Về nơi "Đầu sóng ngọn gió"

 

 
Phương Thành oai dũng bên bờ sông Giang
Được khai mở vào thế kỷ 17, không ai nhớ chính xác tên gọi Hà Tiên có từ khi nào chỉ biết rằng nơi đây có phong cảnh tuyệt trần tựa chốn bồng lai và nằm bên bờ sông Giang Thành. Cũng chính vì vậy mà có rất nhiều truyền thuyết khác nhau về tên gọi của vùng đất này. Có người cho rằng, Hà Tiên là do Mạc Cửu đặt tên khi ông đặt chân đến đây, vì mến cảnh trần gian nơi đây có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, tiên nữ thường xuất hiện trên sông Giang Thành nên gọi là Hà Tiên. Cũng có ý kiến cho rằng, tên gọi Hà Tiên là gọi theo tên của một làng cổ nằm bên bờ sông Giang Thành có tên là Tà Ten. Tà có nghĩa là sông, Ten là tên sông. Về sau người ta đọc lệch đi, Tà thành Hà và Ten biến thành Tiên. Tên gọi Hà Tiên ra đời từ đó. Dù chưa thể khẳng định được truyền thuyết nào chính xác nhưng có một điều mà mọi người đều đồng thuận – đó là cảnh sắc mê hồn của vùng đất này.
Ngoài ra, Hà Tiên còn có một cái tên khác là Phương Thành. Sở dĩ Hà Tiên có cái tên này là vì xưa kia Phương Thành là thành đắp lũy tre giáp vòng để chống quân Xiêm, Miên. Hà Tiên nay và Phương Thành xưa luôn gắn liền với dòng sông Giang Thành. Con sông này bắt nguồn từ Campuchia và người Khmer gọi là Prêk Ten. Sông nối liền với kinh Vĩnh Tế và nơi tiếp giáp được gọi là ngã ba Giang Thành – đây cũng chính là một thắng cảnh của Hà Tiên xưa được Mạc Cửu nhắc đến rất nhiều. Không chỉ vậy, Giang Thành còn đi vào thơ ca của rất nhiều thi sĩ, trong đó Giang Thành dạ cổ (tiếng trống đêm Giang Thành) của Mạc Thiên Tứ có lẽ là nổi tiếng nhất. 
 
 
Hà Tiên xinh đẹp và trù phú của ngày nay
Đến Hà Tiên hôm nay, du khách không khỏi bất ngờ trước những thay đổi nhanh chóng của vùng đất “đầu sóng ngọn gió” này. Ngày xưa, người ta thường nói “Hà Tiên Thập Vịnh”, nơi Tao Đàn Chiêu Anh Các, nơi các vị tổng trấn Mạc Thiên Tích tập hợp anh tài trong thiên hạ. “Hà Tiên Thập Vịnh” là mười bài thơ tả về mười vịnh cảnh đẹp nhất của đất Hà Tiên. Khi những bài thơ này được ngâm lên sẽ làm cho du khách phân vân vì không biết chọn vịnh nào để thăm đầu tiên, nhưng người đời lại hay nói “Bình san điệp thúy” là những địa danh nên đến nhất. Bình san là dãy núi phía sau thành Hà Tiên dựng lên như tấm bình phong (Bình là bình phong, san là núi). Còn Điệp là trùng trùng điệp điệp, Thúy là màu xanh. Bình san điệp thúy tức là nói đến ngọn núi như tấm bình phong màu xanh lớp lớp phía sau thành Hà Tiên xưa. Từ núi Bình San nhìn xuống phía dưới một bên là biển Đông mênh mông, một bên là núi Voi Phục tạo nên một phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Đến Hà Tiên mà không đến thăm từ đường dòng họ Mạc thì quả là thiếu sót, được xây dựng từ thời Mạc Cửu với những bậc thang đá phủ màu thời gian. Đền thờ còn có các tên chữ khác là Trung Nghĩa từ, Mạc Công từ còn người dân địa phương gọi là miếu Ông Lịnh. Ngôi đền nằm trên núi Bình San, phía trước có hai ao sen, tương truyền do Mạc Thiên Tứ sai người đào để chứa nước ngọt. Ngôi Đền được chạm trổ tinh vi, sắc sảo. Bên ngoài được bảo vệ bằng một tường rào bằng đá phủ đầy rêu, ngay cổng có đề Mạc Công miếu và hai bên có cặp liễn đối bằng chữ Hán: “Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng – Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh”. 
Bước qua khỏi cổng là một con đường ngắn với cây xanh hai bên đường dẫn thẳng đến một tổ đình rộng, đi tiếp qua cổng nửa sẽ nhìn thấy hai bên có đặt đôi sư tử đá uy nghi dẫn thẳng đến điện thờ chính và tả - hữu vu. Ngoài những bức hoành phi, liễn đối và tranh vẽ tại điện thờ chính còn có một biển thờ đề 4 chữ “Khai Trấn Trụ Quốc” và bức hoành “Nghị Võ Công” đó là những lời khen của nhà Nguyễn dành cho dòng họ Mạc trong sự nghiệp mở mang bờ cõi về phía Nam. Chính vì vậy ngoài giá trị lịch sử, ngôi đền còn là một công trình có giá trị nghệ thuật cao và là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với vùng đất Phương Thành xưa.
 
 
Hà Tiên còn có Thạch Động hay còn gọi là Vân Sơn. Không biết từ bao giờ mà người dân nơi đây tự hào rằng Thạch Động chính là nơi khởi nguồn của câu chuyện Thạch Sanh chém chằn. Vào sâu trong Vân Sơn, thạch nhũ lâu ngày tạo những hình thù kì lạ như hình con chằn, cô gái tóc dài mà dân gian quen gọi là Phật Quan Âm… đặc biệt khi vào đây trí tưởng tượng của du khách có dịp được thỏa sức tung hoành. Cách Thạch Động không xa là cửa khẩu Xá Xía – bên kia là đất nước Campuchia. Tiếp tục xuôi theo về phía Nam là một cụm thắng cảnh nổi tiếng của đất Hà Tiên – đó là Hòn Chông. Với một màu xanh trong bát ngát của nước hòa với màu trời mênh mông cao vời vợi. Điểm nhấn của Hòn Chông là hòn Phụ Tử ngày đêm sóng miên man vỗ khơi lại những huyền thoại thắm đượm tính nhân văn của người dân Việt xưa. Chuyện kể sau khi hai cha con đã tiêu diệt thủy quái, thì cứ mỗi chiều người cha dẫn đứa con của mình ra trước biển ngóng về miền quê xa với nỗi nhớ không nguôi. Nhưng cũng có những tích khác giải thích về sự ra đời của tên gọi hòn Phụ Tử và đó là điểm hiếu kì thu hút du khách gần xa về thăm Hà Tiên nói chung và hòn Phụ Tử nói riêng. Tiếc rằng ngày nay chỉ còn lại hòn Tử, hòn Phụ đã chìm vào torng biển nước.
Ngoài những thắng cảnh và địa danh ở trên vùng đất Hà Tiên ngày nay còn rất nhiều điểm đến mà du khách khi có dịp đến đây không thể bỏ qua như Hang Gia Long, Chợ đêm Hà Tiên… và rất nhiều danh thắng khác. Vùng đất Phương Thành xưa nay đã thay da đổi thịt rất nhiều nhưng Hà Tiên Thập Vịnh thì vẫn in sâu trong lòng người dân địa phương về vẻ đẹp của một vùng đất cuối trời, nơi “đầu sóng ngọn gió”. 
 
Toàn Nguyễn