Về chơi nú rừng hầm hô

 
Đây cũng là địa bàn những năm chống Mỹ cứu nước. Với hơn nửa cây số bồng bềnh trên con đường dẫn vào khu du lịch du khách như trút bỏ cả thế giới trần tục sau lưng. Trước mặt là quang cảnh núi rừng hùng vĩ, những tảng đá lớn nhỏ, nhiều dáng hình lô nhô trên mặt suối, dòng nước chảy quanh co. Bốn bề là những núi là núi cao ngất, cây rừng nguyên sinh và một bầu trời xanh ngắt. Tất cả tạo nên vóc dáng của một hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên.
Chuyện kể rằng, Hầm Hô là tiếng gọi dân dã có tự rất lâu đời bắt nguồn từ một hiện tượng có thật thường xảy ra trên đoạn sông Kút. Hàng năm, vào thời điểm nóng nhất của mùa khô, đặc biệt là những năm hạn hán, lúc mà người dân mong đợi mưa xuống thì ngay trên đoạn sông này vào ban đêm thường có những âm thanh lạ lùng nổi lên rất rõ tựa như tiếng người cùng nhau hô hoán. Sau đó một thời gian rất ngắn, trời có mưa giông. Từ những tiếng hô hoán như vậy nên đoạn sông này được gọi là Hầm Hô, xuất phát từ cụm "hô phong hoán vũ" mà việc cầu mưa là một vấn đề rất linh thiêng từ thuở xa xưa. 
Tuy nhiên, theo giải thích của các nhà khoa học thì đây chỉ là hiện tượng tự nhiên. Hầm Hô là hạ lưu của sông Kút chảy uốn khúc quanh theo hai vách núi dày đặc cây rừng và đá trải nên nhiệt độ luôn thấp hơnvực đồng bằng. Khi hạn hán đạt đến đỉnh điểm thì chắc chắn đất trời sẽ chuyển để đổ mưa. Chính trong giai đoạn chuyển mưa đã tạo nên những luồng không khí lạnh hơn, mạnh hơn tràn về hạ lưu. Khi qua Hầm Hô gặp phải một địa hình đặc biệt: cây rừng dầy đặc cùng hang hốc thâm sâu của đá núi đã tạo nên âm thanh vang dội.
 
 
Nằm trong lòng sông Kút, trên thượng lưu sông Ðá Hàng đổ ra sông Kôn, với chiều dài khoảng 1.000 m theo dòng nước quanh năm xanh biếc, Hầm Hô có vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ. Hai bên bờ rừng cây rợp bóng mát cùng những vách núi đá dựng đứng. Lòng sông với những dãy đá hoa cương có nhiều hình thù kỳ dị, nhấp nhô hòn đứng hòn nằm tạo nên một kho tàng đá và đá. Với những tục danh rất sử thi lãng mạn như: Ðá Thành, Ðá Bàn Cờ, Ðá Chùm, Ðá Dựng, Ðá Trái, Cửa Sanh - Cửa Tử, thác Cá Bay, Dấu chân khổng lồ nên Hầm Hô còn có tên gọi "Hầm Hô thạch trụ". Như lời một nhà văn thì cảnh quan trời mây sông nước Hầm Hô như một cảnh tiên thật "Sơn thủy hữu tình".
Vào mùa xuân là thời điểm đẹp nhất trong năm nếu muốn đến vãn cảnh Hầm Hô. Vào những ngày cuối đông, trời giáp Tết vẫn còn se lạnh, lúc đó sẽ có hàng vạn du khách tới Hầm Hô trên lối mòn ngoằn ngoèo dọc suốt bên sông. Du khách chèo thuyền đi tới Bờ Ðập. Sau đó, ngược dòng sông, qua thắng cảnh lộng lẫy như Vực Sặc, Vực Bà, Vực Hòm, Ðá Cháy, Thác Hai, Thác Ba, Ðỉnh Sương Mù, Làng Cát..., những nơi tận cùng dòng sông Kút giáp với tỉnh Phú Yên.
 
Thiên nhiên hoang sơ và văn hóa Tây Sơn đã tái hiện cuộc sống và chiến đấu của một thời chinh chiến và thanh bình. Du khách qua cầu Kiên Mỹ và sau chưa đầy 20 phút ô tô sẽ đến Hòn Bóng với Bãi đá chùm - nơi có dinh Tiên Hiền, miếu thờ thành hoàng, thánh địa Hầm Hô - do người dân tạo lập khi Hầm Hô còn là căn cứ địa cách mạng thời chống Mỹ. 

 Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí