Sáng ngày 21/1, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) đã tổ chức lễ thông xe dự án xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý và công bố thông xe 6 dự án khác.
Các đại hiểu cắt băng khánh thành cầu Tân Kỳ - Tân Quý
Dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý có tổng mức đầu tư 491,7 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp khoảng 178 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 190 tỷ đồng và các chi phí khác. Dự án có điểm đầu là nút giao đường Tân Kỳ - Tân Quý – Quốc lộ 1A, điểm cuối tuyến là nút giao đường Tân Kỳ - Tân Quý – đường Mã Lò.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu trong buổi lễ thông xe.
Cầu được xây dựng mới bằng bê tông cốt thép thay thế cầu cũ với tổng chiều dài tuyến 385m, mặt cắt ngang 30m (6 làn xe). Chiều dài cầu và đường đầu cầu là 238m (trong đó chiều dài cầu 82,70m), bề rộng cầu và đường đầu cầu 16m (4 làn xe), tại nhịp giữa bố trí lề bộ hành với bề rộng mỗi bên 1,5m, tại vị trí trụ bố trí các cầu thang dành cho người đi bộ.
Xe đi qua cầu Tân Kỳ Tân Quý sáng 21/6
Ngoài ra, dự án còn xây dựng đường kết nối vào Quốc lộ 1A, đường Tân Kỳ - Tân Quý hiện hữu dài 147m, rộng 30m (6 làn xe); xây dựng đường gom 2 bên cầu dài 367,40m, rộng 7m; xây dựng kè đứng bê tông cốt thép dự ứng lực dọc hai bên bờ kênh Tham Lương tại vị trí cầu với chiều dài 85,95m; xây dựng hệ thống thoát nước, xây dựng hệ thống chiếu sáng, cây xanh và tổ chức giao thông phù hợp theo quy mô dự án.
Trước đó, cầu Tân Kỳ - Tân Quý cũ bị sụt lún hồi tháng 8/2016. Sau đó từ tháng 9/2016 – 9/2022, dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Tuy nhiên do có sự thay đổi về các quy định pháp luật nên ngày 21/9/2022, UBND Thành phố đã có quyết định chấm dứt triển khai dự án BOT để chuyển sang đầu tư công Dự án.
Để thực hiện dự án, có 43 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng kinh phí bồi thường là 190 tỷ đồng. Bên cạnh việc triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp nước, viễn thông) cũng đã được triển khai đồng bộ với quá trình chuẩn bị mặt bằng để tiếp tục triển khai Dự án.
"Việc thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý hôm nay cùng với tuyến đường Tân Kỳ - Tân Quý đã thông xe trong tháng vừa qua sẽ mở ra cánh cửa cho khu vực phía Tây thành phố và hình thành trục đường nối giữa Quốc lộ 1, Vành đai 2 với đến Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như trung tâm thành phố", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Hồ Chí Minh cho hay.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, năm 2025 là năm có nhu cầu phát triển cao, phải hoàn thành nhiều đầu việc. Trong khi đó, TP đang đối mặt với việc áp lực giao thông ngày một tăng cao, đòi hỏi sự phát triển hạ tầng để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
"Việc tập trung triển khai các công trình giao thông, trong đó có các công trình phải tháo gỡ các tồn đọng trước đây để đưa vào khai thác như cầu Tân Kỳ - Tân Quý là rất có ý nghĩa" - Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường nhấn mạnh và ghi nhận những nỗ lực của địa phương và chủ đầu tư trong suốt thời gian triển khai dự án.
Được biết, từ nay đến trước Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Ban Giao thông sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành, đưa vào khai thác 6 công trình giao thông trọng điểm, gồm đường Hoàng Hoa Thám, thông xe ngày 23/1/2025; đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa (Giai đoạn 1), thông xe ngày 23/1/2025 (đoạn từ đường Phan Thúc Duyện đến đường Hoàng Hoa Thám và hoàn thành toàn bộ 3 vị trí trên cao, dưới đất nối kết giao thông với Nhà ga T3); đường Dương Quảng Hàm (Giai đoạn 1), thông xe ngày 27/1/2025; đường Lương Định Của (Giai đoạn 1) hoàn thành ngày 26/1/2025 (đoạn từ đường Trần Não đến Nguyễn Hoàng); toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, thông xe toàn bộ giao lộ ngày 27/1/2025 và cầu Bà Hom, thông xe ngày 27/1/2025.