm tây nguyên gió lộng. Chúng tối say sưa trong men rượu và tiếng nhạc rừng muôn thưở qua ánh lửa bập bùng cho đến khi đầu tóc ướt đẫm sương khuya ai nấy mới chịu đi ngủ.

 


Chia tay Lăk, cuộc hành trình của chúng tôi cũng bước vào đoạn kết. Trở về thành phố, tôi cố gắng ghé thăm bảo tàng và chụp ảnh cây thần Kơnia còn lưu giữ nơi đây, dừng 10 phút ghé thăm Chùa sắc Tứ Khải Đoan - một điểm du lịch tâm linh khá nổi tiếng ngay trong thành phố cà phê thơm nồng ấm áp. Tôi không quên mua vài gói cà phê đặc sản và một ché rượu Cần để làm quà và lưu giữ kỷ niệm của một chuyến đi bụi đầu xuân lên Tây Nguyên đất đỏ. Gió ban chiều bắt đầu trở lạnh - Tôi xốc cao cổ áo. Tạm biệt Buôn Ma, tạm biệt Buôn Đôn, tạm biệt Hồ Lăk. Hẹn gặp lại cao nguyên đầy nắng gió, tất cả đã vương mang một nỗi nhớ nhung trong tim người lữ khách quê xa...

- Buôn Ma Thuột cách Hà Nội 1.410km và cách Tp.HCM 350km.
- Khí hậu nơi đây do cách cao mặt nước biển hơn 500m nên cũng chịu ảnh hưởng vởi những luồng khí lạnh.
- Phương tiện giao thông chính đi lại giữa Tp.HCm và Buôn Ma Thuột chủ yếu là bằng ô tô và máy bay. Hiện nay đã có tuyến bay khứ hồi từ Tp.HCM – Buôn Ma Thuột; Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột và Hà Nội – Buôn Ma Thuột.

Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí